Sáng 5/7, tại Lễ phát động tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 mũi 3 và mũi 4 cho công nhân viên chức, người lao động; đông đảo các cán bộ, nhân viên của các đơn vị đã hưởng ứng tiêm mũi nhắc lại.
Các cán bộ của các đơn vị tham gia tiêm chủng ngay tại Lễ phát động
Tiêm nhắc lại an toàn
Có tiền sử huyết áp cao, đã tiêm 3 mũi vaccine và từng bị mắc COVID-19, bà Lê Thị Tâm, công đoàn Công thương Việt Nam đến từ sớm để tham gia tiêm nhắc lại mũi 2 (mũi 4) ngay tại Lễ phát động tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 mũi 3 và mũi 4 cho công nhân viên chức, người lao động. Bà Tâm được đo huyết áp theo dõi cả trước và sau tiêm để đảm bảo an toàn.
"Tôi có bệnh nền cao huyết áp nên ngay từ lúc có vaccine tôi đã khẩn trương tiêm chủng theo khuyến cáo. Tôi cũng từng bị mắc COVID-19 sau khi tiêm 3 mũi vaccine nên tôi thấy các triệu chứng mắc bệnh rất nhẹ nhàng, không đáng kể, chỉ hơi đau họng và không có biểu hiện gì khác. Tôi thấy việc tiêm vaccine cũng được đảm bảo an toàn, tôi được theo dõi sát huyết áp mỗi lần tiêm, khi đủ điều kiện mới tiêm và các mũi tiêm đều không ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy tôi nghĩ chúng ta nên tiêm nhắc lại các mũi theo khuyến cáo để đảm bảo có kháng thể, đẩy lùi dịch bệnh”, bà Lê Thị Tâm cho biết.
Cũng tham gia tiêm mũi thứ 4 trong dịp này, chị Huỳnh Thị Thu Hà, Chi nhánh vận tải đường sắt Hà Nội cho biết: "Tôi thấy tiêm chủng rất an toàn, không có gì phải lo lắng, mọi người nên tiêm theo hướng dẫn vì tiêm vaccine sẽ giúp chúng ta bị nhẹ hơn, không bị biến chứng nặng khi mắc COVID-19. Trước đây khi dịch bắt đầu bùng phát nặng nề, chúng ta đã rất mong có vaccine để được tiêm chủng; hiện nay vaccine đã sẵn, người dân cũng rất dễ dàng được tiêm nên mọi người nên tham gia tiêm chủng để bảo vệ mình và người thân”.
Công tác tổ chức trong buổi Lễ phát động tiêm diễn ra an toàn, nhanh chóng, thuận tiện, người đến tiêm đều ổn định sức khỏe.
Tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: "Kết quả phòng chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận, đánh giá cao; trong đó, vaccine có vai trò quan trọng hàng đầu. Từ khi bắt đầu tổ chức triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 từ tháng 3/2021 đến ngày 4/7/2022, cả nước đã tiêm được hơn 233 triệu liều vaccine với tỷ lệ bao phủ liều cơ bản ở người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%. Về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Việt Nam đang đứng top đầu trên thế giới”.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia. Việt Nam đã tiếp tục ghi nhận các biến chủng mới và có nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Đến nay, tiêm vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, thực tế đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là ở một bộ phận người dân, đơn vị; nhiều địa phương không đạt tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4 như yêu cầu và có tình trạng do dự, né tránh việc tiêm vaccine. Do đó tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 ở người từ 18 tuổi trở lên mới đạt khoảng 67% và 31%.
Vaccine giúp đảm bảo an toàn sản xuất
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhận định: "Trong những năm qua, cán bộ, viên chức, người lao động; đặc biệt là công nhân đã được tiêm, tiêm sớm vaccine phòng chống COVID-19 để khống chế dịch; đã giúp giảm bớt nỗi lo của dịch bệnh, giúp người lao động vượt qua nỗi lo không có việc làm thường xuyên, được trở lại trạng thái bình thường mới. Lực lượng lao động an toàn đã đóng góp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thời gian qua”.
Theo đó, nhằm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người lao động; chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho cán bộ, viên chức, người lao động là góp phần nâng cao nhận thức, tiếp tục khơi dậy tinh thần tích cực, tự giác trong việc thực hiện tiêm chủng, tăng cường thêm khả năng miễn dịch cho đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động trước nguy cơ bùng phát trở lại của dịch bệnh COVID-19.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng vận động các đoàn viên, người lao động tiếp tục nhận thức sâu sắc về ý nghĩa quan trọng của tiêm vaccine trong giai đoạn hiện nay cho các đối tượng cần thiết để góp phần đảm bảo sự ổn định, an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, thành công hơn nữa trong khôi phục và phát triển nền kinh tế.
"Chúng tôi cũng đề nghị các cấp công đoàn tích cực tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức, người lao động tiếp tục tham gia tiêm chủng vaccine; phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, ngành y tế, Ban Quan lý các khu công nghiệp tại địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động triển khai tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19 cho người lao động theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, ông Trần Thanh Hải cho biết.
Sự vào cuộc kịp thời của Tổng Liên đoàn trong việc phát động, chỉ đạo các cấp công đoàn trong việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đã có ý nghĩa hết sức quan trọng; góp phần phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe đội ngũ công nhân, người lao động, là lực lượng chủ lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đưa đất nước sớm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng đề nghị lãnh đạo các Bộ ngành, các công đoàn ngành trung ương sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn để tổ chức triển khai tiêm chủng cho cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị. Đồng thời, kêu gọi mọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ngay việc tiêm chủng vaccine mũi nhắc lại đúng lịch và kịp thời.
"Vaccine tốt nhất là vaccine được nhắc lại bổ sung kịp thời nhất”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định.
(Theo Tin tức)
427 lượt xem