Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững

12/06/2013 09:39:05 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Yên Bái là tỉnh vùng cao, có 2/62 huyện nghèo nhất nước. Những năm qua, chương trình xóa đói, giảm nghèo ở tỉnh Yên Bái được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, chú trọng nhân rộng mô hình giảm nghèo; tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo; hỗ trợ về giáo dục - đào tạo, y tế, nhà ở… giúp người nghèo ổn định cuộc sống.

Nhiều hộ nghèo được tỉnh Yên Bái tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh

Theo kết quả điều tra hộ nghèo năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 32,53% tương ứng với 60.481 hộ nghèo, hộ cận nghèo là 5,68% tương ứng với 10.651 hộ cận nghèo.

Theo số liệu từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, năm 2012, tổng nguồn lực huy động cho chương trình giảm nghèo của tỉnh đạt trên 2.556 tỷ đồng (kế hoạch huy động 2.402,5 tỷ đồng) đạt 106,4%. Trong đó, vốn từ ngân sách TW là 897 tỷ đồng, chiếm 35,1%; Vốn ngân sách địa phương là 109 tỷ đồng, chiếm 4,2%; Các nguồn vốn huy động khác là 152 tỷ đồng, chiếm 5,9%.

Những nguồn kinh phí này được dùng để thực hiện các chính sách, dự án như: tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình với trên 9.000 hộ nghèo được vay vốn, mức vay bình quân trên 17 triệu đồng. Cùng với đó, đã tập huấn cho 483 cán bộ làm công tác giảm nghèo, đào tạo nghề cho 8.940 người, hỗ trợ làm mới và sửa chữa 1.334 căn nhà cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cựu chiến binh khó khăn về nhà ở bao gồm chương trình 167 là 779 nhà, nhà người có công là 238 nhà, nhà đại đoàn kết 117 nhà, cựu chiến binh 200 nhà. Tổng kinh phí hỗ trợ làm nhà là 32,8 tỷ đồng, ngân sách TW 6,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương 6,7 tỷ đồng, vốn huy động doanh nghiệp và các quỹ là 19,7 tỷ đồng.

Đặc biệt, nguồn lực đầu tư giảm nghèo bền vững theo đề án 30a cho 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải với tổng kinh phí là trên 429 tỷ đồng. Trong đó huyện Trạm Tấu trên 188 tỷ đồng, Mù Cang Chải trên 241 tỷ đồng, bao gồm các nguồn: vốn hỗ trợ có mục tiêu theo Nghị quyết 30a là 80 tỷ đồng, vốn hỗ trợ của doanh nghiệp trên 31 tỷ đồng cho huyện Mù Cang Chải; vốn lồng ghép từ các hoạt động, chương trình dự án khác là trên 317 tỷ đồng. Đến nay bộ mặt 2 huyện nghèo là Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã chuyển biến tích cực: Cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, hệ thống thủy lợi đảm bảo nước tưới phục vụ cho nông nghiệp, hệ thống giao thông phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện, trao đổi và giao lưu của nhân dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, dự án nhân rộng mô hình xóa đói giảm nghèo, trong năm 2012 với tổng kinh phí 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, dự án đã đầu tư nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi lợn nái sinh sản cho 276 hộ nghèo ở 12 xã thuộc 4 huyện là Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Đây chính là mũi nhọn xóa nghèo bền vững và làm giàu của nông dân.

Thực tế, với việc triển khai đồng bộ các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo, trong năm 2012, toàn tỉnh đã có 4.650 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 32,53% cuối năm 2011 xuống còn 29,23% vào cuối năm 2012.

Nhiều giải pháp xóa đói giảm nghèo bền vững

Trong giai đoạn 2012 - 2015, đề án "Giảm nghèo bền vững" tiếp tục được tỉnh chọn là một trong những đề án trọng tâm, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 4%; Phấn đấu đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn 17,5%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 4,5%; Bảo đảm nguồn lực, thực hiện đầy đủ, chính xác, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, người nghèo; 100% số hộ nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn sản xuất được xét duyệt cho vay; 100% người nghèo, người dân tộc thiểu số được cấp phát thẻ khám chữa bệnh miễn phí; 50% người cận nghèo tham gia mua bảo hiểm y tế; 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng kinh phí chi trả trợ cấp hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 100% đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ học tập được thực hiện đầy đủ; 100 % hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện theo qui định; thực hiện tốt các chính sách khác liên quan đến hộ nghèo, người nghèo, người có thu nhập thấp. Phấn đấu số lao động nông thôn được đào tạo nghề trên 11.100 lao động/năm, trong đó lao động nghèo chiếm 30%; phấn đấu số lượt người được chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp bình quân 65.000 lượt người/năm.

Nhằm đạt được các mục tiêu giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2012 - 2015. Mục đích nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào công cuộc giảm nghèo, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của hộ nghèo, cận nghèo; hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các khu vực, các địa phương, các nhóm dân cư tiến tới xã hội hoá công tác giảm nghèo. Theo đó, các nhóm giải pháp được đề ra như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững; Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo; Tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ năng giảm nghèo cho người dân; huy động nguồn kinh phí từ xã hội hóa đến mọi tổ chức kinh tế, xã hội, các tầng lớp dân cư, nhằm huy động nguồn lực chia sẻ trách nhiệm cộng đồng để hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở được hỗ trợ sửa chữa, làm nhà mới…

Cùng với đó, để tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo, tỉnh Yên Bái sẽ tập trung thực hiện lồng ghép các chương trình, chính sách giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm, góp phần giúp người nghèo giảm nghèo bền vững.

Lan Hương