Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Quyết tâm giảm nghèo ở xã khó Hồng Ca

31/01/2022 08:46:00 Xem cỡ chữ
Xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên từ một địa phương đặc biệt khó khăn trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trong quá trình đó, giảm nghèo là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức nhưng đã được Đảng bộ xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bằng quyết tâm chính trị cao.

Xã Hồng Ca đã quy hoạch vùng trồng cây ăn quả có múi 109 ha.

Giai đoạn 2016 - 2020, Hồng Ca không chỉ là xã đặc biệt khó khăn mà còn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất ở huyện với 45,34% hộ nghèo năm 2016. Bí thư Đảng ủy xã - Phạm Xuân Toàn cho hay: "Khá nhiều yếu tố dẫn đến cái nghèo của Hồng Ca như: xã có tới 88% đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp; giao thông nhiều khó khăn; ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân chưa cao và là xã thuần nông nhưng thời điểm đó, xã cũng chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế, chưa quy hoạch được các cây trồng chủ lực để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp…”. 

"Thực hiện xây dựng NTM, Đảng bộ, HĐND, UBND xã Hồng Ca xác định, công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện” - Bí thư Đảng ủy xã Phạm Xuân Toàn chia sẻ thêm. Với tinh thần đó, quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách hỗ trợ về công tác giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, trọng tâm là Quyết định số 1722 ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ huyện Trấn Yên, xã Hồng Ca đã đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn và lợi thế địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự; từ đó, có điều kiện tập trung các nguồn lực, huy động nhân dân cùng nỗ lực thực hiện giảm nghèo gắn với xây dựng NTM.

Cùng đó, Đảng ủy xã sớm ban hành kế hoạch chi tiết cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, chia ra từng giai đoạn cụ thể. 

Giai đoạn đầu tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xác định rõ các cây trồng chủ lực phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu để đưa vào sản xuất; đẩy mạnh chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 

Giai đoạn sau là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như điện, đường, trường, trạm; thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân theo chuỗi giá trị; sau đó, xây dựng thành đề án báo cáo cấp trên để có các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, tăng cường tổ chức quán triệt tới toàn thể cán bộ, đảng viên và tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức để người dân biết và tích cực thực hiện.

Với chủ trương và kế hoạch bài bản, giai đoạn 2016 - 2020, sản xuất nông nghiệp của xã đạt những kết quả khả quan. Theo đó, xã xây dựng được vùng trồng quế đạt trên 2.000 ha, vùng tre măng Bát độ 1.128 ha kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng 15 ha, vùng trồng cây ăn quả có múi 109 ha. Trong chăn nuôi, hình thành các mô hình như nuôi vịt thả suối, gà đen đặc sản người Mông. 

Tổng đàn gia súc, gia cầm từ 5.000 con tăng lên 47.000 con. 334 hộ được hỗ trợ sản xuất, khai hoang 9 ha diện tích lúa nước. Hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo với dư nợ từ 12 tỷ đồng năm 2016 lên 40 tỷ đồng. 

Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm được thúc đẩy với 2 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã, 30 tổ hợp tác được thành lập. Xã đầu tư kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn với 46 km đường mở mới vào khu sản xuất, 17 km đầu tư nâng cấp…

Hàng năm, xã đều kiện toàn Ban Chỉ đạo Giảm nghèo xã, tổ chức điều tra và xác định cụ thể nguyên nhân nghèo đối với từng hộ để có kế hoạch phân công rõ người, rõ việc, giao cho các tổ chức chính trị - xã hội mỗi năm giúp đỡ từ 3 - 5 hộ. 

Cùng đó, lồng gắn với các chương trình hỗ trợ khác, huy động các nguồn lực hỗ trợ đầu tư của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để giúp đỡ các hộ vươn lên thoát nghèo. Được tuyên truyền, vận động và hỗ trợ, các hộ nghèo đã nâng cao nhận thức và quyết tâm vươn lên thoát nghèo, giảm nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ hơn 45% năm 2016 còn 4,09% năm 2020; thu nhập bình quân đầu người mỗi năm từ 16 triệu đồng năm 2016 lên 40 triệu đồng năm 2020. Những kết quả đó góp phần quan trọng để Hồng Ca đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2019.

Theo Báo Yên Bái