Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Cây quế và ý chí thoát nghèo ở Đại Sơn

06/12/2021 18:38:00 Xem cỡ chữ
Đến đất Đại Sơn (Văn Yên) bây giờ là gặp điệp trùng những đồi quế. Với quế, người Đại Sơn không chỉ kể chuyện làm giàu mà hơn cả còn là câu chuyện về ý chí vượt khó vươn lên.

Xã Đại Sơn hiện có 2.500 ha quế. Trong ảnh: Người Dao Văn Yên khai thác quế.

Gần 75% người Đại Sơn là dân tộc Dao. Trước đây, người Dao Đại Sơn kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào lúa cùng việc chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp. Khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, người dân mạnh dạn nhận đất đồi rừng để canh tác. Lúc đầu chưa có vốn, người dân Đại Sơn chỉ trồng các loại cây ngắn ngày như lúa, sắn… 

Xác định gắn bó với đất rừng nhưng nếu chỉ quẩn quanh với những loại cây ngắn ngày như thế thì khó mà khá lên từ rừng. Bởi vậy, người Dao ở Đại Sơn vẫn luôn tìm kiếm thứ cây trồng để có thể gắn bó, canh tác dài lâu trên đất đồi rừng. Cây quế vì thế đã bén duyên trên đất Đại Sơn từ độ năm 1995 khi nhiều người nhận thấy đây là cây trồng có giá trị kinh tế hơn hẳn. Nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích đất đồi sang trồng quế. Năm đầu, người dân kết hợp trồng xen canh lúa và sắn để lấy ngắn nuôi dài.

Không quản ngày đêm, sớm tối, người dân trong xã đánh hốc, trồng cây, tự lấy hạt quế về gieo ươm để trồng. Chỗ nào có giống thì trồng trước, chỗ nào chưa có giống thì tiếp tục trồng ngô, sắn, lúa lấy lương thực phát triển chăn nuôi. Cứ thế, theo thời gian, những đồi quế dần hình thành, cho đến khi khép tán thì cuộc sống gia đình người trồng quế cũng dần ổn định. 

Chị Quách Thị Hương - thôn Đoàn Kết, xã Đại Sơn bảo rằng: "Có lẽ điều cốt lõi nhất khi theo đuổi trồng quế là không được nôn nóng, chịu khó vất vả trong những năm đầu, cần cù trong suốt quá trình chăm cây. Xác định đầu tư đồi rừng thì ít nhất cũng phải 5 năm mới cho mang về hiệu quả kinh tế. Bởi vậy, trong những năm đầu, vừa kiên trì, bền bỉ vừa phải biết tính toán để có thu nhập trong khi chờ rừng quế cho hiệu quả kinh tế. Thời gian đó nhiều khó khăn, cũng là sự thử thách ý chí và lòng kiên trì của người trồng rừng”. 

Ý chí vượt khó, kiên trì của người Đại Sơn được đền đáp. Cây quế khẳng định được vị thế "cây vua" của mình. Vất vả hai năm đầu chăm cây, sau đó cây tự sinh trưởng. Từ năm thứ 5 trở đi, cây đã cho tỉa thưa, lấy cành, lá bán cho thu nhập. Lá quế có giá 1.500 đồng/kg, cành nhỏ khô 5.000 đồng/kg (ép tinh dầu và nghiền làm bột gia vị, hương vị), gỗ quế sau khi bóc bán được từ 1,2 triệu đến 1,8 triệu đồng/khối, cây quế càng để lâu càng có giá trị, không bị tư thương ép giá. Diện tích thu hoạch xong thì đến mùa xuân lại trồng mới. 

Kiên trì bền bỉ, dần dần, 100% hộ dân trên địa bàn xã Đại Sơn đều trồng quế, có hộ có đến 20-30 ha quế. Với 2.500 ha, cây quế ở Đại Sơn đang mở ra hướng du lịch khám phá rừng quế gắn với ẩm thực, lễ cúng rừng của đồng bào Dao đỏ. Từ quế, cả xã có tới 70% hộ gia đình có nhà xây kiên cố, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, nhiều hộ đã mua được ô tô làm phương tiện kinh doanh, đi lại. Nhiều con em của đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện đi học trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. 

Cũng nhờ có quế, tỷ lệ hộ nghèo của Đại Sơn giảm từ hơn 42% năm 2016 xuống còn hơn 6% năm 2021. Người dân Đại Sơn giờ đây một lòng chung thủy với cây quế và còn quyết tâm mở rộng diện tích trồng quế hữu cơ để gia tăng thêm giá trị thương hiệu cây quế của Văn Yên. 

 

Theo Báo Yên Bái