Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Đột phá trong công tác giảm nghèo

10/11/2020 14:04:00 Xem cỡ chữ
5 năm qua, nhờ thực hiện quyết liệt các chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác giảm nghèo, Yên Bái đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 32% xuống còn hơn 7% (giảm 25,17%).

Từ hộ nghèo năm 2015, ông Miền đã vươn lên làm giàu từ chăn nuôi.

Giảm nghèo luôn là mục tiêu, nhiệm vụ và cũng là yêu cầu trong mỗi giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, chưa khi nào vấn đề giảm nghèo bền vững lại được tỉnh Yên Bái triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đạt nhiều kết quả trong thời gian qua. "Không ai bị bỏ lại phía sau” - tinh thần đó đã và đang được cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương tại Yên Bái phát huy cao độ. 

Để giảm nghèo hiệu quả, Yên Bái đã ban hành một số chính sách đặc thù nhằm đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, ban hành một số chính sách trợ giúp xã hội đặc thù với mức hỗ trợ cao hơn quy định chung của Chính phủ. 

5 năm qua, Yên Bái đã huy động, ghép các nguồn vốn để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững với hơn 15.433 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hơn 7.472 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 2.754 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng ưu đãi hơn 3.354 tỷ đồng; nguồn vốn huy động các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể, cộng đồng và nhân dân hơn 412 tỷ đồng; từ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác 1.440 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2019, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã giúp đỡ các hộ nghèo với kinh phí thực hiện 10 tỷ 413 triệu đồng, giúp 3.403 hộ thoát nghèo...

Đầu tư kinh phí gần 1.300 tỷ đồng xây mới và duy tu, bảo dưỡng hơn 700 công trình cho các huyện, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Triển khai thực hiện 635 dự án phát triển sản xuất và 15 mô hình giảm nghèo cho 18.244 hộ tham gia, với 90.545 người được hỗ trợ; hỗ trợ 268.616 giống vật nuôi cho 11.710 hộ; hỗ trợ 6.656ha giống cây lương thực cho 22.232 hộ; hỗ trợ 2.734 máy móc cho 2.795 hộ...

Hỗ trợ 171 dự án phát triển sản xuất với trên 1.025 mô hình, gồm: 525 mô hình chăn nuôi dê sinh sản, lợn sinh sản; hỗ trợ giống cây con, phân bón để phát triển sản xuất và 500 mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản, chế biến nông sản với 1.641 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia.

Hỗ trợ hơn 2 nghìn tỷ đồng mua 2.186.395 bảo hiểm y tế cho người nghèo; hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo cải tạo, xây mới 30.000 nhà tiêu đạt chuẩn; miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi, chính sách đối với học sinh bán trú và trường bán trú với kinh phí hơn 1.393 tỷ đồng, bên cạnh đó, hỗ trợ 18.390 tấn gạo cho 138.582 lượt học sinh. Có 5.581 hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ nhà ở với tổng kinh phí hơn 223 tỷ đồng.

Cho 92.507 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vay vốn giảm nghèo hơn 3.608 tỷ đồng, để chăm sóc, cải tạo, trồng mới 49.302ha rừng, 1.956ha chè, 1.071ha cây ăn quả; mua 48.560 con trâu, bò; 41.250 con lợn, dê, cừu; hàng trăm nghìn con giống gia súc, gia cầm khác; mở rộng hàng chục nghìn mét vuông nhà xưởng sản xuất, đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ; làm mới và cải tạo 24.881 công trình nước sạch, 24.881 công trình vệ sinh cho hộ dân ở khu vực nông thôn...

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã bố trí khoảng 343 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Kết quả đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tập trung, như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao gần 3.000ha, vùng ngô 15.000ha, vùng trồng dâu nuôi tằm tập trung trên 1.000ha, vùng cây ăn quả gần 9.000ha, vùng chè 8.000ha, măng tre Bát độ trên 6.600ha, quế gần 76.000ha, sơn tra trên 6.000ha, đàn trâu bò gần 130.000 con, diện tích nuôi thủy sản trên 2.600ha và gần 2.000 lồng cá, qua đó góp phần mở rộng sinh kế, tạo thu nhập bền vững cho người nghèo trong tỉnh.

Với việc thực hiện hiệu quả lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm, tỉnh Yên Bái đã có 94.500 lao động được hỗ trợ giải quyết việc làm. Tính đến hết năm 2020, tổng nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm là 125 tỷ đồng.

Từ sự quan tâm chỉ đạo và nguồn lực đầu tư lớn, công tác giảm nghèo đã thu được những kết quả ngoài mong đợi. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 32,21% cuối năm 2015 giảm còn 7,04% cuối năm 2020 (giảm 25,17%), bình quân mỗi năm giảm 5,03%, (đạt 125% so với mục tiêu đề ra đầu nhiệm kỳ).

Đối với 2 huyện 30a là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tỷ lệ giảm bình quân  8,32%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm. Qua đó, đã góp phần thu hẹp khoảng cách về tình trạng nghèo giữa các khu vực, các dân tộc trong toàn tỉnh.

Tấm gương sáng về thoát nghèo bền vững

Gia đình ông Nguyễn Văn Miền, thôn Hà Khem (xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ) thuộc diện hộ nghèo nhiều năm. Năm 2015, nhờ tiếp cận được nguồn vốn giảm nghèo, cộng với sự chăm chỉ, chịu khó, đến nay, hộ ông Miền không những thoát được nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Ông Miền kể, năm 2015, gia đình ông vay được 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, ông dùng số tiền này mua 2 con trâu về nuôi, với hy vọng sẽ thoát được nghèo. Sau 1 năm, trâu sinh trưởng tốt và đẻ lứa nghé đầu tiên, ông để lại nuôi và tiếp tục gây giống những năm tiếp. Đến nay, gia đình ông đã có 30 con trâu, bò với giá trị hơn 300 triệu đồng. Ông Miền nhẩm tính, nếu thị trường ổn định, không dịch bệnh, thì mỗi con trâu, bò chăm sóc tốt có thể cho thu nhập gần 1 triệu đồng/tháng.

Ông Đỗ Ngọc Sơn, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, những năm qua, Yên Bái có nhiều mô hình giảm nghèo điển hình được tuyên dương, hộ ông Nguyễn Văn Miền ở xã Thạch Lương là một điển hình như thế. Với đầu óc nhạy bén trong làm ăn, chỉ từ 2 con trâu ban đầu, gia đình ông Miền đã phát triển thành đàn trâu, bò lên đến vài chục con, không chỉ dùng trâu mẹ để phát triển đàn, ông còn mua thêm trâu, bò nhỏ về nuôi, vỗ béo rồi bán ra thị trường. Đến nay, gia đình ông đã thoát được nghèo và đang trong quá trình vươn lên làm giàu. Mô hình chăn nuôi của hộ ông Miền được lãnh đạo các sở và địa phương rất quan tâm, có thể lấy làm điển hình để nhân rộng trong tỉnh.

Với những thành tựu đó, UBND tỉnh Yên Bái vừa có báo cáo thành tích và đề nghị Chủ tịch nước xét, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Yên Bái vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong việc thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” và Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững 2016-2020.