Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Lựa chọn và kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin theo tư tưởng Hồ Chí Minh

25/11/2024 07:56:00 Xem cỡ chữ
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ lựa chọn đến với chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn vận dụng sáng tạo học thuyết cách mạng, khoa học này vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để đưa cách mạng đến thắng lợi và bổ sung, làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin.

Hình ảnh minh họa (Nguồn: Tuyengiao.vn)

Chủ nghĩa Mác - Lênin là ánh sáng soi đường

Chủ nghĩa Mác - Lênin do C.Mác và Ph.Ăngghen đặt nền móng, xây dựng vào đầu thế kỷ XIX và tiếp tục được V.I.Lênin bổ sung, phát triển từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ làm “phát lộ” bản chất, những mâu thuẫn cố hữu trong chế độ tư bản chủ nghĩa, mà còn chỉ rõ sự vận động của các hình thái kinh tế - xã hội và khẳng định tương lai của nhân loại là chế độ cộng sản chủ nghĩa. Đó cũng chính là học thuyết khoa học, cách mạng, nhân văn nhất đã chỉ rõ lực lượng, con đường, phương thức đấu tranh chống lại mọi áp bức, bóc lột, bất công trong xã hội để giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Như là một sự lựa chọn của lịch sử, trên hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường cứu nước đúng đắn khi Người được đọc “Sơ thảo Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa”.

Vì Luận cương đã bàn đến các vấn đề dân tộc, thuộc địa, cách mạng giải phóng dân tộc, nên “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên”. Vì thế, “ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!””[1]. Và cũng vì thế, Người không chỉ tin tưởng, đi theo V.I. Lênin, Quốc tế thứ III, mà còn khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” và “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin” (trong Đường Kách mệnh, 1927); đồng thời triển khai thực hiện những nhiệm vụ qaun trọng, cấp bách để chuẩn bị sáng lập một chính đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam. Thực tế, những năm tháng lao động kiếm sống, nghiên cứu các mô hình tổ chức Nhà nước (Anh, Pháp, Mỹ…) và hoạt động trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế (Pháp, Nga, Trung Quốc…) đã giúp Người nhận thức sâu sắc rằng: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại (…)  Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông, đó chính là nhiệm vụ của các Xô viết”[2]. Từ đó, Người đã vận dụng một cách sáng tạo học thuyết cách mạng này vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để kiên định thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Một điểm đặc biệt là, vì hiểu rõ, hiểu đúng chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết cách mạng mở, không giáo điều và lý luận Mác - Lênin cho thấy rằng: “Với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xôviết, và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”[3], nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công việc xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán; truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam; sáng lập Đảng Mácxít Lêninnít kiểu mới - xây dựng, rèn luyện Đảng thành “một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”[4]. Đồng thời, Người cũng luôn nhấn mạnh yêu cầu “phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta”[5] để đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, phù hợp; để lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hơn 94 năm xây dựng và phát triển chứng minh rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã không chỉ lựa chọn mà còn kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình thành lập và xây dựng, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam (sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước); trong tiến trình thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc (cách mạng ở thuộc địa có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một ví dụ); trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (từ một xuất phát điểm thấp, Việt Nam đã quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa)… để bổ sung và làm phong phú hơn chủ nghĩa Mác - Lênin từ thực tiễn Việt Nam. Những kết quả của sự hiểu đúng, chân thực tinh thần, phép biện chứng và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin; của việc “học tập kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo” vào Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy việc Người nhấn mạnh: “Từ trong học thuyết dạt dào sức sống của chủ nghĩa Lênin, chúng tôi khơi nguồn sức mạnh để giành thắng lợi cho sự nghiệp thiêng liêng là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, để giành thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội!”(trong bài viết Chủ nghĩa Lênin và công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức) và khẳng định “chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết. Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng - mà không phải chỉ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Lênin - chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin” (khi Trả lời phỏng vấn của Sáclơ Phuốcniô, phóng viên báo L'humanité (Pháp) ngày 15/7/1969) là hoàn toàn đúng đắn. Đó chính là lựa chọn và kiên đinh vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam để giành thắng lợi từng bước, tiến tới đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin là không thể phủ nhận

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 không chỉ góp phần tạo nên nước Nga xã hội chủ nghĩa và các nước xã hội chủ nghĩa để làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh giành, giữ độc lập dân tộc nói chung, ở các nước thuộc địa, phụ thuộc nói riêng, mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế trong thế kỷ XX và những thế kỷ sau nữa. Thực tế, đúng như V.I.Lênin đã nhấn mạnh, “chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”[6], nên cho đến nay chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là cơ sở thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng để phân tích, luận giải xu hướng phát triển của nhân loại trong bối cảnh cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại đã, đang, ngày càng phát triển mạnh mẽ. Vì vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin không hề giảm đi mà trái lại càng được nâng cao trong thế giới đương đại; vì “chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”[7], nên Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người cộng sản Việt Nam đã kiên định, vững vàng bảo vệ, phát triển học thuyết cách mạng, khoa học này bằng tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của mình và coi đó là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Ở Việt Nam, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về con đường cách mạng Việt Nam nói chung, về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; về mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; về xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về đại đoàn kết toàn dân tộc; về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng… đã được vận dụng, bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp điều kiện cụ thể của đất nước. Ở Việt Nam, nhờ giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã không chỉ giải quyết linh hoạt, đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa quốc gia và quốc tế, mà còn kết hợp, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong đấu tranh giành chính quyền và xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước… Ở Việt Nam, nhờ vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến, đất nước ta đã trở thành quốc gia độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất và ngày một phát triển trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng… Và cũng vì thế, ở Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ là “cái cốt”/“cái gốc” của Đảng, mà việc “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” được khẳng định tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991; tiếp tục được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và trong Văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng đã cho thấy giá trị trường tồn của học thuyết cách mạng, khoa học này trong đời sống chính trị của nhân loại và Việt Nam. Bước phát triển quan trọng trong tư duy lý luận này của Đảng không chỉ thể hiện rõ bản lĩnh, lập trường kiên định, ý chí quyết tâm của những người cộng sản Việt Nam trong việc bảo vệ tính khoa học, cách mạng, nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khủng hoảng, sụp đổ thập niên 1990), mà còn khẳng định vai trò chủ đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội Việt Nam.

Vì thế, không phải Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhắc đến chủ nghĩa Mác - Lênin trong tác phẩm, bài nói, bài viết nào đó của mình là Người không còn “mặn mà” với chủ nghĩa Mác - Lênin; là Người không căn dặn phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng của Đảng như sự suy diễn ngây ngô của các phần tử bất mãn, cơ hội, phản động, các thế lực thù địch. Mà chính là yêu cầu phải “tăng cường giáo dục theo tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin và đấu tranh chống những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa như chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sôvanh, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại, đặc biệt là chủ nghĩa xét lại”[8] đã cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà Người và tư tưởng của Người cũng hoàn toàn xa lạ với các khuynh hướng xét lại/phủ nhận/đòi xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin.

Càng nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và sự lựa chọn, kiên định của Người đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, càng thấy nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh/nền tảng tư tưởng của Đảng theo Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” sâu sắc và có ý nghĩa đến nhường nào. Đồng thời, cũng càng thấy yêu cầu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống” được ghi rõ trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” là vấn đề mang tính nguyên tắc, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động. Đó cũng chính là nhiệm vụ vừa quan trọng và cấp thiết, vừa thường xuyên và lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm./..  


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.562

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.509-510

[3] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t.41, tr.295

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.391

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.92

[6] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t.4, tr.232

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.563

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.189-190

Theo https://hochiminh.vn