33 năm đã qua từ trận chiến tháng 7 năm 1984 tại Vị Xuyên (Hà Giang), nhưng ký ức về những tháng ngày máu lửa, bom đạn, lịch sử ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người lính năm nào. Chỉ cần một dòng khơi gợi, những chuyện xưa lại ùa về...
Khi những người con đất Việt đang hướng trọn lòng tri ân thành kính tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, tới các thương binh, liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc, tôi may mắn được gặp những người lính Sư đoàn 356 trở về từ cuộc chiến Vị Xuyên vốn được biết đến với những cái tên như "lò vôi thế kỷ", "thung lũng gọi hồn, đồi thịt băm", "cối xay thịt"... Huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) là một trong những vùng chiến sự đẫm máu trong giai đoạn chiến tranh biên giới 1979 - 1989, hơn 4.000 chiến sỹ hy sinh.
Chỉ trong một đêm ngày 12/7/1984 thời gian mở màn chiến dịch tiến công chiếm lại điểm cao 1509, Sư đoàn 356 thuộc đơn vị chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam đã thiệt hại hơn 600 người. Trong số những người lính hy sinh, chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên, có không ít những người con của Yên Bái. Trở về từ cuộc chiến, những người lính trẻ ngày ấy giờ mái tóc đã điểm bạc, con cháu đã đông đủ nhưng họ vẫn luôn khắc khoải nhớ tới những đồng đội nằm lại rải rác nơi hang đá, thung sâu biên giới.
Tới quán cà phê "Nhân" trên đường Khe Sến - thành phố Yên Bái, địa điểm sinh hoạt, giao lưu của Câu lạc bộ Cựu chiến binh (CLB CCB) Sư đoàn 356 Yên Bái trong một sáng cuối tuần. Được nghe chuyện từ những người trực tiếp trở về từ cuộc chiến, một người trẻ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình như tôi hơn bao giờ hết cảm nhận được sự tàn khốc của chiến tranh, sự hy sinh, lòng dũng cảm của những người lính và đặc biệt trân quý biết bao nghĩa tình đồng đội của những người đã từng vào sinh ra tử cùng nhau.
Trong không gian yên bình, người Đại đội trưởng Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 Bùi Đức Hiền, tâm sự: "Thế hệ thanh niên chúng tôi ngày ấy mới chỉ mười tám, đôi mươi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Trước khi lên đường tất cả đều chung một lời thề sẽ trở về nguyên vẹn bên cha mẹ, người thân. Nhưng rồi sự tàn khốc của chiến tranh đã khiến không ít người mãi mãi gửi lại tuổi thanh xuân, gửi cuộc đời nơi đất trời biên cương. Còn chúng tôi, những người may mắn trở về thì mang trên mình vết thương chiến tranh và nỗi khắc khoải về những đồng đội còn nằm lại dọc các chiến hào".
Những ngày tháng đau thương nhưng hào hùng ấy như mới ngày hôm qua. Ông Hiền hồi tưởng: tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc từ tháng 2/1979, ban đầu Sư đoàn 356 đóng tại Hoàng Liên Sơn (tỉnh Lào Cai ngày nay). Đến năm 1983, mặt trận Vị Xuyên trở thành điểm nóng của chiến trường.
Sư đoàn 356 là sư đoàn chủ lực cơ động của Quân khu 2 được điều động tham gia chiến đấu phòng ngự tại Vị Xuyên. Ban đầu, khi điều động sang Vị Xuyên, Sư đoàn 356 được phân công làm nhiệm vụ vận chuyển đạn, gạo, thuốc men, quân tư trang, hàng hóa cho các đơn vị và sở chỉ huy phía trước.
Đêm ngày 12/7/1984, Trung đoàn 153 do ông chỉ huy được giao nhiệm vụ trực tiếp vận chuyển đạn từ Km6 vào cao điểm 772. Sau khi giao nhận đạn, Tiểu đoàn trưởng chỉ huy cao điểm 772 dặn: "Chiến dịch chuẩn bị bắt đầu, nơi đây rất gần địch, anh em đi ra tuyệt đối không được nói chuyện và bấm đèn".
Khoảng 2h15', khi vừa di chuyển cách chỗ giao đạn hơn 100m, chưa kịp rút khỏi vùng chiến trận, tại cao điểm 300, 400, lựu đạn bắt đầu nổ, đặc công quân ta tấn công.
