Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Một số điểm mới của Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

18/05/2020 09:15:00 Xem cỡ chữ
Về bố cục, Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 9 chương, 68 điều. Để giúp bạn đọc dễ theo dõi và hình dung, chúng tôi điểm lại một số điểm mới mà Dự thảo Luật đã xây dựng và đang trong quá trình thông báo rộng rãi, lấy ý kiến góp ý.

(ảnh minh họa)

Mục đích sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy  

Trước hết, Luật Phòng, chống ma túy cần phải sửa đổi để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. 

Việc sửa đổi luật nhằm nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy. Đồng thời, sửa đổi luật để quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội.

Yêu cầu mở rộng tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội   phạm ma túy, được đặt ra khi sửa đổi luật. Mục đích là: Ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước, kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

Về quan điểm chỉ đạo, Ban soạn thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã quán triệt và thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy trong Chỉ thị số 36 và Chỉ thị số 25 của Thủ tướng Chính phủ. Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) cũng cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy; bảo đảm các quy định của Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) mang tính cụ thể, dễ thực hiện, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ban soạn thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã tổng kết đầy đủ và toàn diện về công tác phòng, chống ma túy trong những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống ma túy hiện nay và trong những năm tiếp theo. Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo.

Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đảm bảo phù hợp với pháp luật, thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là 3 Công ước Quốc tế của Liên hợp quốc về ma túy các năm 1961, 1971, 1988 và các cam kết quốc tế, khu vực. Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn công tác phòng, chống ma túy của một số quốc gia trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Nội dung cơ bản sửa đổi

Việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là nhằm mục đích nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, củng cố lực lượng chuyên trách đấu tranh với tội phạm về ma túy, công tác cai nghiện và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, tạo môi trường lành mạnh phục vụ phát triển kinh tế xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế. Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) dựa trên 3 trụ cột: Giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy; Đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy trong tình hình mới; và Đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Chính vì vậy, trên cơ sở kế thừa các Điều luật của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2008, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành. 

Dự thảo Luật đã bổ sung tiêu đề cho tất cả các điều luật, sửa đổi, bổ sung một số khái niệm, nội dung đã có, tăng cường nguồn lực cho lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; hợp tác quốc tế. Dự luật đã bổ sung thêm chương "Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (Chương IV) quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, bổ sung thêm quy định về thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy. 

Ban soạn thảo đã bãi bỏ biện pháp quản lý sau cai trong dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) để phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; quy định biện pháp quản lý sau cai làm hạn chế quyền con người không phù hợp với Hiến pháp, quản lý sau cai tại nơi cư trú tạo tâm tý tự ti, mặc cảm cho người nghiện khi hòa nhập với cộng đồng, ngoài ra còn tác động đến tâm lý không tốt của gia đình, thân nhân của người nghiện; vì vậy thay biện pháp quản lý sau cai bằng công tác hòa nhập cộng đồng và phòng, chống tái nghiện để khuyến khích, động viên người nghiện không tái nghiện. Ngoài ra còn nhiều nội dung khác, cụ thể như sau:

Mở rộng thêm phạm vi áp dụng của Luật 

Về phạm vi áp dụng, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) mở rộng thêm phạm vi áp dụng của Luật so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành, cụ thể: Luật này quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến  ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy, hợp tác quốc tế về ma túy và quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.

Về đối tượng áp dụng của luật, dự thảo đã bổ sung Điều luật quy định đối tượng áp dụng của luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống ma túy. (Điều 2). Bên cạnh đó, trong phần giải thích từ ngữ, dự luật đã tách khái niệm "tội phạm về ma túy" ra khỏi "tệ nạn ma túy" nhằm xác định đúng tính chất của "tội phạm về ma túy" và "tệ nạn ma túy" vì tệ nạn là hiện tượng xã hội còn tội phạm là hành vi cụ thể được qui định trong Bộ luật Hình sự cần tập trung đấu tranh. 

Ban soạn thảo cũng bổ sung khái niệm vào dự luật mới: người sử dụng trái phép chất ma túy là người tự ý hoặc đồng ý cho người khác đưa chất ma túy vào cơ thể mình mà không được sự cho phép của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Việc bổ sung khái niệm này để phân biệt với “người nghiện ma túy”, ngăn chặn họ tiếp tục sử dụng và dẫn đến nghiện ma túy, kịp thời giám sát, quản lý, giáo dục không để họ gây rối trật tự, đe dọa tính mạng, nhân phẩm và tài sản của người khác. Theo đó, áp dụng các biện pháp cai nghiện đối với người nghiện và áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy. 

Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đồng thời bổ sung khái niệm cai nghiện ma túy: Cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện tổng thể các can thiệp, hỗ trợ về tâm lý, nhận thức, pháp lý, xã hội và sức khỏe để giúp người nghiện ma túy nâng cao nhận thức và không còn nghiện ma túy. Việc bổ sung khái niệm này giúp nhận thức đầy đủ về công tác cai nghiện ma túy.

Trách nhiệm phòng, chống ma túy rõ ràng và khả thi hơn

Về Trách nhiệm phòng, chống ma túy, dự thảo luật quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, gia đình và trách nhiệm, quyền và củng cố tăng cường nguồn lực cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy.

Về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, việc quy định cá nhân, gia đình có trách nhiệm: “Đấu tranh với các hành vi trái phép về ma túy của thân nhân và của người khác" không khả thi, rất khó khăn để thực hiện. Vì vậy, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã quy định theo hướng cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giúp đỡ, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm ma túy.

