Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

HƯỚNG DẪN Y TẾ >> Văn hóa - Xã hội

Người đầu tiên tại Mỹ được tiêm vắc xin phòng Covid-19

15/12/2020 15:41:12 Xem cỡ chữ Google
Tính đến 6h ngày 15-12, toàn thế giới ghi nhận 73.127.133 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.626.738 ca tử vong.

Sandra Lindsay, nữ y tá Khoa Chăm sóc tích cực tại Trung tâm Y tế Jewish Long Island (New York), là người đầu tiên tại Mỹ được tiêm mũi vắc xin phòng Covid-19 của hãng Pfizer/BionTech.

Châu Mỹ

Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới và tử vong cao nhất thế giới với hơn 16 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 300.000 người tử vong.

Nhằm giảm số ca mắc mới gia tăng mạnh trong những ngày qua, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, Tiến sĩ Robert Redfield, đã ký vào bản khuyến nghị của ban tư vấn về việc sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 do công ty Pfizer và BionTech hợp tác phát triển. Theo đó, việc tiêm chủng vắc xin sẽ bắt đầu tiến hành với những người từ 16 tuổi trở lên. Tối 14-12 (giờ Việt Nam), một nữ y tá tại New York đã trở thành người đầu tiên tại Mỹ được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump đã chia sẻ trên Twitter về sự kiện này và gửi lời chúc mừng tới nước Mỹ và thế giới. Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo bày tỏ hy vọng vắc xin sẽ giúp nữ y tá này và các nhân viên y tế ở tuyến đầu được an toàn. Ông cũng lưu ý rằng phải mất nhiều tháng nữa vắc xin mới được phân phối trên diện rộng nên mọi người cần tiếp tục tuân thủ các quy định giãn cách xã hội để hạn chế lây nhiễm bệnh.

Châu Âu

Tại châu Âu, dịch bệnh tại một số nước có chiều hướng gia tăng mạnh trở lại. Đức thông báo chưa thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào đầu năm sau khi số ca mắc mới theo ngày vẫn tiếp tục tăng và chương trình tiêm vắc xin vẫn chưa chính thức triển khai. Theo kế hoạch, chính phủ liên bang và chính quyền các bang ở Đức sẽ áp đặt phong tỏa toàn bộ từ ngày 16-12. Với quyết định trên, tất cả các cửa hàng, ngoại trừ các cửa hàng bán thực phẩm phục vụ nhu cầu tối thiểu hằng ngày, đều tạm ngừng hoạt động ít nhất tới ngày 10-1-2021.

Cùng ngày, Đức thông báo sẽ tiếp nhận 11 triệu liều vắc xin từ BionTech từ nay đến tháng 3 tới. Theo Bộ Y tế Đức, riêng tháng 1-2020, Đức sẽ tiếp nhận 3 tới 4 triệu liều.

Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng có kế hoạch bắt đầu tiêm chủng mở rộng cho người dân từ ngày 4 hoặc 5-1-2021 nếu Cơ quan Dược phẩm châu Âu "bật đèn xanh" cho một loại vắc xin ngừa Covid-19 vào ngày 29-12 tới. Những đối tượng ưu tiên được tiêm đầu tiên là người già và nhân viên làm việc trong các nhà dưỡng lão, sau đó mới đến các nhân viên y tế và những nhóm dễ bị tổn thương khác.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 14-12 cho biết các nhà khoa học nước này phát hiện biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 được cho là có thể liên quan đến tốc độ lây nhiễm gia tăng nhanh tại khu vực Đông Nam vùng England. Phân tích ban đầu cho thấy loại biến thể này phát triển nhanh hơn những biến thể trước đây.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Chính phủ Anh công bố từ ngày 16-12, hơn 34 triệu người, tương đương 60% dân số thuộc vùng England, bao gồm cả thủ đô London, sẽ phải nâng mức độ giãn cách xã hội lên cấp độ 3, cấp độ cao nhất do số ca nhiễm tăng mạnh.

Ngày 14-12, chính phủ Séc quyết định nâng mức độ rủi ro từ cấp độ 3 lên cấp độ 4 theo hệ thống cảnh báo dịch Covid-19 trên toàn quốc gồm 5 cấp độ (PES), đồng thời quyết định sẽ siết chặt lại các biện pháp hạn chế từ ngày 18-12. Theo đó, chính phủ yêu cầu đóng cửa quán ăn và khách sạn. Cửa hàng và dịch vụ vẫn mở cửa song phải đảm bảo các biện pháp vệ sinh dịch tễ nghiêm ngặt. Lệnh giới nghiêm nhằm hạn chế hoạt động đi lại vào ban đêm được áp dụng trở lại.

Châu Á

Đứng thứ hai thế giới, Ấn Độ ghi nhận 9.892.471 ca mắc Covid-19, trong đó đã có 143.515 ca tử vong. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế nước này, tính đến ngày 14-12, số ca mắc Covid-19 đang điều trị là 352.586 ca, mức thấp nhất trong gần 5 tháng qua.

Ngày 14-12, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết Chính phủ nước này sẽ tạm dừng chương trình kích cầu du lịch nội địa "Go To Travel" trên phạm vi toàn quốc từ ngày 28-12-2020 đến ngày 11-1-2021 trong bối cảnh số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 gia tăng. Chính phủ Nhật Bản sẽ ra quyết định tiếp theo tùy thuộc diễn biến tình hình dịch bệnh sau kỳ nghỉ năm mới.

Tại Hàn Quốc, nhà chức trách đã yêu cầu các trường học ở thủ đô Seoul và các vùng lân cận đóng cửa từ ngày 15-12 trong nỗ lực ứng phó với đợt bùng phát nghiêm trọng nhất kể từ đầu mùa dịch, hiện đã vượt cả mức đỉnh dịch hồi tháng 2. Theo quy định mới, các trường học sẽ chuyển sang hình thức dạy trực tuyến đến hết tháng này. Việc đóng cửa trường học là một bước đi hướng tới áp đặt quy định giãn cách xã hội giai đoạn 3. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 14-12 thông báo 718 ca nhiễm mới, trong đó 682 ca lây nhiễm trong nước. Hầu hết các ca nhiễm mới được ghi nhận ở thủ đô Seoul, thành phố cảng Incheon và tỉnh Gyeonggi.

Cùng ngày, nhà chức trách Trung Quốc cho biết đã phát hiện vi rút SARS-CoV-2 trên một mẫu bao bì tôm đông lạnh nhập khẩu tại huyện Nguyên Dương thuộc tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Theo giới chức địa phương, mẫu bệnh phẩm trên được lấy từ bao bì của một lô tôm đông lạnh nhập khẩu từ Nam Mỹ. Lô hàng này được vận chuyển cùng chuyến với lô tôm đông lạnh nhập khẩu phát hiện có vi rút SARS-CoV-2 cách đây vài ngày ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam. Hiện chính quyền địa phương đã tiến hành xét nghiệm 22 người liên quan, trong đó có những người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Tất cả các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.

Ngày 14-12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thông báo nước này đã cấp phép sử dụng vắc xin của Pfizer/BionTech và dự kiến Singapore sẽ nhận được lô hàng đầu tiên vào cuối tháng 12 này.

 

(Theo HNMO)

 

1011 lượt xem