CTTĐT - Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái phấn đấu ổn định diện tích sắn 8.700 ha, sản lượng 171.000 tấn. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao về phát triển cây sắn bền vững.
Công nhân Nhà máy Sắn Văn Yên đóng gói bao bì sản phẩm tinh bột sắn
Yên Bái có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp với nhiều loại cây, trong đó có cây sắn. Cây sắn được trồng phổ biến tại tỉnh, nhưng tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Lục Yên. Mặc dù là một trong những địa phương có diện tích canh tác sắn khá lớn của cả nước, tuy nhiên, từ năm 2015 - 2020 diện tích giảm dần qua các năm, mỗi năm giảm khoảng 1.000 ha. Đến nay, diện tích sắn toàn tỉnh trên 8.700 ha, sản lượng trên 171.000 tấn, năng suất đạt 19,7 tấn/ha.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 doanh nghiệp sản xuất, chế biến sắn với công suất 150.000 tấn sắn củ tươi/năm là Công ty Cổ phần Nông Lâm sản thực phẩm Yên Bái và Công ty TNHH thương mại đầu tư Yên Bình. Trong giai đoạn 2003 - 2004, UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt 2 dự án quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu 2 vùng trồng sắn tại 2 huyện Văn Yên và Yên Bình để tạo vùng nguyên liệu sắn tập trung cung cấp nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn.
Là địa phương có diện tích trồng sắn lớn, chiếm trên 50% diện tích sắn toàn tỉnh. Hiện nay trên địa bàn huyện Văn Yên có Nhà máy chế biến tinh bột sắn với công suất chế biến 5.100 tấn/ngày, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Để sản xuất chế biến sắn phát triển ổn định, những năm qua huyện Văn Yên đã chú trọng, quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, sản phẩm sắn, trong đó vận động, khuyến khích tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân.
Ông Hoàng Viễn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Mặc dù có diện tích lớn, nhưng diện tích sắn trên địa bàn huyện cũng đang có xu hướng giảm do người dân dần chuyển sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn như cây quế. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy Sắn sản xuất ổn định, huyện Văn Yên đã triển khai các đề án nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, sản lượng sắn. Cùng với đó kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bắt tay bền chặt với chính quyền địa phương và người trồng sắn trong việc giải quyết hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp, nhất là chính sách về giá thu mua, bao tiêu sản phẩm để giữ vững ổn định vùng sắn nguyên liệu, tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm sản xuất”.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng trên 7.200 tấn với giá trị gần 3 triệu USD. Sản phẩm tinh bột sắn xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất sang thị trường Trung Quốc. Ngoài sản phẩm tinh bột sắn, còn có khoảng 200 cơ sở sản xuất sắn lát khô, sản lượng năm 2020 đạt khoảng 45.000 tấn.
Nhìn chung, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn đã đạt được kết quả đáng ghi nhận cả sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cho thấy sự phát triển sắn còn thiếu tính bền vững. Đó là diện tích trồng sắn của tỉnh chủ yếu trên địa hình đồi dốc, cùng với việc canh tác sắn lâu năm nên nhiều diện tích đất bị thoái hóa làm năng suất sắn giảm, hiệu quả sản xuất thấp. Có thời điểm nhiều diện tích sắn người dân không thu hoạch do giá sắn tươi hạ thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây trồng có giá trị cao hơn; việc áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất và áp dụng các biện pháp canh tác bền vững trên đất dốc để tạo ra vùng nguyên liệu sắn tập trung gặp nhiều khó khăn. Công nghiệp chế biến sắn còn chậm phát triển, chủ yếu vẫn là chế biến thô nên giá trị gia tăng của sản phẩm sắn chưa cao.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn trên địa bàn tỉnh Yên Bái vừa qua, ông Nghiêm Minh Tiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho rằng, Yên Bái có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây sắn, thực tế nhiều năm qua, cây sắn đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân, đặc biệt là ở vùng cao, vùng xa. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho cây sắn phát triển ổn định, cần có sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, sự quan tâm của chính quyền các địa phương và sự chủ động của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh sắn. Đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người trồng sắn đầu tư thâm canh tăng năng suất. Hỗ trợ giống sắn mới cho nông dân và có chính sách thu mua, vận chuyển, đặc biệt là bảo biểm giá sắn cho nông dân để đảm bảo độ bền vững của vùng nguyên liệu.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái phấn đấu ổn định diện tích sắn ở mức 8.700 ha, sản lượng 171.000 tấn. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các mô hình mới, chính sách hỗ trợ phát triển dự án liên kết theo chuỗi giá trị, mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao về phát triển cây sắn bền vững.
Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng giống sắn tốt, chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất để giảm chi phí, hạ giá thành để tăng giá trị sản phẩm từ sắn. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại các sản phẩm chế biến từ cây sắn; đẩy mạnh khâu liên kết trong tiêu thụ, chế biến, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sắn. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông, điện… và hỗ trợ các chính sách thu hút đầu tư cho vùng quy hoạch phát triển nguyên liệu sắn; kiên quyết xử lý những cơ sở và các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh cố tình vi phạm về môi trường.
Bên cạnh sự quan tâm của tỉnh, của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cần phải đồng hành, giúp người nông dân thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật, chuyển đổi giống mới, ứng vật tư, phân bón và hình thành vùng canh tác sắn bền vững quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến. Ký cam kết hợp đồng bao tiêu nguyên liệu trên cơ sở xây dựng các khung giá thu mua hợp lý và có sự thỏa thuận giữa nhà máy và các hộ nông dân.
2475 lượt xem
Hiền Trang