Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo đặc thù theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ

23/10/2020 10:06:00 Xem cỡ chữ
Những năm qua, ngoài chính sách của Trung ương, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chính sách giảm nghèo đặc thù của địa phương để thực hiện Chương trình, trong đó bao gồm các đối tượng hưởng lợi tại các huyện 30a. Dù nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế, nhưng việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách nói trên đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất lạc hậu để tiếp cận với các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả của nhân dân các dân tộc tại địa bàn 30a.

Nghị quyết 30a góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất lạc hậu để tiếp cận với các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả của nhân dân các dân tộc tại địa bàn 30a

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a, Ủy ban nhân dân tỉnh không thành lập Ban chỉ đạo riêng của tỉnh mà lồng ghép nội dung có liên quan đến Nghị quyết 30a vào các hoạt động chung của Ban chỉ đạo Giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2011- 2015) và Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia (giai đoạn 2016- 2020). Trong Quy chế hoạt động của các Ban chỉ đạo qua các thời kỳ đều quy định rõ chức năng của các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30a.. Trong đó tỉnh phân cấp cho 02 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải là chủ đầu tư các hoạt động của Đề án thực hiện Nghị quyết. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh theo chức năng nhiệm vụ thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát quá trình tổ chức thực hiện; cấp xã trực tiếp thực hiện các Chương trình và hoạt động đầu tư tại địa bàn, có sự giám sát của người dân theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.

Theo đó, Uỷ ban nhân dân 02 huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30a của huyện, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo, đồng thời hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các xã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30a của các xã để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã được phân cấp theo quy định.

Công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách đóng vai trò quan trọng để cả hệ thống chính trị của tỉnh, huyện và xã và nhân dân trên địa bàn huyện 30a có nhận thức đúng, đầy đủ, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết trên địa bàn, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Hàng năm UBND tỉnh, các ngành chuyên môn của tỉnh; UBND huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực giảm nghèo nói chung và Chương trình 30a nói riêng trên địa bàn với nhiều hình thức khác nhau. Nội dung tuyên truyền phổ biến các chế độ chính sách an sinh xã hội đang triển khai thực hiện trên địa bàn huyện đến với từng người dân, từng đối tượng thụ hưởng và đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế; tuyên truyền hướng dẫn về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho người nghèo; tuyên truyền các mô hình giảm nghèo có hiệu quả cao để người dân học tập và làm theo.

Việc triển khai thực hiện thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập đã nhận được sự tin tưởng, tham gia tích cực của người dân, góp phần chuyển đổi nhận thức của người nghèo trong phát triển sản xuất. Nhiều hộ nghèo đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp tạo ra sản phẩm hàng hóa để có thu nhập cao hơn, vươn lên thoát nghèo và đóng góp tích cực vào việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các tiểu dự án về hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cơ bản đã hoàn thành kế hoạch đề ra đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đúng định mức hỗ trợ, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân trên địa bàn 2 huyện.

Đã hỗ trợ 76.482 lượt hộ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất, với tổng diện tích được hỗ trợ là 452.900 lượt ha/năm; 24/24 xã trên địa bàn 2 huyện đã triển khai thực hiện quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; hai huyện đã thực hiện khai hoang 53,4 ha ruộng bậc thang; đã hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ cây, con giống, vật tư  nông nghiệp, công cụ sản xuất; hỗ trợ hộ nghèo làm chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; hỗ trợ vắc xin, thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, huyện Trạm Tấu đã thực hiện hỗ trợ: Chuyển đổi  cây trồng diện tích chuyển đổi là 663 ha; hỗ trợ trâu, bò cái sinh sản, lợn nái sinh sản, lợn đực giống, trồng rau củ quả, nuôi dê, gà đen, lợn đen; hỗ trợ hộ nghèo làm chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ mua giống cỏ; hỗ trợ một lần mua giống, phân bón cho việc chuyển đổi giống cây trồng có giá trị cao;  hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho 250 hộ tham gia; hỗ trợ giống ngô, phân bón, giống lúa.

Huyện Mù Cang Chải đã hỗ trợ giống cây trồng cho 16.420 ha lúa, ngô; hỗ trợ phân bón cho 7.371,4 ha lúa, ngô; 1.720 con gia súc; làm 2.263 chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi 78 ha; hỗ trợ 218 máy cày bừa. Tổ chức 73 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở; xây dựng 02 mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra hai huyện đã hỗ trợ tiêm vecxin phòng chống dịch bệnh và vắc xin tiêm phòng với kinh phí thực hiện 1.918,49 triệu đồng với 158.244 liều (huyện Trạm Tấu 52.509 liều, kinh phí 636,6 triệu đồng; huyện Mù Cang Chải hỗ trợ 105.735 liều, kinh phí hỗ trợ là 1.281,885 triệu đồng).

