Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương Yên Bái: Năng lực, chất lượng điều hành còn nhiều khoảng cách

16/06/2021 15:23:00 Xem cỡ chữ
Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) là kênh thông tin để phản ánh thực trạng và đánh giá toàn diện năng lực, hiệu quả, chất lượng công tác điều hành liên quan đến môi trường kinh doanh ở các sở, ngành, địa phương nhằm hướng đến một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và minh bạch.

Nhiều năm qua, Ban Chỉ đạo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã nỗ lực hoàn thành công tác khảo sát, có chi tiết dữ liệu, phân tích đánh giá và công bố Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (viết tắt là DDCI).

Đây là kênh thông tin để phản ánh thực trạng và đánh giá toàn diện năng lực, hiệu quả, chất lượng công tác điều hành liên quan đến môi trường kinh doanh ở các sở, ngành, địa phương nhằm hướng đến một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và minh bạch.

Năm 2020, Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh đã tổ chức thực hiện việc khảo sát đối với 15 sở, ban, ngành và 9 huyện, thị xã, thành phố; phát hành 1.482 phiếu khảo sát gửi tới hơn 650 doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh. 

Qua đó, đưa ra kết quả cụ thể tổng điểm, thứ hạng và kết quả các chỉ số thành phần cũng như năng lực điều hành cấp sở, ngành và địa phương. 5 ban, sở, ngành được đánh giá có năng lực điều hành tốt: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội, Sở Xây dựng, Kho bạc Nhà nước, trong đó Sở Kế hoạch và Đầu tư xếp thứ 1, tăng 4 bậc so với năm 2019; thứ 2 là Cục Thuế tỉnh, giảm 1 bậc xếp hạng so với năm 2019; thứ 3 là Bảo hiểm xã hội tỉnh, tăng 11 bậc so với năm 2019; xếp cuối cùng trong 15 ban, sở ngành là Sở Tài nguyên và Môi trường, giảm 9 bậc so với năm 2019. 

Khối các huyện, thị xã, thành phố, thành phố Yên Bái xếp thứ 1, tăng 3 bậc so với năm 2019; thứ 2 là huyện Văn Yên, tăng 4 bậc so với năm 2019; thứ 3 là huyện Trấn Yên, giảm 2 bậc so với năm 2019 và xếp thứ 9 là huyện Mù Cang Chải, giảm 7 bậc so với năm 2019. Kết quả đánh giá năm 2020 cho thấy, khối địa phương có 4 đơn vị tăng tổng số điểm là thành phố Yên Bái, các huyện: Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên.
Trong đó, thành phố Yên Bái từ vị trí thứ 4 năm 2019 đã vươn lên vị trí thứ nhất và có 5 địa phương còn lại giảm điểm so với năm 2019; khối sở, ban, ngành có 11 đơn vị tăng tổng điểm và 4 đơn vị giảm tổng số điểm là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Các khu công nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ. 

Qua kết quả điều tra khảo sát, những nhận xét đánh giá của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, cho thấy năng lực điều hành của chính quyền các ban, sở, ngành và địa phương năm 2020 hầu hết đạt mức tốt và khá, không có đơn vị nào đạt mức rất tốt từ 95 điểm trở lên.

Về tổng thể, đây là dấu hiệu tốt, nhưng xét riêng đối với chính quyền các cấp, các ngành của tỉnh thì chưa có sự thay đổi đáng kể và chưa có nhiều chuyển biến trong cải cách hành chính, thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như chất lượng điều hành các cấp từ tỉnh đến cơ sở để giúp tỉnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao kết quả thu hút đầu tư. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng, chỉ số PCI thể hiện năng lực, tính hiệu quả trong cải cách hành chính, cải thiện ở các tỉnh, thành phố thì Chỉ số DDCI sẽ đánh giá toàn diện, cho biết năng lực, hiệu quả, chất lượng điều hành liên quan đến môi trường kinh doanh ở các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố. 

Để nâng cao năng lực chỉ số DDCI, các ban, sở, ngành và địa phương cần chủ động nghiên cứu, phân tích để tìm ra các giải pháp khắc phục những vấn đề còn hạn chế, đề xuất và triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp thiết thực để nâng cao các chỉ số thành phần, cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, DDCI với từng nhiệm vụ cụ thể ở từng ngành, từng việc làm cụ thể và những sáng kiến, tạo đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh và hiệu quả quản trị hành chính công năm 2021. 

Trong đó, tập trung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, quan tâm công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư đối với mọi loại hình doanh nghiệp; nâng cao chất lượng quản lý, chỉ đạo, nắm bắt kịp thời và giải quyết triệt để các kiến nghị, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp nhằm hướng tới nâng cao chất lượng điều hành toàn diện, gia tăng mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp./.

Theo Báo Yên Bái