Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hỗ trợ ngư dân bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo

11/07/2022 10:29:00 Xem cỡ chữ
Ngư dân được ví như những "cột mốc sống" trên biển, việc hỗ trợ họ bám biển, khai thác thủy sản là cách bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Một nhóm ngư dân Đà Nẵng về lại tàu sau một ngày lên bờ đi làm thuê, tháng 7/2022. Ảnh: Nguyễn Đông

Thứ hai, 11/7/2022, 04:00 (GMT+7)

Hỗ trợ ngư dân bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo

Ngư dân được ví như những "cột mốc sống" trên biển, việc hỗ trợ họ bám biển, khai thác thủy sản là cách bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng, phân tích ngư dân vừa đánh bắt, vừa là "tai mắt trên biển" ngoài lực lượng chấp pháp. Vai trò đó càng thể hiện rõ trong giai đoạn đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. "Khi giá xăng dầu liên tục tăng, ngư dân cứ ra khơi là lỗ, không ai dám đi biển đồng nghĩa sẽ mất dần đi những pháo đài bảo vệ Tổ quốc", ông Ngữ nói.

Theo ông Ngữ, cần sớm có chính sách hỗ trợ để bà con bám biển. Ngư trường không giới hạn trong một vùng biển nhất định, nơi nào có luồng cá ngư dân sẽ ra khơi đánh bắt. Do đó, hỗ trợ cho ngư dân ảnh hưởng về giá xăng dầu cần có chính sách chung của nhà nước, không thể mặc cho các tỉnh thành tự làm riêng.

Một nhóm ngư dân Đà Nẵng về lại tàu sau một ngày lên bờ đi làm thuê, tháng 7/2022. Ảnh: Nguyễn Đông

Một nhóm ngư dân Đà Nẵng về lại tàu sau một ngày lên bờ đi làm thuê, tháng 7/2022. Ảnh: Nguyễn Đông

Ông Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nói ngư dân không có đất đai, chỉ có con tàu làm kế sinh nhai, khi không ra biển nghĩa là mất nghề, mất thu nhập và mất đi cơ hội bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bởi ra biển không chỉ để hiện diện dân sự, làm kinh tế mà ngư dân còn thực hiện chủ quyền dân sự trên nền tảng các hoạt động kinh tế, có sứ mạng tham gia bảo vệ Tổ quốc.

Ở khía cạnh khác, việc tàu cá gần đây nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cao sẽ làm thiếu hụt nguồn cung trong chuỗi cung ứng sản xuất - xuất khẩu. "Đánh bắt và nuôi trồng hải sản có những tệp khách hàng và thị hiếu khác nhau nên không thể nói sản phẩm nuôi trồng thay thế được hải sản đánh bắt", ông Hồi nói.

Từ phân tích trên, ông Hồi nhấn mạnh ngư dân đánh bắt trên biển cần được hưởng những chính sách đặc thù, tránh tình trạng như hiện nay đang ba không - chính sách không đồng bộ, không toàn diện và không đặc thù.

Tuy nhiên, hỗ trợ ngư dân bằng cách nào lại là câu hỏi khó. Ông Đặng Công Ngữ phân tích, Việt Nam đã có tổ chức dân quân biển - lực lượng góp phần bảo vệ an ninh trật tự địa phương. Tỉnh nào có biển thì phải có dân quân biển và liên kết với nhau để bảo vệ vùng biển của một địa bàn nhất định. Việt Nam đã có Luật Dân quân tự vệ, có chế độ cho dân quân ở trên cạn thì cũng có thể áp dụng để hỗ trợ lương, phụ cấp cho lực lượng dân quân biển.

"Trong khi chưa có chính sách chung về giảm giá xăng dầu, chúng ta có thể hỗ trợ cho ngư dân bằng cách này. Được tiếp sức, ngư dân sẽ mạnh dạn ra khơi và hiện diện trên biển nhiều hơn, góp phần giải quyết nguồn lao động đi biển vốn đang thất nghiệp vì tàu nằm bờ", ông Ngữ nói.

