Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái chú trọng công tác bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số

16/09/2021 15:03:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, chính trị - xã hội các cấp luôn quan tâm thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; trong đó, có sự quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao đổi với các chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số huyện Yên Bình về việc nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản địa phương.

Triển khai thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành kế hoạch công tác Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, đồng thời lồng ghép các nội dung của Quyết định vào Kế hoạch, chương trình công tác hàng năm và giao các ngành chuyên môn phối hợp thực hiện.

Ngoài ra, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số Đề án, Nghị quyết, Kế hoạch đặc thù của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới trên địa bàn như: Tỉnh ủy ban hành Đề án số 11-ĐA/TU ngày 8/8/2018 về “ Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 38/2018/NQ-HĐND ngày 08/12/2018 quy định mức chi đối với một số nội dung: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, trong đó có mục chi hỗ trợ cho cán bộ công chức nữ được cử đi đào tạo riêng; Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND Ban hành chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú, hỗ trợ kinh phí phục vụ thuê khoán lao động nấu ăn cho học sinh bán trú ngoài quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2017-2020; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch “Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ giai đoạn 2019 - 2025” trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Kế hoạch xóa mù chữ cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc Mông từ 15 - 35 tuổi của huyện Mù Cang Chải; Quyết định số 24/2016/QĐ-UBND ngày 27/8/201 phê duyệt Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với Báo Yên Bái, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp, lồng ghép các nội dung liên quan để tuyên truyền các hoạt động về bình đẳng giới, in tài liệu truyền thông về bình đẳng giới các địa phương, đặc biệt là vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, tổ chức 21 buổi truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số cho 4.200 người tham gia; tổ chức gặp mặt nữ lãnh đạo quản lý từ cấp tỉnh đến xã cho 450 đại biểu tham gia. Tổ chức 02 hội thảo về bình đẳng giới cho trên 250 đại biểu tham gia; tổ chức 8 lớp tập huấn về công tác bình đẳng giới cho trên 400 nữ ứng viên ứng cử vào Hội đồng nhân dân các cấp; tập huấn về bình đẳng giới cho hơn 2.000 lượt cán bộ, cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới tại cơ sở.

Nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, Sở LĐ,TB&XH đã chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức trên 250 lớp tập huấn cho trên 13.181 lượt cán bộ quản lý và cán bộ liên quan đến công tác tham mưu, lồng ghép thực hiện mục tiêu Bình đẳng giới vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác BĐG như: viết và đưa trên 1.100 tin, bài, phóng sự, một số tác phẩm được biên dịch sang tiếng Dao, tiếng Thái, tiếng Mông để tuyên truyền; in phát gần 10.000 tờ rơi; thẩm định cấp 15 giấy phép không kinh doanh tuyên truyền về BĐG và vì sự tiến bộ phụ nữ. 

100% Đài phát thanh và truyền hình ở cấp tỉnh và Đài truyền thanh cấp huyện có duy trì chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới hàng tháng; 60% Đài truyền thanh ở xã, phường, thị trấn có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới hàng quý.

Xây dựng mô hình nhà tạm lánh tại phường Pú Trạng- Thị xã Nghĩa Lộ, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho đối tượng trong thời gian tạm trú, tạm lánh, tập huấn trang bị kiến thức về nâng cao năng lực truyền thông, kỹ năng tư vấn, hỗ trợ và thực hiện hòa giải các trường hợp bạo lực gia đình cho Ban quản lý mô hình và cộng tác viên của Phường Pú Trạng. Treo gần 300 băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền về bình đẳng giới tại các điểm tập trung đông người, thị trấn, thị xã, thành phố; in và phát hành gần 80.000 tờ rơi tuyên truyền về bình đẳng giới; viết và đưa trên 500 tin, bài tuyên truyền về bình đẳng giới.

