Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nghề công tác xã hội tại tỉnh Yên Bái

18/05/2017 15:59:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT- Những năm gần đây, nghề công tác xã hội tại tỉnh Yên Bái đã có những bước tiến đầu tiên góp phần góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội tỉnh nhà.

Quan tâm chăm sóc người già neo đơn tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội.

Trên Thế giới, ngành công tác xã hội bắt đầu từ rất sớm, từ đầu thế kỉ XX Công tác xã hội được biết đến như là công cụ để giải quyết những vấn đề của xã hội nảy sinh trong quá trình công nghiệp hóa của các nước phương tây. Gần đây, các hoạt động công tác xã hội đã có sự tham gia chặt chẽ của các chính phủ và tổ chức phi chính phủ. Tổ chức Lao động Thế giới đã đưa công tác xã hội vào nội dung của bảo đảm xã hội. Trong khoảng 100 năm phát triển, ngành công tác xã hội hiện tại đóng vai trò không thể thay thế trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội của các nước phát triển. Vị thế của Nghề Công tác xã hội cũng như của các nhân viên xã hội là hết sức quan trọng đối với xã hội, gia đình và từng cá nhân. Nhân viên xã hội có mặt trong hầu hết các lĩnh vực đời sống của người dân từ giáo dục, y tế đến tư pháp, hành pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho các công dân.

Ở Việt Nam, sự hình thành và phát triển nghề Công tác xã hội cũng không nằm ngoài quy luật đó. Công tác xã hội ở Việt Nam được hình thành trên cơ sở tình cảm tốt đẹp giữa con người với con người. Trải qua các giai đoạn lịch sử, tinh thần nhân đạo và lòng yêu thương nhân loại luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển xã hội. Tại Việt Nam, ngành Công tác xã hội được phát triển từ cuối thập kỷ 40 nhưng bị lắng xuống do những vấn đề lịch sử. Vào đầu những năm 90, Tổ chức cứu trợ trẻ em của Thụy Điển tại Việt Nam đã bắt đầu khởi xướng việc phát triển công tác xã hội thông qua việc nghiên cứu về nguồn nhân lực trong Công tác xã hội, biên soạn tài liệu về Công tác xã hội, cấp học bổng trong và ngoài nước cho những người làm việc trong lĩnh vực này và vận động Chính phủ trong việc xây dựng mã ngành đào tạo Công tác xã hội.

Từ năm 2004 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành mã đào tạo ngành công tác xã hội trong hệ thống giáo dục Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp. Năm 2010 là năm chúng ta đứng trước một viễn cảnh tươi sáng của việc phát triển Công tác xã hội tại Việt Nam thông qua việc Cục Bảo Trợ Xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đệ trình Chính phủ và được phê duyệt đề án phát triển nghề Công tác xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020.

Sau 6 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH, khung pháp lý về nghề CTXH đã từng bước được hoàn thiện, các quy định về mã số ngạch viên chức công tác xã hội, quy định chức danh, tiêu chuẩn nghề nghiệp, quy chuẩn đạo đức đối với nhân viên công tác xã hội; chế độ phụ cấp đặc thù đối với người làm công tác xã hội được ban hành. Hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập và ngoài công lập; Mạng lưới nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội hình thành trên phạm vi cả nước. Tính đến nay, cả nước có hơn 400 cơ sở trợ giúp xã hội, hơn 30 cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội với hơn 80 nghìn cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH. Công tác xã hội không chỉ biết đến đối với lĩnh vực lao động thương binh và xã hội mà còn bắt đầu phát triển sang các lĩnh vực y tế, giáo dục. Các văn phòng công tác xã hội tại các trường học, bệnh viện ở Trung ương và một số tỉnh như: Phòng Công tác xã hội bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viên Nhi trung ương, Bệnh viện E Hà Nội, Bệnh viện C Thái Nguyên… đã thành lập và hoạt động rất hiệu quả. Và đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 25/3 hằng năm là ngày công tác xã hội Việt Nam.

Đối với tỉnh Yên Bái, thực hiện kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh, Trung tâm đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và chuyển địa điểm mới. Ngày 11/4/2014 Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-UBND về việc kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi tên Trung tâm Bảo trợ xã hội thành Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Sau khi được kiện toàn, Trung tâm thực hiện song song hai nhiệm vụ lớn là tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội và cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng có nhu cầu trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động là 27 người, trong đó có 4 người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng.

Trong bối cảnh công tác xã hội là một nghề mới được công nhận, còn khá mới mẻ đối với các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh nhưng Trung tâm đã lựa chọn hướng đi hoạt động phù hợp với nguồn lực của mình, bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ.

Đối với công tác tiếp nhận, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, trung bình mỗi năm thực hiện nuôi dưỡng từ 90-100 đối tượng đảm bảo chế độ chính sách quy định. Đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Đời sống đối tượng được cải thiện và nâng cao rõ rệt.

