Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Giảm nghèo ở Văn Chấn: Chuyển biến từ nếp nghĩ, cách làm

26/08/2013 14:12:25 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Là một huyện miền núi có điều kiện kinh tế xã hội còn hết sức khó khăn, đời sống người dân vùng cao Văn Chấn vẫn còn phụ thuộc vào sản xuất nông - lâm nghiệp là chính. Sản xuất còn manh mún, hiệu quả thấp, do vậy, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mức bình quân chung của tỉnh. Trước thực trạng đó, Văn Chấn đã tập trung phát huy vai trò lãnh đạo Đảng, sự điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở, thường xuyên tuyên truyền xây dựng các giải pháp phát triển kinh tế xã hội địa phương, từng bước xoá đói giảm nghèo, đặc biệt chú trọng đến các xã đặc biệt khó khăn.

Mô hình nuôi dê của nhóm hộ gia đình anh Sổng A Cu - thôn Giàng B, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo do Ngân hàng thế giới WB tài trợ nên từ năm 2012 đến nay nhóm hộ của gia đình anh Sổng A Cu - thôn Giàng B, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn đã được hỗ trợ đàn dê 15 con, trị giá 38 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Nhóm hộ gồm 5 gia đình đều là anh em trong họ, trong bản đã cắt cử nhau trông nom đàn dê, nhờ vậy mà đàn dê sinh trưởng tốt chỉ sau 7 tháng dê mẹ đã đẻ thêm được 8 dê con, nhẩm tính với đà phát triển này chỉ sau 2 năm nhóm hộ của gia đình anh Sổng A Cu sẽ có thu nhập để vươn lên thoát nghèo, gia đình anh phấn khởi lắm. Anh Sổng A Cu chia sẻ: Trước đây gia đình mình chỉ biết trông vào làm nương, làm rẫy, chăn nuôi trâu bò thì cứ thả trên rừng thôi, bây giờ Nhà nước hỗ trợ cho đàn dê, cán bộ nó cũng đến tận nhà bảo mình cách làm chuồng, cách phòng bệnh, kỹ thuật chăn nuôi, cứ nghe theo lời cán bộ mình đã nuôi đàn dê béo khoẻ, nó sinh thêm được cả đàn dê con rồi đấy.

Dự án hỗ trợ chăn nuôi trong chương trình hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc không chỉ giúp đồng bào có thu nhập mà đã tác động mạnh vào nếp nghĩ, làm thay đổi cách làm kinh tế của người nghèo, họ đã học được tính kế hoạch trong các hoạt động sinh kế, biết cách tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật trong sản xuất, được động viên tinh thần vươn lên thoát nghèo bằng chính những hiệu quả kinh tế do mình tham gia.

Ở xã vùng cao Suối Giàng nơi có trên 98% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, do tập quán canh tác lạc hậu, thiếu đất sản xuất, điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao với trên 55%. Ông Vàng A Dao - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết: Những năm qua, dự án giảm nghèo đã đầu tư tại địa bàn trên các lĩnh vực như: đầu tư cơ sở hạ tầng, các hoạt động sinh kế và phát triển kinh tế xã hội của phụ nữ. Các công trình cơ sở hạ tầng như đường giao thông, bể nước sạch sau khi hoàn thành, bàn giao cho thôn bản sử dụng đã phát huy kết quả sử dụng, giúp nâng cao giá trị nông sản, vật nuôi, đồng thời giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, xoá đói giảm nghèo và từng bước vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt các chương trình hỗ trợ sinh kế và các dịch vụ sản xuất đã mang lại lợi ích trực tiếp đối với đời sống của đồng bào.

Theo kết quả thống kê huyện Văn Chấn có 12.729 hộ nghèo/ tổng số 36.241 hộ dân, chiếm 35,12%, hộ cận nghèo có 2.531 hộ, chiếm 6,98%. Trong đó có 11 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, đặc biệt có 3 xã tỷ lệ nghèo cao trên 70% như xã Nghĩa Sơn, Sùng Đô, Nậm Mười.

Xác định công tác giảm nghèo là việc làm lâu dài, là một trong các chương trình xã hội hoá cần được tuyên truyền, vận động để cả cộng đồng và toàn xã hội quan tâm tìm giải pháp thực hiện, để giảm nghèo nhanh và bền vững, cùng với việc thành lập ban chỉ đạo giảm nghèo, huyện Văn Chấn đã xây dựng phương án triển khai Dự án Giảm nghèo theo từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của huyện.

