Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hạn chế tai nạn, rủi ro cho ngư dân

12/07/2017 10:01:00 Xem cỡ chữ
Thời tiết bất thường, dông bão và áp thấp nhiệt đới ngày càng diễn biến khó lường, khiến sự cố, tai nạn trên biển gia tăng, đang là mối đe dọa trực tiếp sự an toàn của ngư dân, tàu thuyền khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển, nhất là các tàu đánh bắt xa bờ.

Theo Tổng cục Thủy sản, sáu tháng đầu năm, cả nước xảy ra 238 vụ tai nạn trên biển, làm 72 tàu cá bị chìm, 56 phương tiện hư hỏng, 21 phương tiện bị cháy, 15 phương tiện mắc cạn; làm chết 33 người, 63 người mất tích. Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại, ngoài do thiên tai, còn có yếu tố “nhân tai”. Tính đến ngày 30/5, đã có 104 tàu cá và 908 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý khi đang hoạt động khai thác hải sản trên biển. Một số nước như Indonesia, Malaysia mới đây còn tuyên bố sẽ mạnh tay xử lý đối với các tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển nước này.

Để giảm dần đến mức thấp nhất tai nạn, rủi ro trên biển, mỗi khi tàu vươn khơi, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng phương tiện, bảo đảm an toàn phương tiện, nhất là máy tàu, các trang thiết bị thông tin liên lạc, cứu sinh và vật tư y tế; kiên quyết không cấp phép hoạt động cho các phương tiện không bảo đảm kỹ thuật, thiếu trang thiết bị an toàn rời bến. Mặt khác, tuyên truyền đến chủ tàu và ngư dân thực hiện nghiêm Công điện 732/CĐ - TTg ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời, hướng dẫn bà con ngư dân cách ứng phó bão và thời tiết xấu trên biển.

Trong trường hợp tàu thuyền không kịp về bến neo đậu, tránh trú, cần chủ động điều khiển tàu nhanh chóng chạy ra xa tâm bão. Nếu không may xảy ra tình huống sự cố, bị nạn phải nhanh chóng liên lạc với các cơ quan chức năng và chủ động huy động phương tiện tổ, đội hỗ trợ, cứu nạn kịp thời. Cơ quan thường trực phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương và các cơ quan liên quan quản lý, theo dõi chặt chẽ các hoạt động của ngư dân trên biển, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi có yêu cầu. Nếu có sự cố, tai nạn xảy ra cần khẩn trương huy động lực lượng hỗ trợ, cứu nạn theo phạm vi chức năng được giao.

Đối với những trường hợp tàu thuyền của ngư dân do phải tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới, đi vào vùng biển chưa phân định, chồng lấn với các nước, hoặc vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt giữ, Cục Kiểm ngư cần phối hợp Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) có công hàm đề nghị hỗ trợ theo đúng quy định của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, để tránh trường hợp tàu cá và ngư dân “đi lạc” và bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho ngư dân về các quy định của pháp luật liên quan vấn đề phân định vùng biển giữa Việt Nam và một số quốc gia láng giềng, cũng như các quy định trong hoạt động thủy sản của Việt Nam, quốc tế và các nước.

Trường hợp những tàu cá và ngư dân cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài, cần tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với chính quyền các cấp, sở, ngành liên quan. Với chủ tàu có tàu cá bị bắt giữ, tạm thời không cấp giấy phép khai thác thủy sản; không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá tái phạm, chủ tàu cá bị bắt giữ phải chuộc, thả; các chủ tàu cá không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản trên biển...

 

Theo Báo Nhân dân