Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hơn 2 triệu hộ thoát nghèo

23/09/2013 15:20:05 Xem cỡ chữ

Sau 9 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NÐ-CP về chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhiều kết quả đáng kể đã khẳng định sự đúng đắn của chính sách an sinh xã hội.

Những cuộc đời mới

Trong căn nhà mới xây rộng 66m2 mà phải hơn 30 năm mới có được, gia đình chị Kon Sa Mơ Phương, dân tộc Ra Glai, ở thôn Lập Lá, (xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) còn chưa quên hình ảnh cả nhà thức giấc lúc nửa đêm để hứng nước mưa dột hay chống chặn, giữ cho vách nhà không bị sập mỗi khi gió thổi thốc mạnh.

Chị Phương xúc động nói: "Năm 2010, được hỗ trợ 8,5 triệu đồng từ Chương trình hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, 5 triệu đồng từ Quỹ "Ngày vì người nghèo" của tỉnh, cùng với 8 triệu đồng vay từ Ngân hàng CSXH và sự giúp đỡ của họ hàng, gia đình đã xây được căn nhà trị giá hơn 50 triệu đồng. Có được chỗ ở ổn định, trong lòng thấy nhẹ nhàng, phấn chấn vô cùng".

Bác Mạc Thị Ngọc (thôn Lai Hạ, Lương Tài, Bắc Ninh) thì phấn khởi: “Nhờ nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH, cả hai cháu nhà tôi mới có điều kiện theo đuổi việc học đại học tốn kém mà xoay trở kiểu gì trước đó nhà tôi vẫn không thể kham nổi”. Chung niềm vui với bác Ngọc, chị Phạm Thị Duyên thôn Văn Phạm chia sẻ: “Một mình tôi bươn trải nuôi 2 con ăn học. Cháu lớn đang học Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Hàng tháng tôi phải gửi cho cháu 1,5 triệu đồng để ăn học. Nhà nông chỉ trông vào mấy sào ruộng may được Ngân hàng CSXH cho vay vốn cho con đi học”.

9 năm qua, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đến với 100% số xã trong cả nước. Số khách hàng có quan hệ tín dụng ưu đãi là hơn 10 triệu khách hàng. Dư nợ bình quân cho vay hộ nghèo tăng từ 2,5 triệu đồng/hộ (năm 2002) lên 8 triệu đồng/hộ vào thời điểm hiện nay.

Chung tay giảm nghèo

Ngân hàng Chính sách xã hội (Ngân hàng CSXH) được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QÐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng phục vụ người nghèo (NHNg). Ðây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và cam kết trước cộng đồng quốc tế về XÐGN.

Qua 9 năm hoạt động theo Nghị định 78/2002/NÐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến nay Ngân hàng đã có màng lưới hoạt động rộng khắp từ Trung ương đến địa phương. Với 63 chi nhánh cấp tỉnh và Sở giao dịch; 612 Phòng giao dịch cấp huyện, trên 8.500 điểm giao dịch cấp xã, hơn 200.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở khắp các thôn, bản, làng.

Tính đến nay, tổng nguồn vốn đạt gần 98.000 tỷ đồng gấp 14 lần so với khi nhận bàn giao. Từ khi thành lập đến nay, Ngân hàng CSXH đã được Chính phủ giao thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình nhận ủy tháng của nước ngoài với tổng dư nợ 92.402 tỷ đồng (khi nhận bàn giao năm 2003 chỉ có 3 chương trình cho vay là: Hộ nghèo, Giải quyết việc làm và Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (HSSV), tăng 13,15 lần so với 7 năm hoạt động của Ngân hàng phục vụ người nghèo.

Ngân hàng CSXH là ngân hàng duy nhất có sự tham gia sâu sắc của các cấp chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động nghiệp vụ thường ngày. Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay đối với hộ nghèo theo phương thức uỷ thác từng phần (6/9 công đoạn) qua các tổ chức chính trị - xã hội. Ðến nay, uỷ thác cho vay thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) đạt trên 87.000 tỷ đồng, chiếm tới 98% tổng dư nợ của các chương trình Ngân hàng CSXH đang quản lý.

Việc uỷ thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, vòng quay vốn nhanh hơn, tỷ lệ thu lãi cao hơn (từ 85% khi còn là Ngân hàng phục vụ người nghèo lên 95% vào năm 2010, nhiều địa phương có tỷ lệ thu lãi đạt 98%).

Ðồng thời, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội; thực hiện được cơ chế dân chủ, công khai từ cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận dễ dàng với dịch vụ tài chính tiền tệ, tín dụng ngân hàng, vốn đến đúng địa chỉ người thụ hưởng. Các tổ chức chính trị - xã hội, thông qua nghiệp vụ cho vay vốn, có thêm điều kiện tổ chức lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội có hiệu quả hơn; góp phần nâng cao nội dung sinh hoạt tại các tổ chức chính trị - xã hội thêm phong phú.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã góp phần giúp gần 2 triệu hộ nghèo thoát khỏi ngưỡng nghèo, thu hút được hơn 2,1 triệu lao động có việc làm mới, 1,9 triệu HSSV được vay vốn, xây dựng được trên  2,3 triệu công trình NS&VSMTNT… 

Theo TTXVN