Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nuôi lợn nái sinh sản giúp người dân xã Phú Thịnh thoát nghèo

27/06/2013 10:43:25 Xem cỡ chữ

CTTĐT – Được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương mấy năm gần đây, hàng chục hộ dân ở xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình đã thoát nghèo nhờ mở rộng quy mô chăn nuôi lợn.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Hữu Khải

Xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình có 635 hộ, trong đó, hiện có 201 hộ nghèo, chiếm 24% dân số xã. Những năm qua, nhờ sự quan tâm tích cực của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong huyện, tình hình đời sống của bà con nhân dân trong xã đã từng bước thay đổi, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách cho người nghèo. Nhiều dự án như dự án cho vay bò, lợn nái, vay vốn rừng trồng đã được triển khai đến các hộ gia đình nghèo. Trong đó, việc hỗ trợ giống lợn nái sinh sản nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xoá đói giảm nghèo là dự án mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người nông dân. Người dân xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình đang rất phấn khởi vì được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ này của tỉnh.

Dự án hỗ trợ lợn nái sinh sản cho hộ nghèo được triển khai từ tháng 5/2012. Trong dự án này, hộ nghèo được hỗ trợ 1 con lợn giống trị giá 1.500.000 đồng, 1.320.000 tiền ngô, 140.000 tiền thụ tinh, 100.000 tiền thú y và được đi tập huấn về cách phòng chống và kỹ thuật chăn nuôi lợn nái. Sau một thời gian ngắn triển khai, đàn lợn đã thích nghi với điều kiện của địa phương và phát triển tốt. Các hộ nghèo rất phấn khởi trước sự quan tâm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Để cung cấp cho người dân những giống lợn đạt tiêu chuẩn, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tư vấn kiểm định chất lượng con giống cũng như địa điểm mua. Từ nguồn vốn hỗ trợ kịp thời của tỉnh, của huyện, nhiều hộ đã mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư chăn nuôi, nhờ đó không ít người đã thoát nghèo, trở nên khá, giàu.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Khải, Thôn Lem, xã Phú Thịnh là một trong những hộ thoát nghèo từ đầu năm 2013. Hiện nay, gia đình ông có 1 mẫu ruộng, 7 sào ao, 4ha rừng trồng keo 4 tuổi, 2 con trâu, 10 con lợn. Mỗi năm, ngoài các khoản chi phí, gia đình ông cũng tích lũy được khoảng 20 triệu đồng. Có của ăn, của để, ông đã xây được căn nhà khang trang.

Nhớ lại những ngày phải sống trong cảnh nghèo đói, ông Khải kể: “Trước đây, gia đình tôi 5 khẩu nhưng chỉ biết trông vào mấy sào ruộng, lúc no, lúc đói. Nhưng từ ngày được Đảng, Nhà nước quan tâm, gia đình tôi được hỗ trợ lợn nái sinh sản. Từ một con lợn được hỗ trợ, lợn sinh sản ngày càng nhiều. Đến nay gia đình tôi đã có 10 con lợn. Hiện nay đã cho thu nhập cao. Vừa rồi, gia đình chúng tôi đã thu được 2 tạ lợn, cho tiền lãi khoảng 10 triệu đồng. Từ đó, gia đình tôi đã mở rộng sản xuất. Chúng tôi đã có thêm tiền mua trâu, gà, rừng… để phát triển chăn nuôi”.

Cùng với gia đình ông Khải, gia đình anh Hoàng Ngọc Đoàn ở thôn Đăng Thọ cũng được Nhà nước hỗ trợ cho lợn nái sinh sản. Hiện nay, lợn giống đang trong thời kỳ sinh sản. Anh Đoàn phấn khởi cho biết: “Tôi xây dựng gia đình từ năm 2008, từ chỗ hai vợ chồng chưa có nhà riêng, nhưng được Nhà nước quan tâm, chúng tôi đã có ngôi nhà vững chãi để ở, đã có tư liệu sản xuất, đến nay chúng tôi đã thoát nghèo. Chúng tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ thêm về chính sách, vay vốn không lấy lãi để hộ nghèo được mở rộng sản xuất”.

Dự án nuôi lợn nái sinh sản đã giúp bà con nông dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật mới về chăn nuôi lợn nái đảm bảo vệ sinh môi trường và chủ động tạo nguồn giống ở địa phương, đảm bảo nguồn cung cấp giống tại chỗ ổn định, tạo nền tảng tốt cho phát triển chăn nuôi hàng hóa mang lại thu nhập ổn định góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Ông Đào Bá Hiệp, Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết: “Có thể nói, chương trình giảm nghèo thực hiện trên địa bàn xã có nhiều điều kiện thuận lợi nên đã đạt hiệu quả thiết thực. Thu nhập bình quân đầu người là 17,5 triệu/người/năm. Năm 2013, xã phấn đấu còn 15% hộ nghèo, tương ứng còn 175 hộ nghèo. Để đạt mục tiêu này, xã sẽ tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân phát triển chăn nuôi, trồng gối vụ các loại rau màu. Riêng mô hình chăn nuôi hàng hóa năm nay đã được nâng lên. Nếu như năm 2012, xã có 6 mô hình thì đến nay đã có 12 mô hình chăn nuôi hàng hóa. Trong đó, mô hình chăn nuôi lợn, gà là chủ yếu. Sắp tới, xã sẽ tiến hành đánh giá kết quả thực hiện chương trình hỗ trợ lợn nái sinh sản để rút kinh nghiệm và tiếp tục nhân rộng, nhằm giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Lan Hương