"Khi ấy chúng tôi kẹt giữa 2 làn đạn, tiếng súng, tiếng pháo, tiếng lựu đạn nổ rung chuyển một vùng trời. Nằm nghe, chỉ thầm mong quân mình giành chiến thắng mà không ai phải hy sinh. Trời dần về sáng, tiếng đạn pháo thưa dần rồi dừng hẳn, tuy nhiên do đặc điểm địa hình trống trải, dễ phát hiện nên chúng tôi tiếp tục nằm lại tới đêm hôm sau mới di chuyển về Km6. Qua ánh chớp của pháo bắn, chúng tôi thấy thương binh, tử sỹ nằm trắng toát một dải dài. Mãi sau này, tôi mới biết, trong trận đánh, chỉ riêng Sư đoàn 356 chúng tôi hy sinh 600 người. Những ngày tháng 7 năm ấy, trời nắng như đổ lửa, mùi bom, đạn hòa cùng mùi máu, thi thể nằm la liệt - một khung cảnh khắc sâu vào tâm trí, như một vết sẹo trong tim không bao giờ lành với mỗi người lính còn sống trở về. Tử sỹ quá nhiều, những đồng đội còn nằm lại nơi giáp quân địch không thể đưa về hết được. Điều này làm chúng tôi day dứt vô cùng, mỗi người tự dặn lòng sau này hòa bình nhất định sẽ đến tìm các anh em, đưa anh em về với quê hương, gia đình".
Tới đây, giọng nói người Đại đội trưởng trở nên run run, nghẹn lại.
Nhấp ngụm nước nhỏ, lấy lại tinh thần, ông tâm sự tiếp: "Trong số những đồng đội hy sinh, tôi vẫn còn day dứt mãi về Tiểu đoàn trưởng Hà Xuân Hiền quê tại Văn Chấn. Ngày ấy, ở Trung đoàn có tôi và Hiền cùng quê Yên Bái, vợ Hiền lại là đồng nghiệp dạy học cùng trường với vợ tôi, nên chúng tôi rất thân thiết. Tôi vẫn bảo với Hiền: Tao đi đâu, mày đi đấy, mày nhất định không được chết trước tao”.
Thế mà rồi Hiền hy sinh. Ngày được đơn vị cử về báo tử cho gia đình, cô Dung - vợ của Hiền thấy tôi báo tin đã ngất lịm. Nhìn hai đứa con sinh đôi của Hiền vẫn còn thơ dại, lại đang ốm yếu nằm khóc bên người mẹ đau đớn, vật vã. Nỗi đau, day dứt tôi mãi không thôi. Mặc dù khi chuyển thi thể Hiền từ vùng chiến trận về nơi mai táng tôi đã dặn anh em ghi rõ Hà Xuân Hiền quê Văn Chấn, Yên Bái. Nhưng khi hòa bình lập lại, năm nào tôi và vợ cũng đi khắp các nghĩa trang ở Hà Giang tìm mà không thấy".
Với khí chất, cốt cách, tác phong và chất giọng sang sảng của người lính, CCB Võ Văn Nhân, đồng thời là chủ quán cà phê "Nhân" bấy giờ lên tiếng: "Có lẽ đến giờ phút này, một trong những niềm vui lớn nhất của chúng tôi là tìm được hài cốt anh Nguyễn Hữu Thanh - Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356.
Đầu năm 2012, qua một trang mạng xã hội vợ anh Thanh là chị Lưu Thị Lan ở Quảng Bình biết thông tin về anh Nguyễn Văn Kim đang sinh hoạt tại CLB CCB Sư đoàn 356 Yên Bái là đồng đội trực tiếp chiến đấu cùng anh Thanh và chứng kiến lúc anh Thanh hy sinh. Chị Lan đã liên lạc, tìm đến và mong muốn được hỗ trợ tìm hài cốt anh Thanh.
Sau khi thống nhất cùng gia đình chị Lan và liên lạc, làm việc cũng như xin sự giúp đỡ từ phía chính quyền tỉnh Hà Giang, đến tháng 6/2012 chúng tôi lên đường đi tìm hài cốt anh Thanh. CCB chúng tôi nghèo vật chất nhưng tình cảm thì chắc chắn không nghèo. Để có chi phí cho chuyến đi, anh em trong Hội đã tự nguyện đóng góp mỗi người một ít lo chi phí ăn ở, đi lại và chi phí đưa anh Thanh về quê mẹ. Lần đó, Hội 356 Yên Bái tham gia tìm kiếm có tôi, anh Kim, anh Tuấn và anh Khanh".
