Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hướng đi hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững

27/07/2020 20:34:00 Xem cỡ chữ
Những năm gần đây liên kết sản xuất theo mô hình tổ hợp tác đã giúp gia tăng giá trị nông sản, làm lực đẩy đưa đời sống người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) không ngừng được nâng lên. Đây cũng chính là hướng đi hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững.

Đầu tư phát triển du lịch cộng đồng giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo

Sau thời gian tập trung mọi nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, thị xã Nghĩa Lộ đã giảm từ 1.925 hộ nghèo (năm 2015) xuống còn 396 hộ (cuối năm 2019), tương đương mỗi năm giảm trung bình 4,02%.

Tích cực giảm nghèo bền vững

Để đạt được kết quả như vậy, thị xã tăng cường khảo sát thực tế, nắm bắt nhu cầu nguyện vọng của người dân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai chính sách giảm nghèo đến các thôn bản, tạo điều kiện để người dân chủ động vươn lên thoát nghèo.

Nghĩa Lộ tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phấn đấu rút ngắn khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa nông dân các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn với vùng đồng bằng.

Các cấp chính quyền tập trung nâng cao mức sống của người dân thông qua phát huy thế mạnh địa phương như trồng chè, trồng lúa hàng hóa, trồng cỏ ngọt xuất khẩu, trồng cây ăn quả, phát triển du lịch… Đặc biệt là hình thành các tổ hợp tác (THT), HTX liên kết người dân sản xuất theo hướng tập trung.

Đến nay, không ít mô hình dẫn dắt người dân hoạt động hiệu quả như: HTX đan lát mây tre song đan Nghĩa Lợi, HTX nông nghiệp An Nghĩa, HTX du lịch Mường Lò…

Các xã đã tận dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước thông qua chương trình 135 nhằm giúp người dân, THT, HTX phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững.

Nắm được  lợi thế về du lịch cộng đồng, thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng đề án  phát triển du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính riêng năm 2019, thị xã đã đón 90.000 lượt khách du lịch, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho không ít hộ dân. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để thị xã thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%.

Điểm sáng Phù Nham

Nhận thấy việc giúp người dân đi lên từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa cần có quá trình và thời gian thích ứng, chính quyền xã Phù Nham đã khuyến khích thành lập các THT cùng nhau phát triển kinh tế. Đây vừa là nơi trao đổi kinh nghiệm, vừa xúc tiến tìm kiếm cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị.

Một trong những cây trồng chủ lực được người dân xã Phù Nham lựa chọn là chanh leo. Ông Quách Văn Nguyện, thành viên THT chanh leo xã Phù Nham, cho biết thực hiện liên kết sản xuất, một số hộ có diện tích liền kề trong xã đã đứng ra thành lập THT. Hiện, THT có 48 hộ dân sản xuất tập trung trên diện tích 10 ha.

Nhờ hỗ trợ nhau sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, diện tích chanh leo của THT phát triển khá tốt. Cây chanh leo cho thu hoạch một năm 4 lứa với năng suất bình quân 300 kg/ha/lứa.

Với 10 ha, vào năm thứ nhất, THT thu hái được trên 10 tấn/ha, tăng lên 20 - 30 tấn vào năm thứ 2 và thứ 3. Đầu ra sản phẩm được Công ty Nafood Tây Bắc đảm bảo bao tiêu.

Hiệu quả kinh tế từ cây chanh leo cao gấp 2 - 3 lần so với cây lúa giúp các thành viên ổn định được cuộc sống và thoát nghèo. Hiện, trong THT đã có 3 thành viên thoát nghèo nhờ trồng chanh leo.

Chị Lò Thị Diêu ở thôn Chanh (xã Phù Nham) cũng lựa chọn trồng chanh leo để phát triển kinh tế với 1.000m2 đất của gia đình trước kia chỉ trồng rau màu. Từ khi có phương án trồng chanh leo tại xã, chị đăng ký tham gia ngay, bởi trồng rau có thu nhập thường xuyên nhưng không cao và chị vẫn luôn mong muốn được thử nghiệm những giống cây mới với hy vọng làm giàu. Được hỗ trợ tận tình về kỹ thuật và chi phí làm giàn, phân bón, chị Diêu chỉ phải bỏ vốn ban đầu khoảng 5 triệu đồng.

Từ 1.000m2 đất trồng chanh leo cho sản lượng trung bình 8 tạ, chị Diêu cùng 52 hộ dân ở xã liên kết thành lập THT chanh leo Đài Nông 1, sản xuất 10 ha. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, năng suất đạt 5 tấn/ha.

Việc các THT đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả đã đưa chanh leo trở thành cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nhân dân xã Phù Nham.

Không chỉ chanh leo, xã Phù Nham còn trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, các loại rau màu… Điều thuận lợi là địa phương đã thành lập được các THT sản xuất. Theo UBND xã, Phù Nham có 19 THT trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 5 THT chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang các cây trồng giá trị cao gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm đang là hướng đi bền vững cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nhiều THT ở xã Phù Nham đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người nông dân, góp phần cùng thị xã Nghĩa Lộ thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

 

Ban Biên tập