Hơn 100 tàu cá nằm bờ ở âu thuyền An Hòa, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam. Ảnh: Đắc Thành

Hơn 100 tàu cá nằm bờ ở âu thuyền An Hòa, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam. Ảnh: Đắc Thành

Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng, cho rằng ngoài việc giảm giá xăng dầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm xem xét và đề xuất Chính phủ có chính sách giãn trả nợ, hỗ trợ vốn vay cho ngư dân để có điều kiện khôi phục sản xuất. Người buôn bán và chế biến thủy sản cũng cần được hưởng phụ cấp mất việc như chính sách hỗ trợ công nhân trong nhà máy, xí nghiệp.

Ngoài ra, Chính phủ cần mở rộng diện hỗ trợ ra toàn bộ ngư dân và lao động nghề cá. Cả nước có khoảng một triệu lao động nghề cá. Một người đi biển nuôi thêm 3-4 người trên bờ nên cần sớm hỗ trợ họ để ổn định đời sống an sinh.

PGS Nguyễn Đức Lộc, Viện Social Life, đề xuất lao động tàu cá trước mắt cần được hỗ trợ một khoản tiền mặt trực tiếp để duy trì cuộc sống cho gia đình trong nửa năm, khi chưa thể ra khơi bám biển. Do đặc thù nghề biển, họ sẽ rất khó chuyển đổi sang các nghề nghiệp khác như lao động phổ thông.

Về lâu dài, các cơ quan quản lý cần có giải pháp trung và dài hạn để giải quyết bài toán chi phí nhiên liệu, có thể tạo nguồn quỹ xăng dầu cho ngư dân ứng trước ra khơi và thu mua thủy hải sản đánh bắt về với giá cao. Ngoài tiêu thụ trong nước, cần thêm những xúc tiến thương mại để có thêm đơn hàng nước ngoài; có chính sách cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản giảm chi phí sản xuất, tăng doanh thu để quay ngược lại hỗ trợ lao động trong ngành.

Ngư dân miền Trung thu mẻ cá lớn từ ngư trường Hoàng Sa, cập cảng cá Thọ Quang bán cho tiểu thương, năm 2021. Ảnh: Nguyễn Đông

Ngư dân miền Trung thu mẻ cá lớn từ ngư trường Hoàng Sa, cập cảng cá Thọ Quang bán cho tiểu thương, năm 2021. Ảnh: Nguyễn Đông

Quảng Bình có gần 6.800 tàu thuyền, trong đó hơn 1.200 tàu đánh bắt xa bờ. Với đội tàu lớn, việc hỗ trợ ngư dân bám biển với tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trong khả năng của mình, ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Thủy sản Quảng Bình, cho hay tỉnh khuyến khích ngư dân chuyển đổi loại hình đánh bắt để tiết kiệm nhiên liệu, chuyển từ đèn sợi đốt sang đèn led. Hệ thống đèn led giúp ngư dân tiết kiệm hơn 1/3 chi phí xăng dầu so với bóng đèn trước đây.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước qua 18 đợt điều chỉnh, trong đó tăng giá 13 lần, giảm 5 lần. Hiện mỗi lít xăng E5 RON 92 là 27.780 đồng, RON 95-III 29.670 đồng, dầu diesel 26.590 đồng.

Giá nhiên liệu tăng khiến khoảng 50% trong tổng số hơn 91.700 tàu cả nước ngừng hoạt động. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiên liệu chiếm 45-60% chi phí đầu vào của tàu cá. Mỗi tháng bình quân khai thác thủy sản tiêu thụ khoảng 330 triệu lít dầu.

Giá nhiên liệu tăng đẩy giá các mặt hàng khác phục vụ khai thác thủy sản tăng theo 10-15%. Kết quả là chi phí đầu vào đội lên 35-48%, giá bán cá lại tăng không đáng kể. Chủ tàu phải bỏ biển, đi làm thợ đụng mưu sinh.
 

(theo VnExpress)