Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hiệu quả triển khai thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh

31/05/2020 19:51:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Thực hiện các văn bản: Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg; Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg; Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg, Ủy ban nhân tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu giúp người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách được tiếp cận và thụ hưởng một cách tốt nhất, đầy đủ nhất các dịch vụ trợ giúp pháp lý. Đến nay, đông đảo người dân tại địa phương đã biết đến hoạt động trợ giúp pháp lý và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

Tập huấn Kiến thức pháp luật và Kỹ năng trợ giúp pháp lý tại huyện Mù Cang Chải

Tỉnh Yên Bái có 02 huyện nghèo là Trạm Tấu và Mù Cang Chải với gần 90% là đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Mông) sinh sống. Thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020 (Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg), Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý) chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân 02 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải thực hiện các nhiệm vụ trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

 Từ 2011 - 2015, Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, phòng Tư pháp và Ủy ban nhân dân 24 xã thuộc 02 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải tổ chức thực hiện 91 đợt trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn pháp luật với 1.859 vụ việc cho 1.859 người.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh đã tổ chức hướng dẫn sinh hoạt, kiểm tra hoạt động trợ giúp pháp lý tại 24 Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý thuộc 24 xã của 02 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải với nội dung hướng dẫn thực hiện pháp luật trợ giúp pháp lý tại cơ sở, giải quyết các tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư liên quan đến pháp luật thuộc lĩnh vực đất đai, dân sự, hôn nhân và gia đình... Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý đã tổ chức 384 đợt sinh hoạt, thực hiện tư vấn pháp luật 936 vụ việc cho người dân có yêu cầu.

Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải tổ chức thành công 05 lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 973 người tham dự là các hoà giải viên cơ sở, thành viên của các Tổ hoà giải trên địa bàn 02 huyện với các chuyên đề thuộc các lĩnh vực pháp luật: hình sự, dân sự, trợ giúp pháp lý, đất đai, và các kỹ năng nghiệp vụ hoà giải. Tổ chức 252 đợt sinh hoạt cho các Tổ hoà giải trên địa 02 huyện, đã tiếp nhận và giải quyết 1.424 vụ việc, với tỷ lệ hoà giải thành đạt 96,13% (hoà giải thành 1.369 vụ việc).

Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải tổ chức 09 lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ cộng tác viên, thành viên, hội viên Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý của các xã trên địa bàn 02 huyện với các chuyên đề pháp luật có liên quan mật thiết đến đời sống pháp lý của nhân dân tại địa phương như: Pháp luật hình sự, Luật hôn nhân và gia đình, Luật hòa giải ở cơ sở, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống mua bán, người và các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính.

Thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013-2020, từ năm 2013 - 2016, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Yên Bái đã tổ chức 170 đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái, thực hiện tư vấn pháp luật tại chỗ 3.828 vụ việc cho người dân. Năm 2013, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã cung cấp 259 bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, các bảng thông tin được lắp đặt tại Ủy ban nhân dân các xã nghèo và nhà văn hóa các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cho các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình, từ năm 2016 đến tháng 4/2020, Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã tiếp nhận, giải quyết 610 vụ việc tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 797 người được trợ giúp pháp lý. Trong đó, vụ việc phức tạp, điển hình theo tiêu chí của Bộ Tư pháp là 505 vụ việc; đã thực hiện chi trả thù lao, bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý đối với 400 vụ việc bằng nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ.

Đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý có 07 Trợ giúp viên pháp lý, có 05 viên chức đã thực hiện tập sự trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và đang chờ kỳ thi sát hạch trợ giúp pháp lý.

Nhằm tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã tổ chức 07 lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho các đối tượng có tham gia các hoạt động liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý tại các huyện: Lục Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên và Văn Chấn. Từ năm 2016 đến hết năm 2019, Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã thực hiện 226 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý đến các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái, với tổng số 16.700 người tham dự.

Có thể khẳng định rằng, với việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo, hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong những năm qua đã được triển khai thực hiện một cách khá toàn diện và hiệu quả. Qua đó, quyền và lợi ích hợp pháp người có công với cách mạng, người nghèo, trẻ em, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác đã được bảo vệ; hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên, góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Ban Biên tập