Nhằm thiết thực hỗ trợ cho hộ nghèo, huyện đã quan tâm đến chính sách tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, làm nhà ở, xây dựng các công trình nước sạch. Đến năm 2012, tổng số hộ nghèo được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội là 13.451 hộ, chiếm 76,8% tổng số hộ được vay vốn ưu đãi ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội. Mức cho vay bình quân năm 2012 đạt 15 triệu đồng/bộ, việc quản lý đối tượng  vay vốn được thực hiện tốt, không có trường hợp nào cho vay không đúng đối tượng.

Để thực hiện nhân rộng mô hình xóa đói giảm nghèo, trong năm 2012 huyện đã khảo sát, chọn địa bàn triển khai dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản cho 92 hộ nghèo tại 4 xã Thanh Lương, Sơn A, Đồng Khê và Tân Thịnh với nguồn vốn hỗ trợ trên 330 triệu đồng hỗ trợ về con giống, chuồng trại cho các hộ chăn nuôi. Cùng với đó, dự án đàn bò sinh sản tại 4 xã Chấn Thịnh, Sùng Đô, Suối Quyền, Gia Hội thực hiện từ năm 2006 cũng mang lại hiệu quả lớn. Từ 92 con bàn giao ban đầu cho 47 hộ nay đã phát triển lên 145 con, đã luân chuyển cho 25 hộ nâng tổng số hộ được thụ hưởng dự án lên 72 hộ, dự án phát triển đàn lợn nái sinh sản đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân. Dự án này được triển khai tại 3 xã Phù Nham, Nậm Búng, Chấn Thịnh. Số lợn ban đầu là 63 con, kinh phí thực hiện là 250 triệu đồng. Đến hết năm 2012 đã có 37 con sinh sản với tổng số lợn con sinh ra là 194 con. Đã tổ chức chuyển giao cho 22 hộ mới nâng tổng số hộ được tham gia dự án lên 85 hộ. Nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả như mô hình nuôi ba ba của hộ ông Nguyễn Trọng Tuấn - thôn Văn Hưng, xã Cát Thịnh, mô hình chăn nuôi lợn của anh Nguyễn Văn Thanh - thôn Thác Hoa 3, xã Sơn Thịnh…

 

Thôn Văn Hưng, xã Cát Thịnh hiện có 95 hộ nuôi ba ba, trong đó có 4 mô hình được hỗ trợ theo chương trình giảm nghèo của huyện.

Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, UBND tỉnh đã ban hành Ðề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Năm 2011, toàn huyện có 500 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở. Năm 2012 có 100 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở. Cùng với đó, các chính sách xã hội hỗ trợ người nghèo như đào tạo nghề, hỗ trợ điện thắp sáng, dầu hoả, giáo dục, bảo hiểm y tế… được thực hiện kịp thời, hiệu quả, góp phần động viên hộ nghèo giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Với nhiều biện pháp đồng bộ, huyện Văn Chấn đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm trên 1400 hộ, tương ứng với 4%. Đời sống của hộ nghèo không ngừng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, không còn hộ nghèo thuộc đối tượng người có công. Tuy vậy, công tác giảm nghèo còn bộc lộ nhiều hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhưng chưa bền vững và nguy cơ tái nghèo cao, số hộ cận nghèo còn nhiều. Còn một bộ phận hộ nghèo chưa tích cực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo ở một số xã còn nặng về thành tích và áp lực hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chưa phản ánh đúng, đầy đủ mức sống của nhân dân trên địa bàn…

Bà Phạm Thị Minh Hạnh - Trưởng phòng LĐTB&XH, Phó trưởng Ban chỉ đạo giảm nghèo - việc làm huyện Văn Chấn cho biết: Để thực hiện mục tiêu của chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, phấn đấu giảm 4% tỷ lệ hộ nghèo, tương ứng giảm 1.438 hộ nghèo trở lên, đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 31,12%. Huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chính sách ưu đãi hộ nghèo, đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến người nghèo; biểu dương các tấm gương nỗ lực trong lao động, sản xuất, vượt khó, vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của các hộ nghèo… tạo động lực giúp hộ nghèo vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững./.

Thanh Bình