Ngày 19.3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gửi công văn tới tất cả 63 tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống dịch COVID-19 đối với người bệnh, người cao tuổi.
Theo đó, Ban chỉ đạo đề nghị UBND các tỉnh, thành thống kê, lập danh sách, quản lý chặt chẽ sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt người có bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh khác.
Khuyến cáo và thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc ra ngoài, khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác.
Khi người cao tuổi trong gia đình, người có bệnh lý nền có vấn đề về sức khỏe, phải liên hệ ngay với y tế xã phường, bác sĩ gia đình; trong trường hợp thực sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh (hết thuốc, cần chỉnh liều…); luôn sử dụng khẩu trang và sát khuẩn tay nếu ra ngoài.
Các cơ sở y tế thực hiện việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn cho tất cả các đối tượng (tối thiểu 2 tháng).
Tại Việt Nam, tính đến ngày 19.3 ghi nhận 76 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 16 trường hợp đã điều trị khỏi và ra viện, 60 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện. Trong số 60 bệnh nhân đang điều trị có 2 bệnh nhân cao tuổi có bệnh lý nền phải thở máy và điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội).
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay 95% số người mắc COVID-19 trên thế giới đã và đang hồi phục. Những người có nguy cơ cao trong diễn biến bệnh nặng và tử vong chủ yếu là những người trên 60 tuổi và những người có bệnh sẵn như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp mạn tính và ung thư.
(Theo LĐO)
903 lượt xem