Đảng và Nhà nước ta luôn kiên quyết, kiên trì, chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thế nhưng bất chấp những nỗ lực và kết quả đạt được, các thế lực thù địch, phản động lại thường xuyên đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc, cố tình phủ nhận thành quả, lấy cớ kích động chống phá.
Ảnh minh họa.
Tỉnh táo trước "ma trận” tin giả, tin xấu độc
Cần nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động chống phá công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên những nội dung sau:
Thứ nhất, các thế lực thù địch, phản động cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể chống tham nhũng, lãng phí và suy thoái thành công nếu không đa nguyên, đa đảng. Từ đó, họ kêu gọi Việt Nam phải đa nguyên, đa đảng đối lập mới chống tham nhũng thành công. Đây là chiêu bài được các thế lực thù địch, phản động diễn đi diễn lại mang tính sáo rỗng, cũ mòn.
Thứ hai, họ vu cáo rằng, chính quyền hạn chế quyền người dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ đó quy kết xã hiệu thiếu dân chủ trong chống tham nhũng, tiêu cực, thậm chí còn rêu rao "càng chống tham nhũng, tiêu cực thì càng tham nhũng, tiêu cực”. Đan xen với đó, họ ca ngợi thuyết "tam quyền phân lập”, ra sức rêu rao tư tưởng "đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” giống như ở một số nước phương Tây mới có dân chủ trong chống tham nhũng.
Thứ ba, khi các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực được khởi tố điều tra, xét xử thì các đối tượng phản động, cơ hội chính trị lại suy diễn là do "đấu đá nội bộ”, "phe phái thanh trừng”… Khi các bản án nghiêm minh được công bố, họ lại vu cáo đó là do "bị triệt hạ”; còn nếu bản án áp dụng các tình tiết giảm nhẹ thì họ mỉa mai "có tiêu chuẩn kép”, "tham nhũng chỉ tắm từ cổ”! Từ đó vu cáo công cuộc phòng, chống tham nhũng chỉ là hình thức, không có kết quả, đâu lại vào đó… Họ tung ra nhiều quan điểm, luận điệu xuyên tạc hết sức tinh vi, xảo trá nhằm làm giảm sút, xói mòn niềm tin của nhân dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta lãnh đạo. Từ đó, đòi phủ nhận, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, kích động tâm lý bất mãn trong một bộ quận quần chúng, gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trước hết cần thấy rằng, tham nhũng không phải là hiện tượng mới xuất hiện, nó ra đời và gắn liền với sự tồn tại, phát triển của xã hội, là hiện tượng xã hội tiêu cực mà chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là "khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Do đó, cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, không để quyền lực bị tha hóa, lạm dụng. Bất kỳ quốc gia nào cũng quan tâm đến phòng, chống tham nhũng, tuỳ vào đặc điểm và các mức độ khác nhau.
Về quan điểm "Đảng Cộng sản Việt Nam không chống tham nhũng, tiêu cực thành công nếu không đa nguyên, đa đảng”, đây rõ ràng là luận điệu sai trái, xuyên tạc. Bởi, khi đảng nào cầm quyền thì người đứng đầu và các chức vụ quan trọng của nhà nước đều là người của đảng đó; đường lối, chủ trương của đảng cầm quyền sẽ chi phối đường lối, chính sách của quốc gia. Dù là chế độ một đảng cầm quyền hay đa đảng thay nhau cầm quyền thì nạn tham nhũng, tiêu cực vẫn thường xảy ra, kể cả các nước phát triển có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, có trình độ quản lý kinh tế - xã hội cao. Thực tế nền chính trị các quốc gia trên thế giới và lịch sử chế độ chính trị Việt Nam hiện nay đã chứng tỏ chế độ một đảng cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tham nhũng, tiêu cực trong xã hội. Ngay như ở nước Mỹ (điển hình của dân chủ tư sản phương Tây) dù là đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa cầm quyền thì nạn tham nhũng vẫn cứ xảy ra, dư luận thế giới cũng từng chấn động trước các vụ tham nhũng nghiêm trọng. Như trường hợp ông Rod Blagojevich, cựu Thống đốc bang Illinois bị tuyên 14 năm tù giam vì tội tham nhũng, trong đó có tội định bán chiếc ghế Thượng Nghị sỹ Illinois bỏ trống sau khi ông Barack Obama đắc cử Tổng thống tháng 11/2008. Hay gần đây báo chí của nước Mỹ đưa tin, bản cáo trạng đối với Thượng nghị sĩ Bob Menendez về tội tham nhũng trong việc giúp đỡ chính phủ Ai Cập, buộc ông Menendez tạm thời rời khỏi vị trí người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ từ 22/9/2023 sau khi bị tòa án khu vực phía Nam New York truy tố về một loạt tội danh tham nhũng, hối lộ…
Không thể phủ nhận thực tế
Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia như: chế độ tiếp dân, số điện thoại đường dây nóng để nhân dân trực tiếp phản ánh, tố cáo những hành vi quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt. Nhiều công dân kịp thời phản ánh, tố giác những hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, chính quyền... góp phần tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh này; nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực đã được xử lý kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước xét xử nghiêm minh. Vì vậy, luận điệu vì xã hội ta thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng thành công là sai lệch.
