Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế

08/06/2017 14:08:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Đó là một trong các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu trợ giúp của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái

Cụ thể, mục tiêu phấn đấu quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập tăng lên 55% vào năm 2020; tăng tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ và quản lý từ các cơ sở trợ giúp xã hội tăng lên 30% vào năm 2020; Tiếp tục thí điểm các mô hình cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội, phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí, ngôi nhà tạm lánh, mô hình gia đình cá nhân nhận nuôi có thời hạn và mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 30% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp; Xây dựng, hoàn chỉnh chương trình, giáo trình đào tạo và giáo dục nghề nghiệp về công tác xã hội trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ngành công tác xã hội; Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về trợ giúp xã hội.

Dự án được thực hiện trên phạm vi cả nước, ưu tiên các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc và phục hôi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp, trung tâm công tác xã hội; công chức, viên chức và cộng tác viên công tác xã hội.

Để đạt được mục tiêu trên, Dự án tập trung phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó thực hiện quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, chú trọng nâng cấp, mở rộng và phát triển mới mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội, gồm: Cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp và trung tâm công tác xã hội; Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị cho cơ sở trợ giúp xã hội đạt tiêu chuẩn chăm sóc theo tiêu chuẩn do Nhà nước quy định, bảo đảm có các phân khu chức năng, các hạng mục công trình đáp ứng hoạt động chăm sóc, phục hồi chức năng, trị liệu và cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Ưu tiên hỗ trợ mua sắm trang thiết bị vận chuyển đối tượng, sơ cấp cứu, sinh hoạt và phục hồi chức năng cho đối tượng.

Hỗ trợ xây và vận hành mô hình cơ sở trợ giúp xã hội, gồm mô hình trung tâm công tác xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp, cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí, ngôi nhà tạm lánh, mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn và mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên, trong đó xây dựng, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo; Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ về công tác xã hội phù hợp với nhu cầu hội nhập quốc tế, đạt yêu cầu ngang bằng chuẩn đào tạo của các nước trong khu vực nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về công tác xã hội; Xây dựng và hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo các kỹ năng công tác xã hội, chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK; Xây dựng và hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo trình độ trung câp, cao đẳng nghề công tác xã hội bảo đảm liên thông với đào tạo đại học nghề công tác xã hội.

Đào tạo hệ vừa làm, vừa học cho 17.500 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học (bình quân 3.500 người/năm); đào tạo kỹ năng chuyên sâu chăm sóc, phục hồi chức năng cho đối tượng tối thiểu 500 chỉ tiêu/năm; Bồi dưỡng kỹ năng cho 50.000 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên trợ giúp xã hội, công tác xã hội (bình quân 10.000 người/năm).

Nghiên cứu, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện phát triển nghề công tác xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK dựa vào cộng đồng, củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sờ trợ giúp xã hội. Trên cơ sở đó, khuyến nghị giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống trợ giúp xã hội.

Truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí hệ thống trợ giúp xã hội; công tác xã hội, cơ sở trợ giúp xã hội, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần và đối tượng khác; Tổ chức nghiên cứu, khảo sát học hỏi kinh nghiệm các nước trong khu vực và thể giới và xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ năng trợ giúp xã hội cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên trợ giúp xã hội; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và phổ biến pháp luật về lĩnh vực trợ giúp xã hội cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên; Chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phát triển hệ thống trợ giúp xã hội trong nước và quốc tế, đặc biệt là chương trình, nội dung đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên trợ giúp xã hội.

 

Nguyễn Hiên