Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Vẹn một chữ tình

07/11/2017 04:32:00 Xem cỡ chữ
“Vẹn một chữ tình” là cảm nhận chung của tất cả mọi người khi nhắc đến chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam 25 năm qua (từ 1992 đến nay), nhất là giai đoạn 2012-2017 với chủ đề “Vận động phụ nữ Việt Nam tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo”. Với nhiều phong trào thiết thực như: “Kết nghĩa đỡ đầu”, “Phía sau chăm lo cho phía trước”, “Phụ nữ chăm sóc hậu phương các chiến sĩ Biên phòng”..., các cấp hội phụ nữ đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, là nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao cho.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, BĐBP Quảng Ninh phối hợp với Hội Phụ nữ trên địa bàn tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc.

Qua 5 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp số 91/CTPH-HLHPN-BTL BĐBP về “Vận động phụ nữ Việt Nam tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo” giai đoạn 2012-2017, hai bên đã phối hợp, tham mưu củng cố, kiện toàn 2.201 chi hội, tổ phụ nữ từ yếu kém vươn lên khá và xuất sắc; tuyên truyền, phát triển 23.447 hội viên mới. Đồng thời, vận động các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân ở địa bàn biên giới quyên góp gần 5 tỷ đồng, cán bộ, chiến sĩ BĐBP quyên góp gần 1 tỷ đồng để xây dựng Quỹ “Hỗ trợ phụ nữ nghèo”, hỗ trợ chị em vay vốn sản xuất 18 tỷ đồng; giúp 1.230 gia đình hội viên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, các đồn Biên phòng đã phối hợp với Hội Phụ nữ các xã biên giới tổ chức các đợt tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hội viên và nhân dân khu vực biên giới chấp hành các hiệp định, hiệp nghị, pháp luật của Nhà nước, có trách nhiệm tham gia cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới vùng biển, đảo của Tổ quốc. Qua đó, các hội viên đã nêu cao cảnh giác, cung cấp hàng nghìn tin có giá trị giúp BĐBP phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc, góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Điển hình như: Phong trào Phụ nữ vì bình yên tuyến biển ở Nam Định; phong trào Tổ Phụ nữ tham gia tự quản đường biên, mốc giới, an ninh trật tự khu vực biên giới, ở An Giang, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp. Đặc biệt, Hội LHPN Việt Nam còn phối hợp với tổ chức phụ nữ các nước láng giềng tham gia quản lý, bảo vệ biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Hiện nay, 18 tỉnh giáp biên của Việt Nam đã ký kết hợp tác với tổ chức phụ nữ các nước láng giềng về tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia bảo vệ an ninh đường biên, giữ gìn cột mốc biên giới; phối hợp phòng chống ma túy, HIV/AIDS, mua bán người, môi giới hôn nhân bất hợp pháp... Trong đó, lần đầu tiên có Thỏa thuận hợp tác cấp tỉnh giữa Hội LHPN Cao Bằng với Hội phụ nữ Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc; có nơi tổ chức ký kết hợp tác đến cấp huyện, xã như ở Tây Ninh (với nội dung vì hòa bình, phát triển)...

Nổi bật, phải kể đến Hội LHPN An Giang và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội phối hợp với các đồn BP xây dựng và duy trì hoạt động 17 Tổ Phụ nữ (mỗi tổ gồm 10 tổ viên) tham gia quản lý đường biên, cột mốc,  huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở cơ sở tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Đặc biệt, Đồn BP Vĩnh Gia (BĐBP An Giang) còn bồi dưỡng hằng tháng cho mỗi hội viên phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới 200.000 đồng. Chị em tích cực, chủ động cung cấp cho đồn BP nhiều thông tin quan trọng về tình hình địa bàn, biên giới, giúp các đơn vị xử lý nhanh chóng, chính xác, dứt điểm các vụ việc xảy ra trên tuyến biên giới được đảm nhiệm. Hiện tại, một mô hình mới về “Vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển đảo” giai đoạn 2017-2020 đang được Bộ Chỉ huy BĐBP và Hội LHPN tỉnh Kon Tum triển khai thí điểm với tên gọi  ''Phụ nữ chung tay cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường''. Đây là mô hình lần đầu tiên được thực hiện thí điểm tại xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

Kết nghĩa, đỡ đầu và phối hợp thực hiện chính sách hậu phương quân đội cũng là một trong những nội dung mà Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP thực hiện rất hiệu quả. Trong 5 năm qua, đã có 300 đoàn của Hội Phụ nữ các cấp thăm, tặng quà các đơn vị BĐBP trị giá gần 9 tỷ đồng; các cấp hội đã nhận kết nghĩa, đỡ đầu 321 đồn BP và đào tạo nghề cho 7.504 chiến sĩ BĐBP hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Ngoài ra, các đơn vị BĐBP và Hội Phụ nữ cấp xã đã nhận đỡ đầu, phụng dưỡng 34 Mẹ Việt Nam anh hùng, trích quỹ tăng gia sản xuất 600 triệu đồng, lập 212 sổ tiết kiệm và hỗ trợ, làm gần 1.000 ngôi nhà, hơn 20 công trình dân sinh tặng cho các hội nghèo và địa phương nơi biên giới, hải đảo.

Điển hình như Hội LHPN TP Hồ Chí Minh và BĐBP thành phố đã tổ chức chương trình “Nghĩa tình biên giới” tại tỉnh Tây Ninh và Bình Phước. Bên cạnh các hoạt động khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà, học bổng, Ban tổ chức chương trình còn bàn giao 8 mái ấm tình thương, nhà nghĩa tình hội viên, 12 phương tiện kiếm sống (máy ép nước mía) cho các hội viên nghèo... Không những làm tốt các hoạt động thiện nguyện, Hội LHPN TP Hồ Chí Minh và BĐBP thành phố còn phối hợp xây dựng được 22 “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn”, 13 “Tổ tự quản an ninh trật tự”, 22 “Bến đò tự quản an toàn”. Cùng với đó, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP TP Hồ Chí Minh còn trực tiếp đứng lớp xóa mù chữ cho trẻ em nghèo tại phường Tân Thuận, quận 7; nhận đỡ đầu 52 học sinh có hoàn cảnh khó khăn mỗi tháng 500.000 đồng cho đến khi các em học xong lớp 12.

 

Chi đoàn Đồn BPCK Lý Vạn, BĐBP?Cao Bằng phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh xã Lý Quốc tặng quà cho hộ nghèo trên địa bàn. Ảnh: CTV

Nói về thành công của chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa hai bên, ngày 8/8/2017, tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh: Nhiều năm qua, chương trình phối hợp giữa hai đơn vị đã được triển khai trên nhiều lĩnh vực, từ tuyên truyền, giáo dục giúp đỡ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo đến công tác hậu phương quân đội, đền ơn đáp nghĩa, củng cố, nâng cao chất lượng Hội Phụ nữ cơ sở. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, nhiều hoạt động thiết thực đã ra đời như phong trào Phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới...

Chương trình phối hợp cũng cho thấy mối quan hệ gắn kết, tình cảm thân thương, gần gũi và tin cậy giữa Hội LHPN và BĐBP. Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP cũng chia sẻ: “Phụ nữ ở các vùng dân tộc miền núi, biên giới, hải đảo còn có nhiều thiếu thốn về vật chất và tinh thần, do vậy, Bộ Tư lệnh BĐBP sẽ phối hợp ngày càng hiệu quả với Hội LHPN Việt Nam để từng bước nâng cao nhận thức và đời sống của hội viên các Hội Phụ nữ ở khu vực biên giới, hải đảo”.

(Theo Báo Biên phòng)