Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái: Chung tay xây dựng, phát triển BHYT

23/07/2020 09:21:00 Xem cỡ chữ
Tính đến tháng 6/2020, cả nước có khoảng 86 triệu người dân tham gia BHYT, tương đương với 90% dân số. Đối với tỉnh Yên Bái đến nay toàn tỉnh đã có 798.278 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ trên 96,6% dân số.

Số người tham gia BHYT của tỉnh Yên Bái là 798.278 người, đạt 96,6%”.

Trong những năm qua, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả khi KCB đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo, phải chi phí lớn, người tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu nghèo. Người có thẻ BHYT khi đi KCB đúng tuyến được Quỹ BHYT chi trả 80%, 95% hoặc 100% chi phí khám chữa bệnh tùy thuộc vào nhóm đối tượng. Thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau.

Với sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và những lợi ích khi tham gia BHYT, số người tham gia BHYT ở Việt Nam ngày càng tăng cao. Tính đến hết tháng 06/2020, toàn quốc có trên 86 triệu người tham gia BHYT, đạt  tỉ lệ bao phủ BHYT là 90% vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định  1167/QĐ-TTg. Trong đó đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt 17,5 triệu người, tăng 1,7 triệu người so với năm 2018 (tương đương tăng 10,8%). Trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. Quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật, để đảm bảo tối đa quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.

Cùng với việc mở rộng số lượng người tham gia BHYT, cơ quan BHXH và ngành y tế đã phối hợp, tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT với hàng loạt biện pháp đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh như: Lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới về quản lý, cách làm và phương pháp kiểm tra, đánh giá bệnh viện hàng năm; triển khai các đề án giảm tải, bác sĩ gia đình. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý BHYT để giảm thủ tục, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả.

Tính đến tháng 06/2020, BHXH Việt Nam đã giải quyết cho gần 2 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, tăng 186.088 lượt người (12%) so với cùng kỳ năm 2019; với số tiền chi trả từ quỹ ốm đau, thai sản lần lượt là 768.211.161.019 đồng tăng 19% so với cùng kỳ 2019.

Đồng thời, quỹ BHYT đã chi trả cho gần 100 bệnh nhân nặng với chi phí khám, chữa bệnh lên tới hàng tỷ đồng; 12 bệnh nhân có tổng chi phí từ trên 2 tỷ đồng/đợt điều trị.

Tại tỉnh Yên Bái, căn cứ vào tình hình thực tiễn, UBND tỉnh, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã phối hợp ban hành nhiều văn bản triển khai Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư (khóa X) về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới; Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020” kịp thời, thống nhất, đồng bộ, phù hợp với địa phương; tổ chức thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sát với từng nhóm đối tượng, góp phần tạo chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lao động và đông đảo nhân dân về vai trò, vị trí, ý nghĩa của việc tham gia BHYT đối với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị - xã hội, thu hút được các tầng lớp nhân dân, người lao động tự nguyện, tự giác tham gia BHYT, từng bước đưa tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày một cao. Qua công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện hàng năm cho thấy, hầu hết chính quyền các cấp đã chỉ đạo tập trung các giải pháp phát triển số người tham gia BHYT.

Thời gian qua, BHXH tỉnh đẩy mạnh phát triển hệ thống đại lý thu BHYT, trong đó, phối hợp chặt chẽ với ngành Bưu điện tỉnh, UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra, rà soát các điểm thu, đại lý thu. Mở rộng các điểm thu, đại lý thu nhất là ở những xã có tiềm năng về người tham gia BHYT, rà soát nhân viên đủ điều kiện, có nguyện vọng làm đại lý lập các thủ tục hồ sơ để BHXH tỉnh mở lớp bồi dưỡng cấp giấy chứng nhận đại lý. Thực hiện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT cho từng đại lý thu để có sự cạnh tranh trong hoạt động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 90 đại lý thu BHXH, BHYT, theo đó có 273 điểm thu và có 316 nhân viên đại lý thu được đào tạo và cấp thẻ hoạt động theo quy định. Nhờ vận dụng linh hoạt các giải pháp trong phát triển đối tượng tham gia BHYT, đến nay toàn tỉnh đã có trên 86.000 người tham gia BHYT theo hộ gia đình, góp phần nâng tỉ lệ người tham gia BHYT của toàn tỉnh lên 798.278 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ trên 96,6% dân số.

Cùng với việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT đã giúp cho người có thẻ BHYT được tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được quỹ BHYT chi trả khi khám chữa bệnh (KCB) đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn, người tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả, ngay cả nhóm bệnh nhân HIV cũng đã được chi trả BHYT. Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có hàng trăm bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng chi phí lớn được quỹ BHYT chi trả. Điều này được thể hiện qua số lượt khám, chữa bệnh BHYT liên tục tăng qua các năm, tương ứng với đó là chi phí KCB BHYT ngày càng tăng.

Năm 2008 có 851.000 lượt bệnh nhân KCB BHYT với số chi là 83,4 tỷ đồng thì đến năm 2019 đã có trên 1,4 triệu lượt bệnh nhân KCB BHYT với chi phí 977 tỷ đồng, tăng gấp 11,7 lần so với năm 2008. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, đã có khoảng 593.000 lượt bệnh nhân KCB BHYT được quỹ BHYT chi trả trên 409 tỷ đồng.

Theo thống kê, đến nay cả nước vẫn còn khoảng gần 10 triệu người chưa tham gia BHYT, số người dân chưa tham gia BHYT hiện nay chỉ còn 10%, nhưng lại là thách thức không nhỏ, bởi đó là những người không có thu nhập ổn định, thuộc thị trường lao động tự do, thường khi có bệnh mới tham gia BHYT, đi ngược lại nguyên tắc chia sẻ rủi ro của chính sách BHYT.

Để giải quyết vấn đề này, ngành BHXH phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và chính quyền địa phương để đề xuất những giải pháp hỗ trợ người dân tham gia BHYT, giúp những đối tượng này có những thuận lợi ban đầu khi tham gia BHYT. Đồng thời có những giải pháp đảm bảo tính ổn định, bền vững cho các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT bằng cách nâng cao nhận thức của người dân ý thức chia sẻ cộng đồng và cơ hội có nguồn tài chính vững chắc phòng khi không may mắc bệnh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính tiến tới thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cho phép người tham gia BHYT thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như: Tiếp tục quan tâm đầu tư đổi mới, tăng cường công tác truyền thông; hoàn thiện công tác thu và cấp thẻ BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định, quản lý quỹ BHYT; nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ. Ðồng thời thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong thu nộp BHYT và các hành vi lợi dụng, trục lợi Quỹ khám chữa bệnh BHYT; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để triển khai các giải pháp đồng bộ thực hiện hiệu quả Luật BHYT với mục tiêu “ Thực hiện nghiêm Luật BHYT, hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.

Theo thống kê của BHXH tỉnh Yên Bái số người còn lại chưa tham gia BHYT chủ yếu nằm trong nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình. Để tiến tới BHYT toàn dân, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội và quyền lợi của người tham gia. Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch và lộ trình thực hiện chính sách BHYT toàn dân.

Ban Biên tập