CTTĐT - Sáng 10/01, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) cấp tỉnh năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; đồng chí Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đồng chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng ban BCĐ PCTNTC tỉnh; đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các cơ quan Khối Nội chính Đảng tỉnh.
Theo báo cáo, năm 2023, Ban Nội chính Trung ương đã nghiên cứu, xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư 7 đề án lớn về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Nhất là đã nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xây dựng hơn 100 báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo những chủ trương, chính sách lớn về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Các Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy đã tham mưu cấp ủy xây dựng, ban hành 2.758 văn bản để cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Trong năm, các Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy đã phối hợp với Ủy ban Kiểm tra cùng cấp thực hiện 216 cuộc kiểm tra, giám sát và trực tiếp triển khai 312 cuộc kiểm tra, giám sát tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực có nhiều vấn đề nổi cộm, dư luận qua tâm về tham nhũng, tiêu cực; tham mưu rà soát 7.527 kết luận thanh tra kinh tế - xã hội; ban hành 6.132 văn bản hướng dẫn, đôn đôn đốc về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp... Các Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy đã chủ trì, phối hợp giúp đồng chí Bí thư cấp ủy tổ chức 881 cuộc tiếp, đối thoại với 4.700 lượt công dân; tiếp nhận, tham mưu xử lý 54.795 đơn, thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo; tham mưu chỉ đạo xử lý dứt điểm một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, góp phần quan trọng hạn chế phát sinh các điểm nóng, giữ vững ổn định an ninh, trật tự ở địa phương. Trong năm, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tiến hành 212 cuộc kiểm tra, giám sát, chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kiểm tra các chuyên đề, vụ, việc theo yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương và các cơ quan chức năng ở Trung ương; đã đưa 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo; các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung tham luận làm rõ những kết quả nổi bật trong năm 2023 mà ngành Nội chính Đảng đã đạt được. Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2024.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNT đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh trong năm 2023; đồng thời chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế. Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Thường trực Ban Bí thư đề nghị ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, thành phố tiếp tục làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Nhất là, tập trung nghiên cứu, hoàn thành xây dựng Đề án về mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, tiêu cực; Đề án về cơ chế bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Trọng tâm là hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam giai đoạn mới và các quy định mới của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tham mưu, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận quan tâm; tập trung tham mưu, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo; tiếp tục rà soát, đưa các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Đồng thời, tham mưu, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; rà soát, tham mưu chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc theo kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương; chỉ đạo xử lý, khắc phục có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực; tăng cường phối hợp, chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình nghiệp vụ, duy trì nề nếp chế độ sinh hoạt, đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh...
84 lượt xem
Tiến Lập