Cảm xúc ùa về như sóng cuộn ào ạt, nhớ về người đồng đội hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, đứa con thơ chưa đầy 7 tháng tuổi chưa một lần nhìn mặt cha, lau vội dòng nước mắt, cố kìm lại cảm xúc, ông tiếp câu chuyện: "Dưới sự hỗ trợ của chính quyền, Tỉnh đội Hà Giang, các chiến sỹ rà soát bom mìn và qua trí nhớ của anh Kim cùng những đồng đội Tiểu đoàn 3 ngày ấy, đoàn tìm kiếm dễ dàng đến chiến hào 1 trên cao điểm 722, nơi anh Thanh hy sinh. Hài cốt anh Thanh chỉ còn lại hộp sọ, 3 chiếc răng, 2 mảnh xương vai và xương hàm. Bên hài cốt còn ngôi sao trên mũ, miếng vải dù hoa, chiếc áo sỹ quan và 4 quả lựu đạn.
Ngày tìm thấy anh Thanh cũng là ngày anh được đưa về an nghỉ tại Nghĩa trang Ba Giốc (Quảng Bình). Những người CCB như chúng tôi chỉ mong muốn tìm được hài cốt của tất cả đồng đội vẫn còn nằm lại biên giới, đưa đồng đội về với quê hương, gia đình". Rồi ông lấy ra tập ảnh về những lần CLB gặp mặt, về lần đi tìm người đồng đội Nguyễn Hữu Thanh, nâng niu kể cho tôi nghe kỷ niệm của mỗi tấm ảnh, đây là ảnh thắp hương khi bắt đầu cuộc tìm kiếm, đây là hình ảnh anh em về Vị Xuyên ngày 12/7, đây là hình ảnh khi Sư đoàn 356 gặp nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang...
Cựu chiến binh Sư đoàn 356 Yên Bái thắp hương tưởng niệm đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên.
Tiếp câu chuyện của đồng đội, CCB Vũ Tuấn Khanh cho biết: "Năm nào anh em chúng tôi cũng trở lại Hà Giang thăm chiến trường xưa, thăm đồng đội đã hy sinh. Những năm trước khi giao thông chưa thuận tiện, anh em còn tự đi xe máy. Giờ thì đã khác, lần nào trở lại Vị Xuyên chúng tôi cũng đưa vợ, con, cháu đi cùng. Đặc biệt, vào dịp 12/7, ngày truyền thống Sư đoàn 356, trước kia anh em vẫn hay gọi là ngày giỗ trận, đồng đội từng chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên lại cùng gia đình về tụ họp, thắp hương cho người đã hy sinh. Chúng tôi cho con cháu đi cùng để không chỉ những người lính còn sống trở về mà thế hệ con cháu cũng sẽ mãi không bao giờ quên công lao của những người đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc".
Trò chuyện cùng những người lính Sư đoàn 356 ngày nào, tôi luôn cảm nhận được tình cảm chân thành, tình yêu thương đồng đội cũng như nỗi đau, sự khắc khoải của họ đối với những đồng đội vẫn còn nằm rải rác nơi biên giới, da thịt đã hòa vào lòng đất mẹ.
Trong tâm trí tôi chợt nhớ đến hình ảnh người CCB ngồi thẫn thờ đặt điếu thuốc, nén hương trên mộ đồng đội tại Nghĩa trang Vị Xuyên, hình ảnh người nhạc sỹ, người CCB Sư đoàn 356 Trương Sỹ Hải ôm cây đàn cô đơn giữa không gian mênh mông của Nghĩa trang Vị Xuyên ngân nga câu hát gọi đồng đội: "Ký ức góp chuyện cho đời, bình thường thôi nếu nhắc về tôi. Thác hóa thành đất đá biên cương, dâng linh hồn cho khúc hát quê hương... Yên vui nhé, đồng đội ơi!".
Một ngày 12 tháng 7 nữa lại chuẩn bị về, chúng ta, những người may mắn được sống trong hòa bình hãy cùng hướng trọn lòng thành kính tri ân những anh hùng liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc. Thế hệ trẻ hôm nay, phải trân trọng, sống sao cho xứng đáng với máu xương thế hệ cha anh đã ngã xuống.
