Evusheld là kháng thể đơn dòng đầu tiên trên thế giới được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép nhằm dự phòng trước virus SARS-CoV-2, đặc biệt trên nhóm người nguy cơ cao, nhóm người yếu thế, suy giảm miễn dịch, nhóm người không có khả năng sinh kháng thể dù đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, hoặc những người không thể tiêm vắc xin.
Kháng thể đơn dòng đầu tiên trên thế giới được FDA cấp phép, đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam nhằm bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao trước COVID-19
Ngày 10/3, Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, thông qua sự phân phối của Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) đã được Bộ Y tế cấp phép chính thức sử dụng kháng thể đơn dòng Evusheld của AstraZeneca - kháng thể đơn dòng đầu tiên trên thế giới được cấp phép để dự phòng COVID-19.
Evusheld là kháng thể đơn dòng đầu tiên trên thế giới được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép nhằm dự phòng trước virus SARS-CoV-2, đặc biệt trên nhóm người nguy cơ cao, nhóm người yếu thế, suy giảm miễn dịch, nhóm người không có khả năng sinh kháng thể dù đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, hoặc những người không thể tiêm vắc xin.
Theo nghiên cứu của hãng AstraZeneca, kháng thể đơn dòng này có khả năng bảo vệ cơ thể không mắc COVID-19 đến 83%, chỉ vài giờ sau khi tiêm, không có trường hợp nào bệnh nặng hay tử vong trong suốt 6 tháng theo dõi trong nghiên cứu PROVENT của AstraZeneca. Evusheld được chứng minh có hiệu quả phòng ngừa ít nhất 6 tháng, kể cả với biến thể Omicron.
Cũng theo nghiên cứu của AstraZeneca, hiệu quả này được quan sát thấy ở cả những người bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý hoặc đang sử dụng các thuốc, phác đồ điều trị ức chế miễn dịch và có thể không tạo được đáp ứng miễn dịch với vắc xin phòng COVID-19 như: người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch (ví dụ như dùng corticoid liều cao, kéo dài) hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng… Thậm chí, những người không thể tiêm bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào hiện có vì từng xảy ra tác dụng nghiêm trọng như: dị ứng nặng, sốc phản vệ… vẫn được chỉ định tiêm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính khoảng 2% dân số toàn cầu thuộc nhóm dễ bị tổn thương trước COVID-19 do bị suy giảm miễn dịch vừa và nặng. Những người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao gồm: Người mắc bệnh nền (suy gan, suy thận, tim mạch, cơ xương khớp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…); đặc biệt là người bị suy giảm miễn dịch vừa và nặng (do HIV, đang điều trị ung thư, ghép tạng…); hoặc mắc các bệnh hệ thống (lupus ban đỏ, viêm khớp, thoái hóa khớp…) càng trở nên yếu thế, nguy cơ nhiễm bệnh, chuyển nặng và tử vong ngày càng cao khi mắc COVID-19.
GS.TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam chia sẻ: "Nhiều bệnh nhân suy giảm miễn dịch, ung thư, viêm khớp tự miễn, ghép tạng hoặc các bệnh hệ thống… rất dễ bị tổn thương trước COVID-19 đang phải sống trong lo âu và tự cách ly với xã hội vì lo ngại cơ thể không thể sinh miễn dịch đầy đủ sau khi tiêm vaccine như những người khỏe mạnh khác. Liệu pháp kháng thể đơn dòng sẽ cung cấp thêm một lớp "phòng thủ ngay tức thì" để gia tăng bảo vệ cho những trường hợp có nguy cơ cao này, giảm thiểu nguy cơ mắc, chuyển biến nặng, nhập viện và tử vong".
Được biết, hiện Chính phủ Mỹ đã đặt mua 1,7 triệu liều Euvusheld của AstraZeneca và triển khai tiêm Evusheld cho những người bệnh chưa có đủ kháng thể chống lại COVID-19. FDA cho phép điều trị dự phòng COVID-19 bằng Evusheld ở người lớn và thanh thiếu niên (từ 12 tuổi và có cân nặng từ 40kg trở lên).
(Theo dangcongsan.vn)
477 lượt xem