Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hiệu quả chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái

26/08/2019 10:08:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Những năm qua, ngoài chính sách của trung ương, tỉnh Yên Bái đã ban hành các chính sách của tỉnh để triển khai thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn, qua đó đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, chấm dứt được tình trạng đói kinh niên. Cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội được cải thiện cơ bản, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu về sản xuất, đi lại, khám chữa bệnh và học tập của nhân dân.

Dự án "Ngân hàng bò" trao hy vọng cho người nghèo ở huyện Trạm Tấu.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm (theo tiêu chí mới) 3,5%. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kế hoạch để thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn, cụ thể:

Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND ngày 15/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND ngày 23/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú, hỗ trợ kinh phí phục vụ thuê khoán lao động nấu ăn cho học sinh bán trú ngoài quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết số 15/2017/NQ-HĐND ngày 10/4/2017 của hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 1 Nghị quyết số 20/2015/NQ-HĐND ngày 15/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về việc thông qua đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 46/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tỉnh Yên Bái; Nghị quyết số 03/2018/NĐ-HĐND ngày 10/4/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về quy định một số nội dung và mức chi hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Quyết định số 05/2016/QĐ-UBND ngày 28/01/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 22/2016/QĐ-UBND ngày 04/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quy định một số chính sách phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 27/8/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái phê duyệt Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 403/QĐ-UBND ngày 10/3/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 05/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái điều chỉnh Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020 phê duyệt tại Quyết định số 24/2016/QĐ-UBND ngày 27/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái; Quyết định số 08/2018/QĐ-UBND ngày 28/6/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành quy định về quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng sau đầu tư thuộc chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Ban hành quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm cấp xã...

Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng đã được Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tăng cường. Các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh phụ trách, giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, trong đó giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là Thường trực Ban chỉ đạo; Sở Lao động thương binh và Xã hội chủ trì Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Ban Dân tộc tỉnh có trách nhiệm giúp Ban Chỉ đạo trong việc tổ chức thực hiện dự án thành phần (Chương trình 135) thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Tỉnh cũng chú trọng công tác hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Chương trình đối với các cấp, các ngành, các đơn vị cũng được. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình giảm nghèo, đặc biệt quan tâm việc tuyên truyền, giáo dục về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho người nghèo; tuyên truyền về các chủ trương, chính sách giảm nghèo, tổ chức đối thoại chính sách với chính quyền xã và người dân; chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn rà soát, nắm chắc thực trạng nghèo, đặc biệt là nguyên nhân dẫn đến nghèo và đặc điểm thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ thích hợp.

Các chính sách được triển khai thực hiện kịp thời, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đảm bảo tiến độ, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, tạo được sự tin tưởng đồng thuận cao trong quá trình tổ chức triển khai ở cơ sở. Nhận thức của nhân dân về công tác giảm nghèo đã có sự chuyển biến và nâng cao rõ rệt, nhóm hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp và nhóm hộ ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hoá, biết kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm làm ra để có thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Kết quả, Từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 10,24% (năm 2016 giảm 5,24%, 2017 giảm 5%), bình quân mỗi năm giảm 5,12% (giảm từ 32,21% đầu năm 2016 xuống còn 21,97% vào cuối năm 2017), đạt 146% so với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, giảm gấp 3,4 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước.

Đối với hai huyện 30a (Trạm Tấu và Mù Cang Chải): Tỷ lệ hộ nghèo trong hai năm giảm 15,58% (năm 2016 giảm 8,26%, 2017 giảm 7,32%), bình quân mỗi năm giảm 7,79%, đạt 130% so với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, giảm gấp 1,9 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước.

Đối với các xã nghèo: Tỷ lệ hộ nghèo trong hai năm giảm 15,57% (năm 2016 giảm 7,12%, 2017 giảm 8,45%), bình quân mỗi năm giảm 7,79%, giảm gấp 1,9 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước.

Đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số: Tỷ lệ hộ nghèo trong hai năm giảm 14,74% (năm 2016 giảm 7,40%, 2017 giảm 7,35%), bình quân mỗi năm giảm 7,37%, giảm gấp 1,8 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chính sách giảm nghèo còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; công tác tổ chức triển khai, tuyên truyền, vận động, giáo dục ở cơ sở chưa đạt yêu cầu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn phổ biến; còn có địa phương, cơ sở không muốn thoát nghèo nhất là ở các xã, các huyện miền núi và khu vực khó khăn. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể ở nhiều địa phương chưa được đề cao, chỉ đạo chưa quyết liệt.

Nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém nêu trên, tỉnh Yên Bái đã tăng cường và nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện chương trình giảm nghèo; xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là chương trình trọng tâm, trọng điểm của địa phương, cơ sở cần thực hiện đồng bộ, toàn diện, quyết liệt. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước để thực hiện tốt chương trình giảm nghèo; có giải pháp mạnh khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, nhất là trên địa bàn 02 huyện nghèo và trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành; Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với người nghèo, hộ nghèo. Chỉ đạo các địa phương thực hiện việc phân loại hộ nghèo theo từng nhóm nguyên nhân cụ thể như: Thiếu vốn, thiếu đất, thiếu phương tiện sản xuất, người khuyết tật, người cô đơn... để có giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp. Phát động phong trào các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các ban, ngành chức năng liên quan tích cực tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên trong tổ chức mình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, người thân phấn đấu vươn lên thoát nghèo./.

Ban Biên tập