Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới

03/10/2023 15:37:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội, hàng năm Tỉnh ủy đã đưa chỉ tiêu thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã do nữ làm chủ vào Chương trình hành động về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, giao chỉ tiêu cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì và các ban, sở, ngành phối hợp thực hiện, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do nữ làm chủ hoạt động.

Tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ trên các lĩnh vực đời sống xã hội được tổ chức triển khai trên địa bàn tỉnh.

Tính đến quý I năm 2023 tỉnh Yên Bái có 660 hợp tác xã với 32.433 thành viên, trong đó có 146 hợp tác xã do nữ làm chủ với tổng số 10.809 thành viên; số lao động làm việc thường xuyên là 15.429 người, trong đó có 7.750 là lao động nữ. Từ năm 2019 đến nay, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động thành lập 413 tổ hợp tác, 25 hợp tác xã và 18 doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng, các đơn vị, địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Thực hiện tốt các chính sách xã hội để hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn… đặc biệt trong năm 2022, nội dung “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” đã được chọn làm chủ đề của tháng bình đẳng giới, điều đó tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc tăng cường thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn để góp phần thúc đẩy bình đẳng giới một cách thực chất, giúp cho các đối tượng là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện ổn định đời sống, giảm bớt nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

Nhiều chính sách hỗ trợ trên các lĩnh vực đời sống xã hội được tổ chức triển khai trên địa bàn tỉnh, trong đó đa số phụ nữ, trẻ em được tiếp cận đã hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế, cải thiện điều kiện sống, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số như các chính sách: Chính sách tín dụng ưu đãi: Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho vay các nguồn tín dụng chính sách đối với 26.928 hộ gia đình với tổng doanh số cho vay trên 1.420 tỷ đồng từ các chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó, số khách hàng vay vốn tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là 13.413 hộ với tổng số vốn cho vay trên 701 tỷ đồng.   

Chính sách về bảo hiểm y tế: Đã đóng và hỗ trợ một phần kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho 392.894 đối tượng là người nghèo, cận nghèo, trẻ em, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn…với tổng kinh phí hỗ trợ là 314,4 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ tiền điện: Các địa phương đã lập, thẩm định danh sách và chi trả trợ cấp tiền điện cho 44.082 hộ nghèo và hộ chính sách xã hội với tổng kinh phí khoảng 29,3 tỷ đồng.

Công tác cán bộ nữ công tác cán bộ nữ được quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhất là quy hoạch cán bộ tham gia cấp ủy, tham gia Hội đồng nhân dân, UBND các cấp. Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Đề án số 11-ĐA/TU ngày 08/8/2018 về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” trong đó, tuyển chọn 117/150 cán bộ nữ và người dân tộc thiểu số là nữ tham gia đề án. Công tác luân chuyển, điều động, tăng cường cán bộ Đề án được triển khai thực hiện gắn với công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và nhân sự ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kết hợp với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Kết quả, sau Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã có 40 đồng chí cán bộ Đề án là cấp ủy viên các cấp cơ sở; 24 đồng chí là cấp ủy viên cấp trên cơ sở. Đặc biệt, số cán bộ Đề án được bố trí, sử dụng kể từ khi tham gia Đề án chiếm 34% tổng số cán bộ của Đề án; trong đó, cán bộ giữ các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý chiếm 8%.

Thực hiện chính sách điều động giáo viên đang công tác ở các xã thuộc vùng có điều kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh có nguyện vọng và đủ điều kiện tiêu chuẩn chuyển công tác về vùng thuận lợi, trong đó đã quan tâm và ưu tiên xét luân chuyển 77 nữ giáo viên trên tổng số 91 giáo viên được luân chuyển (chiếm 84,46%). Đặc biệt trong 3 năm (2020 - 2022) đã mở 22 lớp xóa mù chữ cho 503 phụ nữ, trẻ em gái độ tuổi từ 15 - 35 của 8 xã thuộc huyện Mù Cang Chải, qua đánh giá tỷ lệ chuyên cần học viên tại các lớp đạt 80%, 503/503 học viên hoàn thành chương trình và được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn biết chữ giai đoạn 1 (lớp 1-lớp 3), trong đó 62 học viên được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng chứng nhận học viên tiêu biểu.

Kết quả thực hiện chỉ tiêu đối với công tác cán bộ nữ của tỉnh: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đạt từ 35% - 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ”.

Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy về tỷ lệ nữ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý: toàn tỉnh có 68/422 cán bộ nữ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (đạt tỷ lệ 16,1%), trong đó cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy là 01/15 người (đạt tỷ lệ 6,67%); nữ lãnh đạo HĐND tỉnh là 01/03 người (đạt tỷ lệ 33%), nữ lãnh đạo UBND tỉnh là 01/04 người (đạt tỷ lệ 25%).

Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp: 970/4.300 người (đạt tỷ lệ 22,6%), trong đó: cấp tỉnh: 8/48 người (đạt tỷ lệ 16,66%); cấp huyện: 83/394 người (đạt tỷ lệ 21,6%). 3/6 nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XV; 22 nữ đại biểu HĐND tỉnh; 117 nữ đại biểu HĐND cấp huyện. Trong giai đoạn 2021-2026, toàn tỉnh có 3.993 đại biểu Hội đồng nhân dân, trong đó nữ đại biểu Hội đồng nhân dân là 1.372 người (đạt tỷ lệ 34,4%), tăng 1,4% so với nhiệm kỳ trước, trong đó: cấp tỉnh: 19/56 người (đạt tỷ lệ 34%), cấp huyện: 102/298 người (đạt tỷ lệ 34,2%).

Cùng với đó, nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm đạt 100%. Tỷ lệ học sinh nam và học sinh nữ là người dân tộc thiểu số hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đạt 96%; Tỷ lệ hoàn thành phổ cập trung học cơ sở đạt 97,1%; Tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 44,5%. Tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt 66,7%. Tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 35,7%.

Có thể nói, công tác bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt được những kết quả tiến bộ; đội ngũ cán bộ nữ là lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tăng về số lượng và chất lượng; vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định.