Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Trạm Tấu: Bước tiến vượt bậc trong công tác giảm nghèo

04/04/2022 07:33:00 Xem cỡ chữ

Cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thông.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 và công tác giảm nghèo năm 2021, hàng năm, huyện Trạm Tấu đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Giảm nghèo do đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách công tác văn hóa – xã hội làm Trưởng ban, thành viên là thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện có liên quan và chủ tịch UBND các xã, thị trấn. 

Từ đó, chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập ban chỉ đạo giảm nghèo cấp xã, ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên trong việc tổ chức thực hiện; quy định cụ thể các chỉ tiêu theo dõi, giám sát thực hiện chương trình giảm nghèo đối với cấp huyện; chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn được triển khai kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả.

Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện và xã đã kịp thời tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành thực hiện các chính sách trên địa bàn. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng ngành tổ chức thực hiện các chính sách do ngành quản lý, đồng thời phối hợp tốt với các ngành liên quan đảm bảo chính sách cho người dân thụ hưởng. 

Giai đoạn 2016-2020, Trạm Tấu đã huy động 371.694 triệu đồng thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Con số này năm 2021 là 5.952 triệu đồng. Trong đó, nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách Trung ương hỗ trợ 286.058 triệu đồng; nguồn kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo và lồng ghép từ các dự án, đề án, chương trình để thực hiện mục tiêu giảm nghèo cả giai đoạn là 85.636 triệu đồng; năm 2021 là 5.952 triệu đồng (ngân sách địa phương 5.952 triệu đồng). 

Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 tỉnh Yên Bái sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) với tổng kinh phí 15.687 triệu đồng. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình 30a giai đoạn này là 204.150 triệu đồng; Chương trình 135 là 80.947 triệu đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020 trên 25.216 triệu đồng... 

Nguồn kinh phí của các chương trình được đầu tư thông qua các dự án và tiểu dự án hỗ trợ ở nhiều lĩnh vực: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo (hỗ trợ giống lúa, hỗ trợ giống ngô, hỗ trợ phân bón, hỗ trợ máy cày, máy bừa, hỗ trợ phát triển gà đen đặc sản, nuôi lợn đen bản địa...); giảm nghèo về thông tin; mua 147.878 lượt thẻ bảo hiểm y tế. Tính đến hết năm 2020, toàn huyện đã có 100% số đối tượng người nghèo và người cận nghèo được tham gia bảo hiểm y tế. 

Thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục, giai đoạn 2016 – 2020, toàn huyện đã thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục cho 271.106 lượt học sinh với kinh phí thực hiện 237.667 triệu đồng và 3.568 tấn gạo... 

Thực hiện chính sách hỗ trợ về tín dụng ưu đãi, đến hết năm 2020, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trạm Tấu đã triển khai trên địa bàn 15 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ, tăng 3 chương trình so với năm 2015. Tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 224.173 triệu đồng. 

Các nguồn vốn trên đã thực hiện cho vay mới 3.671 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác với số tiền 144.328 triệu đồng. Năm 2021, đã cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 56.688 triệu đồng, thực hiện cho vay mới 1.221 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác... 

Được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cây, con giống, máy cày, máy bừa... để phát triển sản xuất, nhiều hộ dân ở Trạm Tấu đã vượt qua khó khăn, tích cực lao động, sản xuất, học tập vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trạm Tấu thăm hộ gia đình anh Đồng Văn Cường  ở thôn Hát 2, xã Hát Lừu đã viết đơn xin thoát nghèo.

Anh Lò Văn Lanh -  hộ thoát nghèo năm 2019 ở thôn Lừu 2, xã Hát Lừu chia sẻ: "Sau khi ra ở riêng, năm 2018 vợ chồng tôi đi làm thuê và làm được ngôi nhà gỗ để ở. Rất may, gia đình được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để làm nốt công trình vệ sinh. Gia đình có 4 khẩu, thu nhập chính chỉ dựa vào làm 1.200 m2 ruộng, cấy 2 vụ được khoảng 1,5 tấn thóc cũng đủ ăn, nhưng chưa có tiền chi phí sinh hoạt hàng ngày. Năm 2019, được Nhà nước hỗ trợ máy cày để đi cày, bừa thuê kiếm tiền, lại có phương tiện khai hoang thêm 600 m2 ruộng nước nữa. Những lúc nông nhàn hai vợ chồng còn đi làm thợ nề, mỗi tháng cũng tiết kiệm được khoảng 8 triệu đồng để trả lãi và gốc cho ngân hàng. Cuối năm 2019, thật vui là gia đình đã được xã công nhận thoát khỏi diện hộ nghèo...”. 

Sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án là động lực để các hộ dân vươn lên thoát nghèo. Đồng chí Hoàng Anh Tuấn – Trưởng phòng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Trạm Tấu cho biết: "Để nắm bắt nhu cầu cần được hỗ trợ của các hộ nghèo tại các xã, thị trấn, UBND huyện giao cho Phòng LĐTB&XH phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn rà soát nhu cầu cần hỗ trợ của từng hộ, tổng hợp, lập danh sách trình UBND huyện bố trí các nguồn hỗ trợ theo đúng nhu cầu mà các hộ nghèo đăng ký hàng năm. 

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, đào tạo nghề, nhiều hộ dân ở Trạm Tấu đã và đang vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn huyện đã có 120 hộ dân viết đơn xin thoát nghèo, năm 2021 là 60 hộ. 

Điển hình là hộ anh Đồng Văn Cường (dân tộc Thái) - một hộ nghèo ở thôn Hát 2, xã Hát Lừu viết đơn xin thoát nghèo năm 2019; anh Giàng A Chú, thôn Mo Nhang, xã Trạm Tấu đã viết đơn gửi UBND xã Trạm Tấu xin đăng ký thoát nghèo trong năm 2020; anh Giàng A Di, thôn Tàng Ghênh, xã Pá Lau viết đơn xin thoát nghèo năm 2021...”. 

Một số kết quả chính trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020

- Tỷ lệ giảm nghèo bình quân mỗi năm giảm 7,8%, bằng 120% kế hoạch huyện đề ra giảm 6,5%/năm; đạt 195% so với mục tiêu theo Quyết định 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016.

- Tỷ lệ hộ nghèo trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn từ 83,14% giảm còn 40,61%, bình quân mỗi năm giảm 8,5%/năm. 

- Thu nhập bình quân của các hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 đạt 1,2 triệu đồng/người.

Theo Báo Yên Bái