Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tập trung giải quyết dứt điểm hồ sơ người có công tồn đọng

24/10/2019 10:55:00 Xem cỡ chữ
Công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của đất nước đạt được nhiều kết quả quan trọng; đặc biệt các cơ quan chức năng có cách làm sáng tạo, thiết thực, tạo phong trào đền ơn đáp nghĩa sâu rộng, xuyên suốt từ trung ương đến các làng bản, thôn xóm.

Đến nay, hồ sơ tồn đọng ở cấp huyện, cấp xã và trong nhân dân đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục xem xét, bao gồm 725 hồ sơ

Những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. "Thông qua các hoạt động kỷ niệm với cách làm sáng tạo, Bộ đã tiếp tục làm dấy lên phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" sâu rộng, xuyên suốt từ Trung ương đến các làng bản, xóm thôn với sự tham gia của toàn xã hội. Đây có thể được coi là thành công lớn nhất của ngành LĐ-TBXH những năm qua; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước" - Bộ trưởng khẳng định.

Theo thống kê, tính từ năm 2010 trở lại đây, phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa" đã tiếp nhận 6.481 tỷ đồng, xây mới 85.145 căn, sửa chữa 70.431 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 12.683 tỷ đồng; tặng 124.029 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 981 tỷ đồng; cả nước có 6.186 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.

Hàng năm, ngân sách Nhà nước đã dành hơn 32.000 tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi cho 9,2 triệu NCC với cách mạng, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi năm 2019 là 1.624.000 (cao hơn mức lương cơ sở). Chủ tịch nước dành gần 1.000 tỷ đồng tặng quà nhân dịp Tết và Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Cùng với sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội từ Trung ương đến các ấp, thôn, bản và sự vươn lên của NCC, đến nay, 99% NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống nơi cư trú; phấn đấu năm 2020, 100% NCC có mức sống cao hơn người dân nơi cư trú, không còn hộ NCC thuộc diện hộ nghèo.

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, sau khi phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát nhà ở người có công cần tu sửa, sửa chữa, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đồng ý bố trí nguồn vốn giải quyết nhà ở người có công bị xuống cấp, dột nát. Tại phiên họp Chính phủ ngày 4/7/2017, Chính phủ đã thống nhất bổ sung 8.140 tỷ đồng hỗ trợ 313.707 hộ (tổng cộng cả 2 đợt là trên 11.000 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 410.000 hộ). Sau hơn 2 năm triển khai, toàn quốc đã hoàn thành việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho gần 300 nghìn hộ gia đình chính sách người có công.

Trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công, Bộ cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phát huy vai trò của cấp ủy, sự tham gia của các đoàn thể trong phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, trục lợi chính sách ưu đãi người có công. Hiện, Bộ đang tập trung nghiên cứu, sửa đổi toàn diện dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, nhằm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước đồng thời tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, đảm bảo công bằng, hợp lý, tạo sự đồng thuận cao của xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân của họ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành vào cuối năm 2019.

Đặc biệt hàng năm vào dịp Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức các hoạt động với nhiều đổi mới, sáng tạo, qua đó đã khẳng định công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí bất khuất chống giặc ngoại xâm; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.

Thực hiện Chỉ thị số 14- CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 607/TB-TTKQH ngày 08/5/2017 và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm tập trung giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định 408/QĐ - LĐTBXH ngày 20/3/2017 về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công - đây là một quyết định then chốt, làm cơ sở pháp lý để từng bước giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công.

Trong gần 3 năm triển khai, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội phối hợp với các cấp, ngành đã rà soát, xem xét và giải quyết trên 6.000 hồ sơ tồn đọng, qua đó đã xác nhận trên 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh, những hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận và giải thích cho từng đối tượng. Đến nay, hồ sơ tồn đọng ở cấp huyện, cấp xã và trong nhân dân đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục xem xét, bao gồm 725 hồ sơ (323 liệt sĩ, 402 thương binh), dự kiến giải quyết xong trong năm 2019.