CTTĐT - Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, chính sách thu hút đầu tư cởi mở, hấp dẫn...là điều kiện quan trọng để Yên Bái chào đón các nhà đầu tư đến cùng hợp tác và phát triển.
Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, chính sách thu hút đầu tư cởi mở, hấp dẫn...là điều kiện quan trọng để Yên Bái chào đón các nhà đầu tư đến cùng hợp tác và phát triển
Yên Bái có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ lâm nghiệp với diện tích rừng tự nhiên 242.089 ha, rừng trồng 152.013 ha, sản lượng có thể khai thác trên 200.000 m3 gỗ các loại như keo, bồ đề, bạch đàn… và trên 150.000 tấn tre, vầu, nứa. Đây là nguồn nguyên liệu phong phú cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy, ván dăm...
Cây chè là cây công nghiệp có sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh Yên Bái với diện tích 11.450 ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt khoảng 90.000 tấn, đứng thứ 2 về diện tích và sản lượng chè của cả nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 80 cơ sở tham gia chế biến chè, hàng năm chế biến được gần 19.000 tấn chè khô các loại. Trong đó chè đen xuất khẩu chiếm trên 90%, còn lại là chè xanh.
Với diện tích trên 30.000 ha, Yên Bái là tỉnh có diện tích quế lớn nhất cả nước và chất lượng quế thuộc vào loại tốt nhất Việt Nam. Sản lượng hàng năm khai thác 11.000 tấn vỏ quế khô và khối lượng cành, ngọn, lá để chưng cất thành 600 tấn tinh dầu. Quế Văn Yên từ lâu đã là một thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, sản phẩm Quế Văn Yên cũng đã được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2010.
Đây còn là vùng đất tươi đẹp với nhiều cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng như: hồ Thác Bà có diện tích mặt nước trên 19.000 ha với 1.300 đảo lớn, nhỏ được bao bọc bởi dãy núi hùng vĩ và nhiều hang động kỳ thú; Hồ Vân Hội với diện tích 500 ha; Cánh đồng lúa Mường Lò – Văn Chấn, Nghĩa Lộ, vựa lúa lớn thứ 2 vùng Tây Bắc có diện tích 3.000 ha; Vùng chè cổ thụ Suối Giàng nằm ở độ cao 1.400m, nơi có cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi; Ruộng bậc thang Mù Cang Chải với diện tích 2.300 ha đã được xếp hạng danh thắng cấp quốc gia và được báo chí Mỹ ca ngợi là có vẻ đẹp ngoạn mục, tinh tế nhất trên thế giới.
Cùng với đó, đây còn là vùng đất có khoáng sản Yên Bái khá phong phú và đa dạng, với 257 mỏ và điểm mỏ thuộc các nhóm năng lượng, vật liệu xây dựng, trong đó có một số loại khoáng sản trữ lượng cao, chất lượng tốt như: cao lanh, sắt, thạch anh, felspats, chì, kẽm, đá vôi trắng (có độ trắng trên 90%), trữ lượng trên 2,4 tỷ m3. Khoáng sản vật liệu xây dựng cũng là tiềm năng nguyên liệu rất lớn để sản xuất xi măng, đá ốp lát các loại và vật liệu xây dựng với trữ lượng trên 450 triệu tấn; trữ lượng Kaolin, Felspat trên 15 triệu tấn; đá bột siêu mịn dùng làm nguyên liệu phụ gia cho sản xuất hóa mỹ phẩm, cao su, nhựa, giấy...
Trong các loại khoáng sản của tỉnh Yên Bái, nổi bật nhất có thể kể đến đá vôi trắng, đá vôi trắng ở Yên Bái có trữ lượng lớn và chất lượng tốt, có thể dùng làm đá ốp lát hoặc khoáng chất công nghiệp. Trữ lượng đá vôi trắng dùng làm đá ốp lát có khoảng 1.300 triệu m3, đá vôi trắng dùng làm xi măng hoặc khoáng chất công nghiệp có khoảng 600 triệu m3 (tương đương 1.620 triệu tấn). Công suất khai thác đạt 2,3 triệu m3/năm (đối với đá vôi trắng làm đá ốp lát) và 12 triệu tấn/năm (đối với đá vôi trắng làm khoáng chất công nghiệp), tổng công suất đạt khoảng 6,7 triệu m3/năm.
Đá vôi trắng của Yên Bái có hàm lượng CaO dao động từ 55,4% đến 55,78%, độ trắng dao động từ 84,75% đến 95,85%, đá vôi trắng Yên Bái hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn về sản xuất chất độn cao cấp trong các ngành công nghiệp sản xuất xi măng, hoá mỹ phẩm, dược, chế biến cao su, sơn, sản xuất đồ nhựa, sản xuất giấy,…
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 30 giấy phép khai thác đá vôi trắng còn hiệu lực, tập trung chủ yếu ở 02 huyện Lục Yên và Yên Bình. Cùng với đó là 36 nhà máy chế biến đá vôi trắng, sản phẩm sản xuất ra chủ yếu là đá bột, đá hạt, đá block và bột felspat. Có thể kể đến một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực khai thác và chế biến đá trắng như Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK, công suất khoảng 360.000 m2/năm, sản phẩm chính gồm đá block, đá xẻ, đá xẻ tấm; Công ty cổ phần xi măng khoáng sản Yên Bái hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến và kinh doanh xuất nhập khẩu Canxi Cacbonat tinh khiết, công suất 300.000 tấn/năm dùng thay thế cho bột nhẹ, làm phụ gia cho ngành giấy, nhựa, sơn, hoá mỹ phẩm và vật liệu trang trí trong ngành xây dựng.
Tỉnh có 3 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã được hoàn thiện hạ tầng và có diện tích lớn gồm: Khu công nghiệp phía Nam với diện tích 532 ha, khu công nghiệp Minh Quân diện tích 112 ha, khu công nghiệp Âu Lâu diện tích 118,35 ha. Ngoài ra, tỉnh đã chủ động xây dựng 8 cụm công nghiệp tại các huyện như: Âu Lâu, Sơn Thịnh, Hưng Khánh, Báo Đáp, Tây Cầu Mậu A, Đông An, Thịnh Hưng, Yên Thế với tổng diện tích 310 ha, đồng thời có kế hoạch xây dựng các khu công nghiệp kết nối với đường cao tốc tại khu vực các điểm nút giao thông IC12 và IC14.
Với những lợi thế đó cùng với cam kết dành cho nhà đầu tư sự ủng hộ cao nhất, thủ tục hành chính thông thoáng, giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông, giao tiếp bằng tiếng Anh, Việt, các thủ tục hành chính có liên quan tới doanh nghiệp như cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp phép xây dựng, thuê đất đai trong thời gian nhanh nhất; hực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ các nhà đầu tư sau đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư triển khai hoàn thành dự án... tỉnh Yên Bái đã và đang là một điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư.
1324 lượt xem
Ban Biên tập