Đối với cung cấp dịch vụ khẩn cấp: Đã tiếp nhận thông tin, thực hiện hoạt động can thiệp, hỗ trợ cho hơn 30 trường hợp bao gồm trẻ em bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, trẻ em lang thang, trẻ bị bỏ rơi, người bị bạo lực gia đình. Các trường hợp đều được nhân viên công tác xã hội tư vấn, hỗ trợ ổn định tâm lý, đưa đi khám chữa bệnh, cung cấp đồ dùng sinh hoạt và nơi ở an toàn trước khi bàn giao về gia đình. Nhiều trường hợp được kết nối tới Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng thuộc tỉnh hội phụ nữ để được trị liệu tâm lý, hỗ trợ sinh kế, chữa bệnh, học nghề. Trung tâm đã phối hợp tốt với các cơ quan, ban ngành liên quan cùng vào cuộc, đặc biệt trong việc can thiệp khẩn cấp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục.

Đối với hoạt động quản lý ca tại cộng đồng: Trung bình mỗi năm trợ giúp cho 120 - 150 trường hợp tại cộng đồng. Nhân viên công tác xã hội của Trung tâm đến từng gia đình để xác minh thông tin, đánh giá nhu cầu trợ giúp. Sau khi đánh giá và xác định nhu cầu, sẽ thực hiện hoạt động kết nối nguồn lực, phối hợp với các cơ quan chức năng, vận động chính sách giúp đối tượng giải quyết vấn đề. Nhờ có hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội của Trung tâm, trong gần 3 năm qua, đã có hơn 100 đối tượng được trợ giúp thụ hưởng chính sách xã hội; 15 trường hợp người khuyết tật được kết nối giới thiệu học nghề, phục hồi chức năng, học văn hóa miễn phí; 20 trường hợp được hỗ trợ tiếp nhận nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm; hàng trăm đối tượng được tư vấn trực tiếp về chính sách cũng như hỗ trợ tâm lý, chia sẻ, động viên họ vững tin vượt qua khó khăn và rất nhiều trường hợp khác được kết nối, từ thiện vật chất góp phần ổn định cuộc sống.

Đối với hoạt động tư vấn, tham vấn: Được thực hiện qua hình thức tư vấn trực tiếp tại Trung tâm, tại cộng đồng và qua tổng đài tư vấn miễn phí 18001776. Đã có hàng trăm cuộc tư vấn mỗi năm được thực hiện qua việc cung cấp thông tin về chế độ chính sách, tư vấn hỗ trợ tâm lý và các cuộc gọi báo tin về các trường hợp khẩn cấp cần sự giúp đỡ tại cộng đồng. Đặc biệt hoạt động của tổng đài tư vấn miễn phí đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận dịch vụ của Trung tâm nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Đối với hoạt động truyền thông, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên, những người làm công tác xã hội cơ sở cũng được Trung tâm làm tốt. Hoạt động truyền thông, giới thiệu nghề công tác xã hội, dịch vụ công tác xã hội của Trung tâm được thực hiện qua các phương tiện thông tin đại chúng, pano, tờ rời và truyền thông lồng ghép qua các buổi tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã. Qua 3 năm, Trung tâm đã tổ chức 12 hội nghị truyền thông, tập huấn cho hơn 700 đại biểu cấp xã, qua đó giúp nâng cao nhận thức của cán bộ cấp cơ sở về hoạt động công tác xã hội của Trung tâm.

Để có được những kết quả đáng tự hào đó là nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh; Bộ Lao động-TB&XH, sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; Sự quan tâm phối hợp của các cấp ban ngành đoàn thể và vai trò của những người làm công tác xã hội, trong đó phải kể đến sự đóng góp công sức của đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội của Trung tâm. Những người đang ngày đêm, không quản ngại khó khăn, chăm lo, dạy dỗ những trẻ em mồ côi; phụng dưỡng những người cao tuổi không nơi nương tựa, người khuyết tật đặc biệt nặng là nạn nhân của chất độc hóa học, dang rộng vòng tay nâng đỡ để họ có một mái nhà chung thật đầm ấm, hạnh phúc; hay những nhân viên công tác xã hội với lòng yêu nghề đầy nhiệt huyết đã đến từng thôn, bản với tâm thế của người trợ giúp, không phân biệt hoàn cảnh, tuổi tác, trình độ văn hóa, dân tộc, không quản ngại đường đi khó khăn để đến với từng gia đình đối tượng, để được lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ, để chia sẻ, động viên, để tư vấn, trợ giúp họ vượt lên hoàn cảnh khó khăn, giải quyết vấn đề gặp phải. Công tác xã hội, nghề của lòng nhân ái, nghề của những con người thầm lặng nhưng mang đến hạnh phúc cho mọi người, đặc biệt những người yếu thế trong xã hội, với tôn chỉ của nghề đó là: Công tác xã hội hướng đến sự công bằng xã hội.

Ghi nhận những kết quả của Trung tâm trong hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội và nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, trong những năm qua Trung tâm đã vinh dự được Bộ Lao động- Thương binh và xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen và được công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc. Nhiều cá nhân được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được tặng Bằng khen, Giấy khen.

Tự hào về truyền thống vẻ vang và những kết quả đạt được, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Trung tâm hôm nay càng ý thức sâu sắc hơn vinh dự và trách nhiệm với nghề mình đã chọn, nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong các hoạt động trợ giúp đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh, cũng là góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội tỉnh nhà./.

           

 

Thanh Thủy