Yên Bái: Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa còn nhiều bất cập

15/09/2017 14:27:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Việc đăng kiểm các phương tiện thủy nội địa định kỳ một năm/lần đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy cũng như việc kiểm soát các phương tiện của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh trốn đăng kiểm gây khó khăn trong công tác xử lý, đồng thời làm gia tăng nguy cơ mất an toàn của các phương tiện khi hoạt động trên sông.

Yên Bái có 41 bến cảng, bến đò với trên 1.000 phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động

Yên Bái có 41 bến cảng, bến đò với trên 1.000 phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động, trong đó có 2 bến cảng hàng hóa và hành khách, 28 bến hàng hóa, 11 bến hành khách.

Thời gian qua, các bến, bãi, chủ phương tiện, lái tàu thủy trên địa bàn đã chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Tuy nhiên, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, nhất là trong công tác đăng kiểm phương tiện vận tải. Phương tiện vận tải đường thủy nội địa hoạt động theo đúng pháp luật phải có các giấy tờ như: bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa, hóa đơn bán hàng, đăng kiểm; phương tiện vận tải đường thủy nội địa phải bảo đảm về hệ thống phòng cháy, chữa cháy, trang bị đầy đủ phao cứu sinh... Tuy nhiên theo quy định hiện nay, việc đăng kiểm của các phương tiện vận tải đường thủy nội địa đều do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp, đối với phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Yên Bái là do Chi nhánh Đăng kiểm Vĩnh Phú (thuộc Chi cục Đăng kiểm số 1) có địa chỉ tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đảm nhiệm. Do khoảng cách xa, thiếu thông tin và sự phối hợp giữa các bên nên nảy sinh tình trạng nhiều phương tiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh khi hết hạn chưa được đăng kiểm kịp thời hoặc không có đăng kiểm, dẫn đến hiện tượng trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Bên cạnh đó, nhiều phương tiện vận tải đường thủy nội địa không thể thực hiện được đăng kiểm do không có hồ sơ gốc. Nguyên nhân chủ yếu là do phương tiện được trao đổi, mua bán nhiều lần dẫn đến mất hồ sơ; một số phương tiện do nhân dân tự đóng nên cũng không có hồ sơ và không đủ thủ tục để làm đăng kiểm. Trong khi đó, các ngành chức năng vẫn chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể việc cấp, làm lại hồ sơ cho những trường hợp này. Qua thống kê sơ bộ, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 750 phương tiện vận tải đường thủy nội địa được đăng ký, đăng kiểm trong số hàng nghìn phương tiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. Thêm vào đó, ý thức người dân còn chưa cao, các bến bãi thường xuyên thay đổi theo mực nước lên xuống, nhiều địa bàn có nhiều luồng, lạch, ngõ ngách đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc kiểm tra của các cơ quan chức năng…

Quản lý phương tiện thông qua việc đăng ký, đăng kiểm là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Vì vậy, phải coi công tác này là trách nhiệm, nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương để nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật giao thông đường thủy nội địa đến các chủ phương tiện, nhất là quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện và đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện. Mặt khác, cần có những biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp không chấp hành các quy định pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.

Ban Biên tập