Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo cho người có công và gia đình người có công

01/08/2019 15:13:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Để đạt được mục tiêu 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với cách mạng vào năm 2020, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, huy động sự tham gia của mọi người dân, với nhiều hình thức, cách làm sáng tạo, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo cho người có công và gia đình người có công.

Đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng càng được đặc biệt quan tâm, xã hội hóa sâu rộng. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng người có công được mở rộng; chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và đồng thuận xã hội. 

Hàng năm, ngân sách Nhà nước đã dành hơn 32 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng, trong đó có có gần 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 138 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; hàng trăm nghìn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học; hàng nghìn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến, Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

Cùng với việc thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, toàn thể xã hội đã thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực.

Vì vậy, trong những năm qua, phong trào đền ơn đáp nghĩa đã được thực hiện sâu rộng với các chương trình: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Các Phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Tính từ năm 2010 trở lại đây, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã tiếp nhận 6.481 tỷ đồng, xây mới 85.145 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 70.431 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 12.683 tỷ đồng; tặng 124.029 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 981 tỷ đồng; cả nước có 6.186 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Tuy là còn nhỏ trong những khó khăn to lớn của những người có công, nhưng những việc tri ân này đã một phần thể hiện lòng biết ơn vô hạn.

Cùng với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực chăm lo của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự cố gắng vươn lên của chính mình, đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được cải thiện. Đến nay, đã có hơn 98,5% số gia đình người có công có mức sống bằng, hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. 

Tuy nhiên, hiện nay cả nước vẫn còn một bộ phận thương binh, bệnh binh và gia đình người có công với cách mạng có cuộc sống còn khó khăn; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; vẫn còn những người, những gia đình người có công vì nhiều lý do khác nhau chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi... 

Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn; phấn đấu đến năm 2020, đạt 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với cách mạng.

Để đạt được mục tiêu đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, huy động sự tham gia của mọi người dân, với nhiều hình thức, cách làm sáng tạo, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo cho người có công và gia đình người có công.

Trong đó, tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc người có công với cách mạng; quan tâm và thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình người có công.

Rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đã người có công với cách mạng; triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời Pháp lệnh Ưu đãi người có công; giải quyết tốt các vấn đề tồn đọng sau chiến tranh; cải cách thủ tục hành chính trong xác nhận người có công qua các thời kỳ kháng chiến; tạo điều kiện thuận lợi để người có công thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách.

Cùng với đó, bố trí tăng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh và các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở... trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, phấn đấu hết năm 2019, các địa phương không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, vận động để công tác này thực sự là một nghĩa vụ, bổn phận của tất cả mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên thế hệ trẻ…

Đồng thời làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng. Tiếp tục giải quyết kịp thời, chu đáo chính sách thương binh, liệt sĩ đối với cán bộ, chiến sĩ bị thương, hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công.

Phát triển sâu rộng, nâng cao chất lượng các phong trào, chương trình đền ơn đáp nghĩa thiết thực, làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng. Chú trọng giáo dục thế hệ trẻ; quan tâm đến chính sách hậu phương quân đội, các chương trình tình nghĩa, phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; đẩy mạnh các chương trình nhà tình nghĩa, nhà đồng đội… tạo sự tham gia sâu rộng của toàn xã hội.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội.

Thường xuyên động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương khen thưởng các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ban Biên tập