Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

18/10/2017 09:23:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Phát biểu kết luận hội nghị đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND nhấn mạnh: “Cần phải xác định cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành, các địa phương từ tỉnh, đến huyện, xã trong đó đặc biệt đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đối với 2 lĩnh vực này. Coi đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, người dân. Nếu cơ quan, đơn vị, địa phương nào không hoàn thành nhiệm vụ trong công tác cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có nghĩa là thủ trưởng, cơ quan đơn vị đó không hoàn thành nhiệm vụ trong năm.”

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND kết luận hội nghị

Chiều 10/7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính và công tác nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Yên Bái xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố về chỉ số cải cách hành chính

Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh Yên Bái đã đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương. Công tác cải cách hành chính chú trọng đến việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Tỉnh tập trung đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; hiện đại hóa hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng ISO trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã thành phố trong việc thực hiện kiểm soát TTHC ở một số lĩnh vực chưa chặt chẽ, việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa liên thông chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, chất lượng cán bộ công chức còn bất cập, hiệu quả sử dụng hệ thống mạng tin học, thư điện tử chưa cao, dịch vụ hành chính công được cung cấp còn ở mức độ thấp…

Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh được đánh giá trên 8 lĩnh vực gồm: báo cáo tự đánh giá, chấm điểm của địa phương theo 32 tiêu chí và 64 tiêu chí thành phần qua các tài liệu kiểm chứng và điểm số của 40 tiêu chí thành phần qua điều tra xã hội học do Bộ Nội vụ thực hiện.

Năm 2016, tỉnh Yên Bái đạt 67,78 điểm về chỉ số cải cách hành chính, xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố, giảm 15 điểm và 8 bậc so với năm 2015. Trong đó giảm 13,25 điểm qua tài liệu kiểm chứng ở các lĩnh vực sau: Về công tác chỉ đạo điều hành; cải cách thủ tục hành chính; cải cách bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính.

Theo Quyết định số 1230/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê quyệt và công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, đứng đầu là Sở Lao động Thương binh và Xã hội với 82,08 điểm, và UBND huyện Văn Yên với 84,24 điểm.

Yên Bái xếp thứ 47/63, tỉnh, thành phố về chỉ số PCI

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh Yên Bái được đánh giá là tỉnh có nhiều sự cải thiện về môi trường đầu tư trong những năm gần đây. Tỉnh đã tổ chức Lễ ký cam kết với VCCI về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, ban hành các văn bản, kế hoạch, chương trình hành động về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thường xuyên gặp mặt, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo cơ chế thu hút mọi nguồn lực đầu tư vào tỉnh…

Theo kết quả báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2016 do VCCI công bố tháng 3 năm 2017, tỉnh Yên Bái xếp thứ hạng 47/63, tỉnh, thành phố trên cả nước (tăng 4 bậc so với năm 2015 và 8 bậc so với năm 2014), chuyển vị trí xếp thứ hạng lên nhóm khá. Với tổng điểm 57,28 (tăng 0,64 điểm so với năm 2015), so với khu vực miền núi phía Bắc, Yên Bái xếp thứ 6/14. Tuy nhiên môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn vẫn chưa thực sự thuận lợi nhất là trong lĩnh vực liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư, vẫn còn tình trạng cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, thực thi công vụ còn hạn chế, thiếu tính năng động…

Tại hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian, tập trung phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính và các chỉ số thành phần PCI. 

Phấn đấu chỉ số PCI tăng từ 4-5 bậc, Chỉ số cải cách hành chính tăng từ 8-10 bậc

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác cải cách hành chính, và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, đồng chí cũng thẳng thắn khẳng định, hiện vẫn còn nhiều ngành, nhiều cấp chưa thực sự coi trọng những nhiệm vụ cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chưa dành nhiều nguồn lực cũng như quan tâm thỏa đáng đến 2 lĩnh vực này. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, những người trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính chưa thực sự năng động, chưa đề cao vai trò trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, ảnh hưởng đến thời gian, chi phí cũng như sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Đồng chí cũng đề nghị, các cấp, các ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, trong năm 2017, phải phấn đấu tăng chỉ số PCI từ 4-5 bậc, chỉ số cải cách hành chính tăng 8-10 bậc, mục tiêu lâu dài hướng tới là tỉnh có chất lượng điều hành khá.

