Trong giai đoạn 5 năm từ 2016 - 2020, đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra theo kế hoạch với 520 lượt cơ sở iểm tra, lập 297 biên bản, xử phạt hành chính 1 cơ sở, lập biên bản đình chỉ hoạt động 3 cơ sở có vi phạm về kinh doanh dịch vụ lưu trú. Khởi tố 14 vụ/19 bị can về tội môi giới mại dâm. Đấu tranh, triệt phá tổng số 15 vụ với 68 đối tượng, truy tố 15 vụ với 22 bị can, xử lý hành chính 46 đối tượng về hành vi mua bán dâm. Hiện Yên Bái có 66 gái bán dâm có hồ sơ quản lý. Số gái mại dâm bị bắt qua các vụ án trên địa bàn tỉnh là 23 người.
Những kết quả thực tế trên cho thấy hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm mang lại. Cụ thể, Yên Bái đã thực hiện tốt mục tiêu chung là phòng ngừa, tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm dưới mọi hình thức phòng, chống mua bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục, góp phần bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, danh dự, nhân phẩm con người, hạnh phúc của gia đình, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân, dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhằm giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội.
Về tổ chức chỉ đạo điều hành, UBND tỉnh đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo điều hành khi kịp thời ra quyết định thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (Ban chỉ đạo 138 tỉnh). Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện tốt các nội dung hoạt động của Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 như: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm; Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng, ngừa mại dâm giai đoạn thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội trên đại bàn cơ sở; Xây dựng và triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm; Đấu tranh xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống mại dâm tại tỉnh Yên Bái vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Hạn chế đầu tiên của công tác phòng, chống mại dâm mà tỉnh Yên Bái gặp phải phải kể đến hệ thống chính trị ở một số địa bàn cơ sở còn yếu, đang là những khó khăn, thách thức cho công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy và mại dâm của tỉnh. Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia tư vấn, giúp đỡ người nghiện, người hành nghề mại dâm quay lại cộng đồng ở cấp huyện còn thiếu, chưa được đào tạo, tập huấn.
Điểm hạn chế tiếp theo là một số địa phương (chủ yếu ở xã, phường) chưa chú trọng đến công tác xã hội hóa phòng, chống HIV/AIDS, mại dâm. Vai trò của cấp ủy, chính quyền còn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, chưa huy động được nhiều người nhiễm HIV/AIDS tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Mặt khác, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc còn hạn chế, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trẻ em gái dân tộc thiểu số dễ bị các đối tượng tội phạm lợi dụng, lôi kéo.
Một điểm hạn chế nữa là công tác tuyên truyền mới chỉ tập trung ở các trung tâm huyện lỵ, tại vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được làm nhiều, hình thức nội dung tuyên truyền còn hạn chế.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái không có điểm nóng về mại dâm và không có điểm mại dâm công cộng. Tuy nhiên vẫn đang tiềm ẩn và lén lút tổ chức các hoạt động mại dâm dưới nhiều hình thức hết sức tinh vi như gái gọi, giả làm tiếp viên tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều hiện (khách sạn, nhà nghỉ, quán karaoke, cà phê đèn mờ…). Trong đó, nhóm đối tượng đamg hoạt động mại dâm theo trào lưu đó là một bộ phận học sinh, sinh viên đang học tại các trường chuyên nghiệp của tỉnh. Việc quản lý và nắm bắt số lượng gái mại dâm rất khó khăn do chỉ xác định họ là gái mại dâm khi bị bắt qua các vụ án trong tỉnh hoặc do các địa phương khác gửi danh sách báo cáo về.
Nguyên nhân khách quan của những khó khăn, hạn chế trên do chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 có nhiều nội dung hoạt động. Một số nội dung hoạt động của Chương trình khung định mức quy định cao so với tỉnh Yên Bái. Nguyên nhân chủ quan là do ngân sách trung ương hỗ trợ hạn chế, tỉnh Yên Bái là địa phương khó khăn, không bố trí được kinh phí để tổ chức hoạt động và thực hiện các mô hình.
Việc xác định những khó khăn, hạn chế trong công tác phòng, chống mại dâm tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 là hoạt động rất cần thiết để xây dựng chương trình cũng như giải pháp phòng, chống mại dâm hiệu quả trong những giai đoạn tiếp theo./.
Ban Biên tập