Theo Báo Yên Bái
33 năm đã qua từ trận chiến tháng 7 năm 1984 tại Vị Xuyên (Hà Giang), nhưng ký ức về những tháng ngày máu lửa, bom đạn, lịch sử ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người lính năm nào. Chỉ cần một dòng khơi gợi, những chuyện xưa lại ùa về...Khi những người con đất Việt đang hướng trọn lòng tri ân thành kính tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, tới các thương binh, liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc, tôi may mắn được gặp những người lính Sư đoàn 356 trở về từ cuộc chiến Vị Xuyên vốn được biết đến với những cái tên như "lò vôi thế kỷ", "thung lũng gọi hồn, đồi thịt băm", "cối xay thịt"... Huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) là một trong những vùng chiến sự đẫm máu trong giai đoạn chiến tranh biên giới 1979 - 1989, hơn 4.000 chiến sỹ hy sinh.
Chỉ trong một đêm ngày 12/7/1984 thời gian mở màn chiến dịch tiến công chiếm lại điểm cao 1509, Sư đoàn 356 thuộc đơn vị chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam đã thiệt hại hơn 600 người. Trong số những người lính hy sinh, chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên, có không ít những người con của Yên Bái. Trở về từ cuộc chiến, những người lính trẻ ngày ấy giờ mái tóc đã điểm bạc, con cháu đã đông đủ nhưng họ vẫn luôn khắc khoải nhớ tới những đồng đội nằm lại rải rác nơi hang đá, thung sâu biên giới.
Tới quán cà phê "Nhân" trên đường Khe Sến - thành phố Yên Bái, địa điểm sinh hoạt, giao lưu của Câu lạc bộ Cựu chiến binh (CLB CCB) Sư đoàn 356 Yên Bái trong một sáng cuối tuần. Được nghe chuyện từ những người trực tiếp trở về từ cuộc chiến, một người trẻ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình như tôi hơn bao giờ hết cảm nhận được sự tàn khốc của chiến tranh, sự hy sinh, lòng dũng cảm của những người lính và đặc biệt trân quý biết bao nghĩa tình đồng đội của những người đã từng vào sinh ra tử cùng nhau.
Trong không gian yên bình, người Đại đội trưởng Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 Bùi Đức Hiền, tâm sự: "Thế hệ thanh niên chúng tôi ngày ấy mới chỉ mười tám, đôi mươi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Trước khi lên đường tất cả đều chung một lời thề sẽ trở về nguyên vẹn bên cha mẹ, người thân. Nhưng rồi sự tàn khốc của chiến tranh đã khiến không ít người mãi mãi gửi lại tuổi thanh xuân, gửi cuộc đời nơi đất trời biên cương. Còn chúng tôi, những người may mắn trở về thì mang trên mình vết thương chiến tranh và nỗi khắc khoải về những đồng đội còn nằm lại dọc các chiến hào".
Những ngày tháng đau thương nhưng hào hùng ấy như mới ngày hôm qua. Ông Hiền hồi tưởng: tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc từ tháng 2/1979, ban đầu Sư đoàn 356 đóng tại Hoàng Liên Sơn (tỉnh Lào Cai ngày nay). Đến năm 1983, mặt trận Vị Xuyên trở thành điểm nóng của chiến trường.
Sư đoàn 356 là sư đoàn chủ lực cơ động của Quân khu 2 được điều động tham gia chiến đấu phòng ngự tại Vị Xuyên. Ban đầu, khi điều động sang Vị Xuyên, Sư đoàn 356 được phân công làm nhiệm vụ vận chuyển đạn, gạo, thuốc men, quân tư trang, hàng hóa cho các đơn vị và sở chỉ huy phía trước.
Đêm ngày 12/7/1984, Trung đoàn 153 do ông chỉ huy được giao nhiệm vụ trực tiếp vận chuyển đạn từ Km6 vào cao điểm 772. Sau khi giao nhận đạn, Tiểu đoàn trưởng chỉ huy cao điểm 772 dặn: "Chiến dịch chuẩn bị bắt đầu, nơi đây rất gần địch, anh em đi ra tuyệt đối không được nói chuyện và bấm đèn".
Khoảng 2h15', khi vừa di chuyển cách chỗ giao đạn hơn 100m, chưa kịp rút khỏi vùng chiến trận, tại cao điểm 300, 400, lựu đạn bắt đầu nổ, đặc công quân ta tấn công.