Hỗ trợ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm giai đoạn 2009 - 2020. Nội dung thực hiện tổ chức hội chợ, tổ chức các gian hàng tham gia hội chợ thương mại, phiên chợ vùng cao và hội chợ Tây Bắc; Hội chợ thương mại đưa hàng Việt về nông thôn tại 2 huyện, tổ chức gian hàng và hỗ trợ các xã, thị trấn về trưng bày, quảng bá sản phẩm, hàng hóa, sản vật, trang phục và nhạc cụ Dân tộc, xây dựng các biển chỉ dẫn quảng bá khu du lịch, tổ chức phiên chợ vùng cao, in tờ rơi các điểm du lịch và Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải.... và hỗ trợ cơ sở rèn đúc cơ khí, cơ sở chế biến chè, HTX mộc dân dụng, gạch không nung, cơ sở chế biến bún, HTX chế biến nông lâm sản tại huyện Trạm Tấu.

Hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã tổ chức các hoạt động tư vấn tuyên truyền tại các xã, thị trấn, hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xuất khẩu lao động và in tờ rời tuyên truyền về các đơn hàng tuyển lao động theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Kết quả trong 12 năm hai huyện đã đưa được 322 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, huyện Trạm Tấu đưa được trên 238 lao động/1573 lao động xuất cảnh sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng đạt 18% so với mục tiêu của Đề án. Huyện Mù Cang Chải đưa được 84 lao động/1540 lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt 5,5 % so với mục tiêu Đề án. Ngoài ra các địa phương đã hỗ trợ tư vấn tuyên truyền tại các xã, thị trấn, hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xuất khẩu lao động 33 lớp với 1.165 học viên và in tờ rời tuyên truyền về các đơn hàng tuyển lao động theo Quyết định 71 trên địa bàn huyện.

Việc triển khai thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động trên địa bàn các huyện nghèo. Trong đó, đã mở được 141 lớp, đào tạo bồi dưỡng cho 6.245 lượt cán bộ cơ sở, bao gồm: Cán bộ công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thủ trưởng, kế toán, trưởng ban thủy nông các xã, thị trấn... mở 351 lớp, đào tạo nghề cho 10.200 lao động. Tỷ lệ lao động được tạo việc làm sau học nghề đạt 90%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn các huyện nghèo 53,5% vào năm 2020 (huyện Trạm Tấu) và 39,5% vào năm 2020 ( huyện Mù Cang Chải).

Thực hiện chính sách tăng cường cán bộ, tri thức trẻ cho các huyện nghèo theo Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg ngày 27/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ: Từ năm 2009 - 2020 tại 2 huyện 30a đã thực hiện luân chuyển và tăng cường 27 cán bộ, tri thức trẻ từ tỉnh, huyện về đảm nhận các cương vị lãnh đạo tại Ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn huyện 30a để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, trong đó có nhiệm vụ về công tác giảm nghèo.

Thực hiện Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 tri thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc các huyện nghèo 30a và Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020:  Đến nay đã có 20 tri thức trẻ được tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân; 10 tri thức trẻ được tăng cường về làm cán bộ tại các xã trên địa bàn 2 huyện 30a.

Cơ bản các tri thức trẻ đều nhiệt huyết, năng động, có năng lực, dám nghĩ, dám làm, sau khi được tăng cường, điều động về địa phương đã tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý và lãnh đạo; góp phần xây dựng phong cách và phương pháp làm việc khoa học, qua đó đóng góp tích cực cho công tác giảm nghèo tại địa phương. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có một số tri thức trẻ, còn ít kinh nghiệm thực tiễn; chuyên ngành được đào tạo chưa phù hợp với vị trí việc làm được giao, nên chất lượng và hiệu quả công việc còn có hạn chế nhất định.

Về chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển: Cơ bản đảm bảo được đầy đủ các chế độ trợ cấp ban đầu đối với cán bộ thuộc diện luân chuyển theo quy định; sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở đã được các địa phương quan tâm, ưu tiên trong việc bố trí vị trí việc làm phù hợp, quy hoạch, bổ nhiệm vào các vị trí cao hơn.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện đã được đầu tư đồng bộ ưu tiên các hạng mục đầu tư mang tính cấp thiết, đã thực hiện đầu tư làm mới và duy tu bảo dưỡng cho 219 công trình, trong đó: Đầu tư 139 công trình khởi công mới; duy tu bảo dưỡng 80 công trình, qua đó đã góp phần củng cố, hoàn thiện hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu: Đường, điện, trường, trạm.. , cơ bản đã đáp ứng tốt việc đi lại, giao thương kinh tế, văn hóa; các công trình thủy lợi đã cơ bản đáp ứng được việc tưới tiêu phục vụ phát triển sản xuất, thâm canh tăng vụ; công tác y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư và phát huy tốt hiệu quả. Các công trình giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm xã đã được đầu tư đầy đủ. Giao thông từ Trung tâm xã đi các thôn bản, giao thông liên thôn bản đã được đầu tư mở đường và cơ bản hoàn thành, nhưng tỷ lệ đường được dải nhựa hoặc đổ bê tông vẫn còn thấp. Các công trình thủy lợi đã được đầu tư đảm bảo chủ động tưới tiêu đáp ứng 100% đất trồng lúa.