Về trách nhiệm, quyền và củng cố tăng cường nguồn lực cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy, Ban soạn thảo dự luật đã bổ sung thêm nội dung để cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân được thực hiện để đấu tranh với tội phạm ma túy hiệu quả hơn: Phối hợp với các cơ quan chức năng chống tội phạm ma túy của các nước và các tổ chức chống tội phạm ma túy quốc tế để tiến hành trao đổi thông tin và phối hợp điều tra các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia. 

Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong phạm vị địa bàn, khu vực quản lý được phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy chứ không chỉ hạn chế ở các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần như quy định của luật hiện hành. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) quy định rõ việc tăng cường nguồn lực cho các lực lượng chuyên trách, tạo cơ chế đặc thù, đó là: Phương tiện, tài sản bị tịch thu trong các vụ vi phạm pháp luật về ma túy thì được giao cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

Kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động hợp pháp về ma túy

Liên quan tới việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp về ma túy, Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) quy định thêm nội dung: Chính phủ quy định về nội dung, điều kiện, thủ tục, cơ chế phối hợp, thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện các hoạt động kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, hiệu quả trong công tác, góp phần chống thất thoát tiền chất, ngăn chặn tội phạm sản xuất ma túy.

Dự thảo luật đã bổ sung thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất là các loại thuốc cần được kiểm soát, không để tội phạm ma túy lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp. Đồng thời bổ sung hoạt động tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập là những hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cần phải kiểm soát.

Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) quy định chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất thu giữ trong các vụ vi phạm pháp luật được sử dụng trong nghiên cứu khoa học, giám định, truy nguyên nguồn gốc, y tế, huấn luyện động vật nghiệp vụ. 

Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy 

Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) xác định rõ hơn người sử dụng trái phép chất ma túy là những đối tượng nào. Việc xác định người sử dụng trái phép chất ma túy căn cứ vào một trong ba cơ sở: Bị phát hiện khi đang sử dụng trái phép chất ma túy; Xét nghiệm có dương tính với chất ma túy mà người đó không chứng minh được việc sử dụng chất ma túy là hợp pháp; Quy định các cơ quan chức năng có quyền cưỡng chế đối với trường hợp không hợp tác để xét nghiệm xác định việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Về chính sách quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) quy định giám sát, quản lý chặt người sử dụng trái phép chất ma túy để họ không sử dụng trái phép chất ma túy, phòng ngừa, ngăn chặn không để họ gây mất trật tự, an toàn xã hội. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm người sử dụng trái phép chất ma túy; gia đình, cơ quan, tổ chức. Đồng thời, phải áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn với người sử dụng trái phép chất ma túy; trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Về thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy, dự luật bổ sung quy định Công an cấp xã có trách nhiệm thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn quản lý.

Quy định mới về cai nghiện ma túy

Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) quy định rõ việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên; quản lý, cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo tính thống nhất hệ thống pháp luật. Tại các cơ sở cai nghiện bố trí một khu dành riêng cho người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. 

Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã bổ sung quy định về công tác thống kê người nghiện ma túy cho các Bộ, trong đó Bộ Công an có trách nhiệm tổng hợp số liệu chung về người nghiện. Đảm bảo công tác thống kê người nghiện được chính xác. 

Đáng chú ý, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) không quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng, vì thực tế biện pháp này không đủ nguồn lực về con người, vật chất và không hiệu quả. Những năm gần đây, nhiều địa phương không triển khai thực hiện được hoặc thực hiện mang tính hình thức.

Ban soạn thảo đã bổ sung thẩm quyền cho người đứng đầu cơ sở cai nghiện bắt buộc được kiểm tra hành chính đối với người nghiện và đồ vật gửi vào cơ sở cai nghiện khi phát hiện có dấu hiệu cất giấu ma túy, đồ vật cấm để ngăn tình trạng thẩm lậu ma túy vào cơ sở cai nghiện và quy định cho cán bộ cơ sở cai nghiện được sử dụng công cụ hỗ trợ để ngăn chặn tình trạng gây rối trong cơ sở cai nghiện, truy tìm người nghiện bỏ trốn.

Phân định trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy

Trong quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) bổ sung trách nhiệm cho Bộ Công an về giám sát, quản lý, theo dõi người sử dụng trái phép chất ma túy. Bộ Quốc phòng về phối hợp với cơ quan hữu quan của nước khác để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy và kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở khu vực biên giới và trên biển. Bộ Y tế trong quản lý thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) phân công trách nhiệm cụ thể cho Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống ma túy. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống ma túy vào các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; chỉ đạo, trực tiếp tổ chức quản lý, kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn các hoạt động văn hóa, dịch vụ, thể thao và du lịch không để sơ hở làm phát sinh tệ nạn ma túy.

Quy định cụ thể như trên để nâng cao trách nhiệm của từng Bộ, đồng thời phù hợp với chức năng của các Bộ. Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng, chống ma túy: Kinh phí cho công tác phòng, chống ma túy do ngân sách Nhà nước đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Về khen thưởng và xử lý vi phạm, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) còn quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu. Theo đó, người đứng đầu chính quyền các cấp và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về tình hình ma túy tại địa phương, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách. Như vậy, dự thảo luật góp phần thể chế hóa tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 36, đồng thời huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức, cơ quan, đoàn thể trong công tác phòng, chống ma túy. Nội dung này đảm bảo công tác phòng, chống ma túy có hiệu quả, tránh tình trạng "khoán trắng" công tác phòng, chống ma túy cho các cơ quan chuyên trách.

(theo Báo ANTĐ)