Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Trạm Tấu: Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng cao gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

25/09/2020 14:46:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Trạm Tấu là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái và là một trong những huyện nghèo của cả nước với trên 94% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trình độ dân trí không đồng đều, sinh sống không tập trung, người dân thiếu đất sản xuất, số hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới trên 80%. Bên cạnh đó địa hình bị chia cắt mạnh, giao thông đi lại khó khăn, huyện thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai. Đây là những khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và công tác giảm nghèo của huyện.

Huyện lấy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp là khâu then chốt trong phát triển kinh tế

Trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Trạm Tấu đã bám sát vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy các tiềm năng lợi thế, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư; đưa ra các giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Đảng bộ huyện đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các cơ chế, chính sách, các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh để đầu tư, phát triển. Lấy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp là khâu then chốt trong phát triển kinh tế, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy những cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản của huyện, khai hoang ruộng bậc thang, tuyên truyền các hộ san sẻ đất để sản xuất.

Trong phát triển văn hóa - xã hội, Đảng bộ huyện tập trung huy động cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ những phong tục tập quán không còn phù hợp với đời sống văn hóa mới; tập trung tuyên truyền khơi dậy tính tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo; thực hiện hiệu quả Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp, Đề án đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Đồng thời phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên là người đồng bào dân tộc, của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Với những giải pháp hiệu quả trên, đến nay kinh tế - xã hội của huyện đạt được những kết quả quan trọng: Kinh tế tiếp tục duy trì phát triển ổn định, nhất là trong sản xuất nông, lâm nghiệp, các hộ dân thiếu đất đã được các hộ khác sản sẻ để có đất sản xuất, canh tác, giúp ổn định cuộc sống, không di dịch cư tự do; đã khai hoang trên 100 ha ruộng bậc thang và có những sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP được người dân trong và ngoài tỉnh đánh giá cao; kết cấu hạ tầng được đầu tư, 100% các xã, 50% các thôn có đường giao thông cứng hóa, trên 80% hộ dân được sử dụng điện. Văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, trình độ dân trí của người dân được nâng lên; đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người của người dân đã tăng rõ rệt, đạt trên 19 triệu đồng, gấp gần 2 lần so với đầu nhiệm kỳ; tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm đạt 7,8% vượt 1,8% so với Nghị quyết đề ra, đặc biệt đã có trên 200 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Bộ mặt nông thôn vùng cao huyện Trạm Tấu không ngừng khởi sắc, nhiều hộ đã có ô tô, xe máy, cuộc sống của đồng bào được nâng lên rõ rệt; nhất là đến nay xã Hát Lừu đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, đây là một trong những xã đầu tiên của các huyện đặc biệt khó khăn đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Để thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội vùng cao gắn thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới huyện xác định sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng cao; trên cơ sở những tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với từng vùng, từng địa phương.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi, để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thu hút, quảng bá những tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ du lịch; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy tiềm năng lợi thế về cây trồng, vật nuôi đặc sản, chủ lực của mỗi địa phương vùng cao gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm như cây Sơn tra, chè Shan tuyết, cây dược liệu, lợn đen bản địa...

Đầu tư đồng bộ cho ngành giáo dục - đào tạo, nhằm nâng cao trình độ dân trí; chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; duy trì, phát triển các nghề truyền thống về những mặt hàng mà thị trường đang có nhu cầu như: Dệt thổ cẩm, đúc rèn… để thu hút, tạo việc làm cho lao động tại chỗ.

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội chung tay thực hiện công tác giảm nghèo; xóa bỏ những phong tục tập quán không còn phù hợp với nếp sống văn hóa mới nhất là trong hôn nhân, gia đình và ma chay; khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, tự giác vươn lên thoát nghèo của người dân. Tạo điều kiện tốt nhất để người dân tiếp cận được các nguồn vốn, các mô hình phát triển kinh tế để học tập và đầu tư phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ cơ sở; xây dựng hệ thống chính trị các xã vùng cao vững mạnh để triển khai hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

Ban Biên tập