Tiêu chí đánh giá bốn cấp độ thích ứng an toàn dịch COVID-19 gồm tỉ lệ F0, độ bao phủ vaccine, khả năng thu dung, điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh.
Tỉ lệ tiêm vaccine là một trong ba tiêu chí đánh giá cấp độ dịch. Trong ảnh: Người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19
Tối 13-10, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn (hướng dẫn) để thực hiện Quy định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Tăng giảm cấp độ dịch phụ thuộc nhiều vào vaccine
Hướng dẫn được ban hành xác định ba tiêu chí quan trọng để đánh giá cấp độ dịch gồm: (1) Tỉ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian, (2) độ bao phủ vaccine và (3) đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Các tiêu chí đưa ra có yêu cầu cụ thể. Với tiêu chí ca mắc mới tại cộng đồng, địa phương được xếp ở mức 1 nếu số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần dao động 0 - < 20; mức 2 khi số ca mắc ở mức 20 - < 50; mức 3: 50 - < 150; mức 4: ≥ 150.
Theo hướng dẫn, các địa phương có thể điều chỉnh giảm hoặc tăng số ca mắc mới trong từng mức độ cho phù hợp với tình hình thực tế.
Về tiêu chí độ bao phủ vaccine, hướng dẫn đưa ra hai yêu cầu:
Thứ nhất, tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19 phân theo hai mức (≥ 70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine; < 70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine). Các địa phương có thể điều chỉnh tỉ lệ tiêm chủng phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Thứ hai, trong tháng 10-2021, yêu cầu tối thiểu 80% người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Từ tháng 11-2021, yêu cầu tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.
Đối với tiêu chí đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến, hướng dẫn nêu: Tỉnh, TP có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, TP (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4.
Các quận, huyện, thị xã, TP (huyện) có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp ôxy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn (xã) để đáp ứng khi có dịch xảy ra.
Về việc điều chỉnh cấp độ dịch, trong trường hợp địa phương không đạt được tiêu chí 3 thì không được giảm cấp độ dịch. Và phải tăng lên một cấp độ dịch nếu không đạt được yêu cầu 80% người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.
Từ yêu cầu tiêu chí trên, các tỉnh, TP trực thuộc trung ương căn cứ tình hình thực tiễn về diễn biến dịch, độ bao phủ vaccine, điều kiện thực tế (mật độ dân cư, điều kiện kinh tế - xã hội...), khả năng ứng phó có thể điều chỉnh các tiêu chí, cấp độ dịch cho phù hợp.
Tăng cường cơ sở vật chất
Theo hướng dẫn, để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các tỉnh, TP trực thuộc trung ương cần phải xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế, trong đó chú ý tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và điều trị trên địa bàn.
Tăng cường khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc người mắc COVID-19. Đồng thời xây dựng kế hoạch thu dung, chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19 (F0), đặc biệt kế hoạch bảo đảm đáp ứng về giường ICU.
Bên cạnh đó, mỗi địa phương phải có kế hoạch bảo đảm khi có dịch xảy ra: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên có hệ thống cung cấp ôxy hóa lỏng, khí nén; các trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm cung cấp ôxy y tế; có kế hoạch tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, tổ chức quản lý F0 tại nhà.
Tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị COVID-19. Bảo đảm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Về xét nghiệm, hướng dẫn đề nghị không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh COVID-19, chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ.
Hướng dẫn cũng nêu rõ việc cách ly y tế được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Y tế. Thời gian tới cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19, ưu tiên tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.
Riêng đối với việc tổ chức các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời tại các địa bàn có dịch cấp độ 2, 3, 4: Các địa phương quyết định tăng số lượng người tham gia hoặc công suất hoạt động trong trường hợp 100% người tham gia đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính.
Tỉ lệ tiêm vaccine, điều kiện cần thiết để thích ứng an toàn
Quy định mới là phù hợp, đáp ứng kịp thời tình hình thực tế hiện nay là chúng ta không thể theo đuổi mục tiêu "zero COVID” được nữa, phải chuyển trạng thái để đảm bảo chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc cập nhật tiêu chí về tỉ lệ tiêm chủng và năng lực y tế để đánh giá cấp độ nguy cơ hiện nay có vai trò rất quan trọng bởi Việt Nam đang tăng tốc bao phủ vaccine. Tỉ lệ tiêm vaccine là một trong những điều kiện cần thiết để thích ứng an toàn.
TS TRẦN ĐẮC PHU, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện khẩn cấp y tế công cộng (Bộ Y tế)
|
(Theo PLO)
639 lượt xem