Nhìn trên tổng thể, Đảng, Nhà nước ta rất quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo được niềm tin đối với nhân dân. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, toàn diện. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hoá”; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X; Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Quốc hội, Chính phủ thể chế hóa nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2020. Đó chính là tiền đề, cơ sở chính trị, pháp lý góp phần đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực.
Việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta thực hiện rất quyết liệt, trên tinh thần thượng tôn pháp luật và không có vùng cấm, không có ngoại lệ; công tác điều tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí. Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo 68 vụ án, 45 vụ việc; đã khởi tố mới 12 vụ án/45 bị can, khởi tố bổ sung 238 bị can trong 23 vụ án; kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung 20 vụ án/369 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ án/252 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/194 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/82 bị cáo. Cũng trong thời gian này, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 232.000 tỉ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được trên 9.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đến nay là 75.800 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 49,44%).
Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, có tác dụng cảnh báo, răn đe, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.
Cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao
Những kết quả mà Việt Nam đạt được trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quốc tế đánh giá cao. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bày tỏ ấn tượng trước nỗ lực trong cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ta và người đứng đầu Đảng – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tôi hoan nghênh nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt của ngài trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Giải quyết nạn tham nhũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới”. Hãng thông tấn Bloomberg (Mỹ) vào tháng 6/2022 đã từng đánh giá: "Tham nhũng có thể làm chệch hướng phát triển bền vững và không có ngoại lệ. Các quốc gia không đề phòng sẽ đi vào vòng xoáy của nó. Nhận thấy những nguy cơ phát sinh từ tệ nạn này, Chính phủ Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp chống tham nhũng một cách có hệ thống và bền vững để giải quyết vấn đề này. Kể từ khi áp dụng chính sách mở cửa vào giữa những năm 1980, Việt Nam chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, đất nước đã có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là người đứng đầu Đảng Cộng sản - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận thức rõ các vấn đề phát sinh từ tham nhũng. Những nỗ lực đó đã cải thiện đáng kể chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam kể từ khi đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng vào năm 2012. Số lượng người bị truy tố khá lớn cho thấy cả mức độ nghiêm trọng của vấn đề và các biện pháp hiệu quả được thực hiện để giải quyết vấn đề... Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đã nhận được sự chú ý của quốc tế”.
Tờ Le Monde (Pháp) ngày 21/6/2022 bình luận: "Cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam đã tăng tốc mạnh mẽ và giờ đây không loại trừ ai, từ các đại gia ở khu vực kinh tế tư nhân cho tới các đảng viên là quan chức cấp cao”. Còn rất nhiều chính khách, hãng thông tấn các quốc gia, đại diện các tổ chức quốc tế bày tỏ sự khâm phục về công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta lãnh đạo thời gian qua. Từ thực tế quyết tâm, nỗ lực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế là minh chứng bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Tham nhũng là kẻ thù bên trong rất nguy hiểm. Cuộc chiến này không phải làm trong một sớm, một chiều, cũng không phải làm một lần là xong. Chống tham nhũng là cuộc chiến chống "giặc nội xâm” đòi hỏi phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, bền bỉ với ý chí, quyết tâm chính trị cao nhất của mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
76 lượt xem
96