Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, nhất là sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (tháng 10/2016), Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính được tăng cường; qua đó, vừa tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, vừa có tác dụng ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, nhất là tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp có chiều hướng giảm. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương trong năm 2020, có 73% ý kiến người dân được hỏi cho rằng hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà để vụ lợi, vòi tiền đã giảm đi.
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, giai đoạn 2013-2020 (ảnh Đặng Phước)
Đồng thời, chú trọng kiểm tra, thanh tra các hoạt động công vụ để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, chấn chỉnh những sai phạm trong công tác cán bộ, góp phần đấu tranh, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện 18 cuộc kiểm tra, chủ động kiểm tra xác minh kịp thời các vụ việc báo chí phản ánh, được dư luận xã hội quan tâm. Bộ Nội vụ thực hiện 58 cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất tại các bộ, ngành, địa phương liên quan đến công tác cán bộ. Qua kiểm tra phát hiện, kiến nghị xử lý một số vụ việc tiêu cực tại 09 bộ, ngành, địa phương như: Lãnh đạo một số ngành, địa phương bổ nhiệm người nhà các đơn vị do mình phụ trách; việc thu phí, lệ phí tại Chi cục Hải quan Đình Vũ, Hải Phòng; việc nhũng nhiễu doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương; bổ nhiệm người thân giữ một số vị trí tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương…
Việc công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng có chuyển biến tích cực...Việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư xây dựng; công tác thanh tra, kiểm tra; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;...Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 18.182 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 288 đơn vị vi phạm.
Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được chú trọng. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã bổ sung quy định về Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập, xử lý hành vi kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc không trung thực; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các giải pháp chuyển đổi vị trí công tác, xây dựng, thực hiện và thực hiện quy tắc ứng xử, nhiều bộ, ngành đã xây dựng, sửa đổi, ban hành mới các bộ quy tắc ứng xử: Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tư pháp, Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán Quốc gia, ….
Chế độ, định mức, tiêu chuẩn được duy trì và thường xuyên kiểm tra, xử lý các sai phạm. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 17.123 văn bản; sửa đổi, bổ sung 5.271 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức kiểm tra tại 74.215 đơn vị, qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 1.734 tập thể, 723 cá nhân vi phạm chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Đã kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử tại 62.869 đơn vị; qua kiểm tra phát hiện, xử lý 1.744 tập thể, 1.614 cá nhân vi phạm quy tắc xứng xử. Tăng cường xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý, phụ trách.
Theo Ban Nội chính Trung ương
436 lượt xem