Với quan điểm, xác định cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành, các địa phương từ tỉnh, đến huyện, xã trong đó đặc biệt đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đối với 2 lĩnh vực này. Đồng chí đề nghị phải coi đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, người dân. Nếu cơ quan, đơn vị, địa phương nào không hoàn thành nhiệm vụ trong công tác cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có nghĩa là thủ trưởng, cơ quan đơn vị đó không hoàn thành nhiệm trong năm.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và đạt được những kết quả đề ra, đồng chí Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Sau hội nghị này, cần phải xây dựng và ban hành kế hoạch để cải thiện chỉ số cải cách hành chính và PCI của tỉnh năm 2017 trong đó làm rõ mục tiêu để cải thiện chỉ số chung cũng như các chỉ số thành phần. Chậm nhất đến ngày 15/7, các sở, ngành, địa phương phải có đề xuất nhiệm vụ của của ngành mình liên quan đến nâng cao cải cách hành chính và PCI.

Đối với cải cách hành chính, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: Về cải cách thể chế, cần tập trung nâng cao chất lượng, tiến độ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, ban hành kế hoạch kiểm tra, phổ biến giáo dục pháp luật theo quy định. Chú trọng công tác phổ biến, hướng dẫn việc thi hành, rà soát văn bản quy phạm pháp luật hàng năm, hàng quý, hàng tháng. Về cải cách thủ tục hành chính, cần tiến hành rà soát, chuẩn hóa, công bố, công khai TTHC, trong tháng 7, các sở, ngành, địa phương phải hoàn thành. Thường xuyên thực hiện đơn giản hóa, lồng ghép, giảm thời gian thực hiện TTHC, thực hiện nghiêm cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở tất cả các sở, ngành địa phương; Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Triển khai thực hiện Đề án Trung tâm hành chính công của tỉnh;

Về cải cách tổ chức bộ máy: Tập trung triển khai mạnh mẽ sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cán bộ công chức, viên chức; sớm hoàn thiện đề án vị trí việc làm và cơ cấu biên chế, số lượng người làm việc trong các trong các cơ quan hành chính sự nghiệp các cấp. Hoàn thiện quy chế bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ…

Về cải cách tài chính công: Cần tập trung kiểm soát chặt chẽ các hoạt động quản lý thu chi ngân sách nhà nước. Trước mắt là xây dựng dự toán thu chi ngân sách, xây dựng dự toán đầu tư công năm 2018 theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, bộ máy, biên chế, tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.

Về hiện đại hóa nền hành chính nhà nước: Đẩy mạnh xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử. Ngành Thông tin và Truyền thông sớm đề xuất triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử theo tinh thần Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2017 và những năm tiếp theo trong đó chú trọng đến cung cấp dịch vụ công trực tuyến; sớm triển khai phòng họp trực tuyến; duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Đối với nâng cao chỉ số PCI, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đề nghị: Cần phải xác định quan điểm doanh nghiệp là đối tượng hỗ trợ chứ không phải là đối tượng quản lý, do đó phải đồng hành, hướng dẫn tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp về các TTHC, cũng như tiếp cận các dịch vụ từ lúc đăng ký đến cấp phép đầu tư; Chú trọng hơn nữa công tác tuyên tuyền phổ biến pháp luật tới các đối tượng là quản lý doanh nghiệp.

Thực hiện nghiêm, công khai, minh bạch mọi vấn đề liên quan đến thành lập doanh nghiệp như các TTHC, các quy định về phí và lệ phí, các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế…Tất cả phải được công khai trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Trang Thông tin điện tử của các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố để doanh nghiệp được tiếp cận, nghiên cứu. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức đối thoại, gặp gỡ, tiếp nhận thông tin từ cộng đồng doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp; Xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ trong việc thực thi nhiệm vụ cải cách hành chính và PCI. Các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo về 2 lĩnh vực trên.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy nhấn mạnh và đề nghị: Phải coi việc hoàn thành nhiệm trong lĩnh vực cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một nội dung quan trọng để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố. Đây cũng là nội dung quan trọng để đánh giá các hình thức khen thưởng trong năm 2017.

 

Hiền Trang