Hội Phụ nữ tỉnh đã xây dựng được 1.662 tổ hòa giải; 573 mô hình, CLB về gia đình; xây dựng điểm Trung tâm hỗ trợ phụ nữ cộng đồng để trợ giúp nạn nhân bị bạo lực, bị mua bán. Số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện, được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực gia đình, số người gây bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình, được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Căn cứ theo nhu cầu và nguyện vọng của nạn nhân, số nạn nhân bị mua bán, sau khi tiếp nhận được hỗ trợ các dịch vụ liên quan như: trợ cấp khó khăn ban đầu, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh, tư vấn tâm lý và trợ giúp pháp lý sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Các cơ sở giáo dục và giáo viên rất tích cực sưu tầm các tranh ảnh, tài liệu, băng đĩa hướng dẫn về lồng ghép giới để nâng cao nhận thức, hiểu biết và sử dụng trong việc tích hợp lồng ghép giáo dục về Giới trong thực hiện chương trình và các hoạt động giáo dục. 100% các đơn vị trường học trong toàn tỉnh đã tổ chức các cuộc thi, diễn đàn, câu lạc bộ lồng ghép các nội dung liên quan đến bình đẳng giới; xây dựng các mô hình hoặc tấm gương tốt về bình đẳng giới trong các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở đào tạo, cha mẹ học sinh và cộng đồng.

100% các trường DTNT, bán trú trong toàn tỉnh đã triển khai cho học sinh các DTTS tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về bình đăng giới; 100% các học sinh DTTS được tuyên truyền kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giới với nhiều nội dung nội dung đa dạng phong phú phù hợp với từng lứa tuổi.

100% các đơn vị trường học đã chủ động lồng ghép giáo dục phòng chống bạo lực trên cơ sở giới vào nội dung, chương trình giảng dạy trong nhà trường, nhất là đối với các môn Đạo đức, Giáo dục công dân; tổ chức các hoạt động truyền thông, tọa đàm về chủ đề ngăn chặn bạo lực học đường trên cơ sở giới phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng.

100% các đơn vị trường học đã triển khai cho học sinh, sinh viên sử dụng các sổ tay, tài liệu, tờ rơi tờ gấp và các công cụ truyền thông phù hợp tuyên truyền về bình đẳng giới trong vùng DTTS, các hoạt động/mô hình hay về thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới.

100% các phụ huynh học sinh, học sinh từ bậc học tiểu học đến trung học phổ thông và hơn 4.000 cán bộ có thẩm quyền của các cấp địa phương được tiếp cận các vấn đề giới, bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến giới trong giai đoạn 2018-2021. Các cơ sở giáo dục thiết lập kênh tiếp nhận các thông tin phản ánh về các tình huống về công tác gia đình. Phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện việc xử lý, điều tra bảo vệ cán bộ, trẻ em, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu và tiến tới loại bỏ các tình huống gây nguy hại đối với cán bộ, trẻ em, học sinh.

Trong 3 năm đã nghiên cứu in 5000 sổ tay hướng dẫn công tác bình đẳng giới cho cấp huyện và cấp cơ sở; phát hành 34.000 tờ gấp về xã hội học tập trong đó lồng ghép nhiều nội dung và kiến thức về giới; tổ chức 850 lớp tập huấn với 146.525 lượt người tham gia về học tập suốt đời, mô hình học tập, Đề án xây dựng xã hội học tập trong đó lồng ghép tập huấn các nội dung về bình đẳng giới.

Các hoạt động cụ thể hóa Đề án "Hỗ trợ hoạt động BĐG vùng DTTS” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã và đang tạo sự chuyển biến trong nhận thức, từng bước thay đổi hành vi thực hiện BĐG, nâng cao vị thế của phụ nữ nói chung và phụ nữ người DTTS nói riêng; tạo cơ hội cho chị em tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Cùng với đó, ý thức của nam giới trong nhiều gia đình vùng DTTS đã có chuyển biến và họ có trách nhiệm hơn với gia đình, như: đầu tư thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh; đi lao động tại các khu công nghiệp... phát triển kinh tế gia đình. 

Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng DTTS ngày càng giảm mạnh. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 32% thì đến hết năm 2020 giảm còn 7,04%. Những chuyển biến này đang tiếp tục mang đến sức sống mới cho các xã vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.

Ban Biên tập