Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động

Đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả hệ thống cơ sở đào tạo nghề đồng bộ với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

11/08/2020 14:50:00 Xem cỡ chữ Google
Trong những năm qua, Yên Bái luôn quan tâm phát triển nguồn nhân lực, trong đó, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động là yếu tố góp phần quan trọng tạo nên những thành công phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các đơn vị, doanh nghiệp tư vấn giới thiệu việc làm cho các em học sinh và đoàn viên thanh niên tại Ngày hội việc làm, tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh đề ra, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế thúc đẩy đào tạo nghề, HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực.

Tỉnh Yên Bái đã từng bước xây dựng được các trường chất lượng cao và các ngành nghề đào tạo đạt chuẩn cấp quốc gia, ASEAN, quốc tế; phát triển một số cơ sở đào tạo nhân lực đa cấp, đa ngành, liên thông giữa các cấp và các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện được củng cố, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dạy nghề cho lao động nông thôn.

Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư nâng cấp và hoạt động khá hiệu quả, trong đó, trường Cao đẳng Nghề Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư trở thành một trong 40 trường nghề chất lượng cao của cả nước.

Theo đó, phê duyệt đầu tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, định hướng đến năm 2020 có 1 nghề đạt cấp độ quốc tế - nghề công nghệ ô tô, 4 nghề đạt cấp độ khu vực ASEAN; xây dựng 2 trường trung cấp nghề là Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, Trường Trung cấp Nghề Lục Yên có 3 nghề đạt cấp độ quốc gia.

Yên Bái đã chuyển đổi hệ thống dạy nghề và giáo dục chuyên nghiệp thành một hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực ở 3 cấp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực theo các ngành, lĩnh vực của tỉnh, trong đó chú trọng một số ngành mũi nhọn.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với các trường đại học, cao đẳng ngoài tỉnh mở các lớp liên kết tạo nguồn nhân lực cho tỉnh ở các cấp trình độ với các hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp với nhu cầu đào tạo của người học. Xây dựng chương trình đào tạo theo hướng gắn với chuẩn đầu ra, tăng cường đào tạo thực hành, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo, thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo.

Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu của tỉnh đề ra là tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp có văn bằng, chứng chỉ đạt 40%; chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp bình quân 2%/năm.

Để thực hiện mục tiêu này, công tác đào tạo nhân lực cần đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả hệ thống cơ sở đào tạo nghề đồng bộ với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ưu tiên đầu tư cho đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, đội ngũ nhân lực kỹ thuật, quản lý, quản trị doanh nghiệp; sắp xếp, nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với sử dụng và tạo việc làm cho lao động.

Chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn giáo dục nghề nghiệp, việc làm, tập trung vào học sinh đang học và đã tốt nghiệp THCS, THPT trên địa bàn nhằm tăng tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp tham gia học nghề, đặc biệt là học nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp; thực hiện tốt giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp, tuyển dụng lao động tốt nghiệp các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh...

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh ưu tiên sử dụng lao động địa phương theo hướng cộng sinh, cộng hưởng; phát huy vai trò của Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sàn Giao dịch việc làm trực tuyến và Quỹ Xuất khẩu lao động nhằm thiết thực nâng cao hiệu quả việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt, tham mưu cho UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành chính sách đặc thù của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 trong năm 2020 để thực hiện.

Cùng đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp được tỉnh thu hút đầu tư, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ, hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặt hàng đào tạo theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo cho lao động đi xuất khẩu lao động; liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nhiệm vụ đặt ra là cần tăng cường gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, ký kết các hợp đồng đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, phấn đấu các trường cao đẳng, trung cấp, theo hướng mỗi trường ký kết hợp đồng đào tạo với ít nhất từ 3-4 doanh nghiệp; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện ký kết ít nhất 2 hợp đồng đào tạo với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để đào tạo và cung ứng nhân lực theo nhu cầu doanh nghiệp.

Cùng đó, tổ chức hiệu quả các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương và tại một số trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh; kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và học sinh tốt nghiệp THCS, THPT không tiếp tục tham gia học thông qua các phiên giao dịch việc làm.

Cử cán bộ (cấp tỉnh, huyện) tham gia hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động, đặc biệt là doanh nghiệp tuyển dụng nhiều lao động, kết nối tốt thông tin thị trường lao động để cung ứng lao động đi làm việc ngoài tỉnh, tăng cường xuất khẩu lao động đã qua đào tạo, hỗ trợ các huyện 30a trong việc xuất khẩu lao động...

Ban Biên tập