"Khi ấy chúng tôi kẹt giữa 2 làn đạn, tiếng súng, tiếng pháo, tiếng lựu đạn nổ rung chuyển một vùng trời. Nằm nghe, chỉ thầm mong quân mình giành chiến thắng mà không ai phải hy sinh. Trời dần về sáng, tiếng đạn pháo thưa dần rồi dừng hẳn, tuy nhiên do đặc điểm địa hình trống trải, dễ phát hiện nên chúng tôi tiếp tục nằm lại tới đêm hôm sau mới di chuyển về Km6. Qua ánh chớp của pháo bắn, chúng tôi thấy thương binh, tử sỹ nằm trắng toát một dải dài. Mãi sau này, tôi mới biết, trong trận đánh, chỉ riêng Sư đoàn 356 chúng tôi hy sinh 600 người. Những ngày tháng 7 năm ấy, trời nắng như đổ lửa, mùi bom, đạn hòa cùng mùi máu, thi thể nằm la liệt - một khung cảnh khắc sâu vào tâm trí, như một vết sẹo trong tim không bao giờ lành với mỗi người lính còn sống trở về. Tử sỹ quá nhiều, những đồng đội còn nằm lại nơi giáp quân địch không thể đưa về hết được. Điều này làm chúng tôi day dứt vô cùng, mỗi người tự dặn lòng sau này hòa bình nhất định sẽ đến tìm các anh em, đưa anh em về với quê hương, gia đình".
Tới đây, giọng nói người Đại đội trưởng trở nên run run, nghẹn lại.
Nhấp ngụm nước nhỏ, lấy lại tinh thần, ông tâm sự tiếp: "Trong số những đồng đội hy sinh, tôi vẫn còn day dứt mãi về Tiểu đoàn trưởng Hà Xuân Hiền quê tại Văn Chấn. Ngày ấy, ở Trung đoàn có tôi và Hiền cùng quê Yên Bái, vợ Hiền lại là đồng nghiệp dạy học cùng trường với vợ tôi, nên chúng tôi rất thân thiết. Tôi vẫn bảo với Hiền: Tao đi đâu, mày đi đấy, mày nhất định không được chết trước tao”.
Thế mà rồi Hiền hy sinh. Ngày được đơn vị cử về báo tử cho gia đình, cô Dung - vợ của Hiền thấy tôi báo tin đã ngất lịm. Nhìn hai đứa con sinh đôi của Hiền vẫn còn thơ dại, lại đang ốm yếu nằm khóc bên người mẹ đau đớn, vật vã. Nỗi đau, day dứt tôi mãi không thôi. Mặc dù khi chuyển thi thể Hiền từ vùng chiến trận về nơi mai táng tôi đã dặn anh em ghi rõ Hà Xuân Hiền quê Văn Chấn, Yên Bái. Nhưng khi hòa bình lập lại, năm nào tôi và vợ cũng đi khắp các nghĩa trang ở Hà Giang tìm mà không thấy".
Với khí chất, cốt cách, tác phong và chất giọng sang sảng của người lính, CCB Võ Văn Nhân, đồng thời là chủ quán cà phê "Nhân" bấy giờ lên tiếng: "Có lẽ đến giờ phút này, một trong những niềm vui lớn nhất của chúng tôi là tìm được hài cốt anh Nguyễn Hữu Thanh - Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356.
Đầu năm 2012, qua một trang mạng xã hội vợ anh Thanh là chị Lưu Thị Lan ở Quảng Bình biết thông tin về anh Nguyễn Văn Kim đang sinh hoạt tại CLB CCB Sư đoàn 356 Yên Bái là đồng đội trực tiếp chiến đấu cùng anh Thanh và chứng kiến lúc anh Thanh hy sinh. Chị Lan đã liên lạc, tìm đến và mong muốn được hỗ trợ tìm hài cốt anh Thanh.
Sau khi thống nhất cùng gia đình chị Lan và liên lạc, làm việc cũng như xin sự giúp đỡ từ phía chính quyền tỉnh Hà Giang, đến tháng 6/2012 chúng tôi lên đường đi tìm hài cốt anh Thanh. CCB chúng tôi nghèo vật chất nhưng tình cảm thì chắc chắn không nghèo. Để có chi phí cho chuyến đi, anh em trong Hội đã tự nguyện đóng góp mỗi người một ít lo chi phí ăn ở, đi lại và chi phí đưa anh Thanh về quê mẹ. Lần đó, Hội 356 Yên Bái tham gia tìm kiếm có tôi, anh Kim, anh Tuấn và anh Khanh".
