Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nghị quyết 30a: Góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống của người nghèo vùng cao

23/10/2020 10:13:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Việc triển khai thực hiện các nội dung chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP đã mang lại những hiệu quả tích cực về kinh tế và xã hội, tạo sự chuyển biến rõ rệt về đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư, đảm bảo an sinh xã hội cải thiện diện mạo khu vực nông thôn trên địa bàn.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp xóa đói, giảm nghèo tại các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và quy định các chính sách có liên quan đến công tác giảm nghèo tại các huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải, trong đó có nội dung chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo từ năm 2008- 2015; từ năm 2016- 2020 thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Yên Bái. Thực hiện quy chế làm việc của Ban chỉ đạo, các cơ quan thành viên đã tích cực phối hợp làm tốt công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng, ban hành một số chính sách về giảm nghèo có liên quan đến 2 huyện 30a trên địa bàn tỉnh; phân bổ các nguồn vốn thuộc Chương trình 30a cho 2 huyện; xây dựng báo cáo đánh giá chương trình.

Thông qua việc triển khai thực hiện các nội dung chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP đã mang lại những hiệu quả tích cực về kinh tế và xã hội, tạo sự chuyển biến rõ rệt về đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Trong đó, với việc triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh  tế - xã hội trên địa bàn 2 huyện được tập trung đầu tư, đặc biệt là hạ tầng thiết yếu như: Giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt… qua đó đã tạo ra điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện tiếp cận thị trường để từ đó phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống. Có thể nói việc đầu tư cơ sở hạ tầng đã có tác động trực tiếp đến phát triển sản xuất, tăng thu nhập của người dân, đồng thời từng bước cải thiện điều kiện và chất lượng y tế giáo dục cho nhân dân. Các công trình hạ tầng sau khi được đưa vào sử dụng cơ bản đã phát huy được hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Theo quy hoạch 100 số xã thuộc hai huyện nghèo đã có đường ô tô đến trung tâm xã trên 85% đi lại được bốn mùa; 100% số trung tâm xã đã có điện, xe máy đã đến được 100% số bản; các công trình thủy lợi cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm; mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, thông tin, truyền thông... được nâng lên

Cùng với đó, thông qua các hoạt động hỗ trợ sản xuất đã hỗ trợ nhiều loại công cụ máy móc, vật tư nông nghiệp, cây, con giống cây trồng, vật nuôi phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của người dân để từ đó nâng cao thu nhập từ hoạt động sản xuất trên địa bàn. Mặt khác thông qua chính sách 30a, người nông dân được được tiếp cận hoặc tham gia trực tiếp vào các mô hình sản xuất có hiệu quả cao, được tiếp thu kinh nghiệm, áp dụng các tiến bộ khoa học trong nông nghiệp; từng bước thay đổi tập quán, nhận thức để chuyển từ mô hình canh tác nông nghiệp lạc hậu, theo hướng tự cấp tự túc sang mô hình canh tác nông nghiệp hiện đại hơn theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước đến nay có nhiều mô hình đã được phát triển thành công và nhân rộng ra nhiều địa bàn trong và ngoài khu vực các huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, điển hình như: Mô hình chuyển đổi từ canh tác lúa nương năng suất thấp sang canh tác ngô bền vững trên đất dốc; mô hình trồng cây Sơn Tra....         

Chính sách hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tuy có kết quả về số lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài còn khiêm tốn nhưng thông qua các hoạt động tư vấn, truyền thông, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác việc làm ở cấp cơ sở...đã góp phần thay đổi tư duy của người dân tại các huyện nghèo, nhất là tư duy của các lao động trẻ là người dân tộc thiểu số tại các địa phương này. Thông qua các hoạt động trên đã giúp cho một bộ phận người dân có được những nhận thức mới về con đường lập nghiệp, về thị trường lao động, về mối quan hệ giữa trình độ tay nghề với thu nhập... Từ đó khuyến khích họ mạnh dạn thay đổi bản thân, tích cực tham gia học văn hóa, ngoại ngữ và học nghề nhằm nâng cao hiểu biết xã hội, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp qua đó góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực tại các địa phương.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nghị quyết 30a đã được các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Các ngành thành viên Ban chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất, hoặc thông qua báo cáo, nhằm phát hiện kịp thời những tồn tại, yếu kém ở cơ sở để có những kiến nghị và chấn chỉnh những sai sót trong quá trình triển khai thực hiện. Các tổ chức đoàn thể, cộng đồng nhân dân trong vùng dự án thực hiện chức năng giám sát thực hiện trên địa bàn. Đối với cơ quan thường trực là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, hàng năm đều tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát về công tác giảm nghèo tại các huyện 30a. Ngoài ra còn có các đoàn kiểm tra, giám sát của Kiểm toán Nhà nước; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Hội đồng nhân dân và các ban trực thuộc HĐND tỉnh, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái... Các ngành chức năng ở huyện cũng tổ chức kiểm tra, giám sát, thanh tra việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình tại địa phương.

Thông qua các hoạt động kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết đã giúp cho các cơ quan chức năng cũng như các địa phương nắm bắt, đánh giá được tình hình triển khai thực hiện Chương trình 30a ở các địa phương; những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị, đề xuất của cơ sở và nhân dân, đồng thời cũng góp phần vào việc tuyên truyền phổ biến các chính sách đến với cơ sở và người dân.