Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Mù Cang Chải: Nguồn lực tập trung, giảm nghèo hiệu quả

22/02/2021 14:13:00 Xem cỡ chữ
Xác định rõ tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nên công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện Chương trình này giai đoạn 2016-2020 đã được huyện Mù Cang Chải rất quan tâm, chú trọng.

Ban Chỉ đạo cấp huyện đã kịp thời kiện toàn ban chỉ đạo các chương trình giảm nghèo trên địa bàn; phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong tổ chức thực hiện; quy định cụ thể các chỉ tiêu theo dõi, giám sát thực hiện chương trình giảm nghèo đối với cấp huyện; chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn được triển khai kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả. 

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm trong cán bộ và nhân dân về Chương trình được tăng cường. Công tác cán bộ được chú trọng, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo ở cấp xã. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá được thực hiện đúng quy định… 

Cùng với đó, nguồn lực bố trí để thực hiện chính sách giảm nghèo trên địa bàn huyện đầy đủ và kịp thời so với nhu cầu thực hiện và huy động các nguồn lực khác lồng ghép để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đảm bảo đúng, đủ theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ, ngành, sở có liên quan theo từng nội dung của chương trình. 

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 gồm tổng thể 5 dự án, gồm: Chương trình 30a, Chương trình 135, Dự án truyền thông và giảm nghèo về truyền thông; Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình cùng một số chính sách giảm nghèo khác. 

Trong đó, Chương trình 30a đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện; hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ xúc tiến thương mại; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ. 

Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã đặc biệt khó khăn, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, các thôn bản đặc biệt khó khăn. 

Các chính sách khác cũng đã hỗ trợ giảm nghèo trên nhiều phương diện, từ nhóm chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đến nhóm chính sách hỗ trợ hộ nghèo về dân sinh và tiếp cận các dịch vụ xã hội (y tế, nhà ở, tiền điện, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giáo dục - đào tạo). 

Các dự án, tiểu dự án, hoạt động của Chương trình đảm bảo đúng tiến độ như kế hoạch theo giai đoạn. 

Tuy nhiên, các công trình được giao kế hoạch vốn đầu tư muộn, nhu cầu đầu tư lớn, nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu đầu tư còn hạn hẹp, trong điều kiện khả năng bố trí vốn cho các dự án còn thấp so với tổng số vốn đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ thực hiện các dự án. 

Mặt khác, do điều kiện thời tiết và địa bàn rộng, địa hình phức tạp, núi cao; đường giao thông đi lại khó khăn nhất là mùa mưa; thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp nên tiến độ thi công một số công trình còn chậm. Mặc dù vậy, tổng kinh phí thực hiện Chương trình vẫn đạt 98,36% kế hoạch.

Qua thực hiện Chương trình, tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm trên 8,6%/năm - vượt so với mục tiêu kế hoạch huyện và vượt so với mục tiêu tại Quyết định số 1722/QĐ/TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (huyện nghèo 4%/năm); đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 66,79% năm 2016 xuống còn 8,54% năm 2020. Nhiều chỉ tiêu, mục tiêu khác đều đạt và vượt kế hoạch chương trình. 

Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải; 76,9% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 96% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 94% công trình thủy lợi nhỏ đầu tư đáp ứng 75-80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng.

95% số hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước; kinh nghiệm sản xuất; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các hình thức báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông khác đạt 95% vượt so với mục tiêu; tỷ lệ cán bộ cấp xã làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền cổ động đạt 100% so với mục tiêu...

Các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nhất là đối với các chính sách liên quan trực tiếp đến đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, nhà ở… tạo điều kiện và là động lực để hộ nghèo cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo. 

Các dự án, chính sách giảm nghèo được triển khai, thực hiện trên tất cả các lĩnh vực cũng đã tạo điều kiện cho người dân cải thiện điều kiện sống và người dân được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các hoạt động y tế dự phòng, chương trình tiêm chủng cho trẻ em, hỗ trợ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và trẻ em dưới 5 tuổi... 

Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc-xin năm 2020 đạt 98%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế năm 2020 đạt 76,9% và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2020 đạt 99,1%. 

Đến hết năm 2020 tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 75%; tỷ lệ làng bản đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 71,4%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa đạt 85,2%; tỷ lệ hộ dân dùng điện lưới quốc gia đạt 82%... 

Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện được chú trọng tập trung đầu tư, đặc biệt là hạ tầng thiết yếu như: giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi, nước sinh hoạt… về cơ bản đã phát huy được hiệu quả sử dụng, tạo điều kiện cho nhân dân trong việc đi lại, giao lưu buôn bán, trao đổi, sản xuất hàng hóa và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại.

Gắn chương trình phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, phát triển nông thôn với đô thị, nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường. 

Với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, từ sự đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, cán bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện, các nguồn vốn được quản lý và sử dụng có hiệu quả, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao trong việc triển khai thực hiện Chương trình, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn. 

Theo Báo Yên Bái