Cảm xúc ùa về như sóng cuộn ào ạt, nhớ về người đồng đội hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, đứa con thơ chưa đầy 7 tháng tuổi chưa một lần nhìn mặt cha, lau vội dòng nước mắt, cố kìm lại cảm xúc, ông tiếp câu chuyện: "Dưới sự hỗ trợ của chính quyền, Tỉnh đội Hà Giang, các chiến sỹ rà soát bom mìn và qua trí nhớ của anh Kim cùng những đồng đội Tiểu đoàn 3 ngày ấy, đoàn tìm kiếm dễ dàng đến chiến hào 1 trên cao điểm 722, nơi anh Thanh hy sinh. Hài cốt anh Thanh chỉ còn lại hộp sọ, 3 chiếc răng, 2 mảnh xương vai và xương hàm. Bên hài cốt còn ngôi sao trên mũ, miếng vải dù hoa, chiếc áo sỹ quan và 4 quả lựu đạn.
Ngày tìm thấy anh Thanh cũng là ngày anh được đưa về an nghỉ tại Nghĩa trang Ba Giốc (Quảng Bình). Những người CCB như chúng tôi chỉ mong muốn tìm được hài cốt của tất cả đồng đội vẫn còn nằm lại biên giới, đưa đồng đội về với quê hương, gia đình". Rồi ông lấy ra tập ảnh về những lần CLB gặp mặt, về lần đi tìm người đồng đội Nguyễn Hữu Thanh, nâng niu kể cho tôi nghe kỷ niệm của mỗi tấm ảnh, đây là ảnh thắp hương khi bắt đầu cuộc tìm kiếm, đây là hình ảnh anh em về Vị Xuyên ngày 12/7, đây là hình ảnh khi Sư đoàn 356 gặp nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang...
Cựu chiến binh Sư đoàn 356 Yên Bái thắp hương tưởng niệm đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên.
Tiếp câu chuyện của đồng đội, CCB Vũ Tuấn Khanh cho biết: "Năm nào anh em chúng tôi cũng trở lại Hà Giang thăm chiến trường xưa, thăm đồng đội đã hy sinh. Những năm trước khi giao thông chưa thuận tiện, anh em còn tự đi xe máy. Giờ thì đã khác, lần nào trở lại Vị Xuyên chúng tôi cũng đưa vợ, con, cháu đi cùng. Đặc biệt, vào dịp 12/7, ngày truyền thống Sư đoàn 356, trước kia anh em vẫn hay gọi là ngày giỗ trận, đồng đội từng chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên lại cùng gia đình về tụ họp, thắp hương cho người đã hy sinh. Chúng tôi cho con cháu đi cùng để không chỉ những người lính còn sống trở về mà thế hệ con cháu cũng sẽ mãi không bao giờ quên công lao của những người đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc".
Trò chuyện cùng những người lính Sư đoàn 356 ngày nào, tôi luôn cảm nhận được tình cảm chân thành, tình yêu thương đồng đội cũng như nỗi đau, sự khắc khoải của họ đối với những đồng đội vẫn còn nằm rải rác nơi biên giới, da thịt đã hòa vào lòng đất mẹ.
Trong tâm trí tôi chợt nhớ đến hình ảnh người CCB ngồi thẫn thờ đặt điếu thuốc, nén hương trên mộ đồng đội tại Nghĩa trang Vị Xuyên, hình ảnh người nhạc sỹ, người CCB Sư đoàn 356 Trương Sỹ Hải ôm cây đàn cô đơn giữa không gian mênh mông của Nghĩa trang Vị Xuyên ngân nga câu hát gọi đồng đội: "Ký ức góp chuyện cho đời, bình thường thôi nếu nhắc về tôi. Thác hóa thành đất đá biên cương, dâng linh hồn cho khúc hát quê hương... Yên vui nhé, đồng đội ơi!".
Một ngày 12 tháng 7 nữa lại chuẩn bị về, chúng ta, những người may mắn được sống trong hòa bình hãy cùng hướng trọn lòng thành kính tri ân những anh hùng liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc. Thế hệ trẻ hôm nay, phải trân trọng, sống sao cho xứng đáng với máu xương thế hệ cha anh đã ngã xuống.