Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thoát nghèo từ chăn nuôi tổng hợp

25/11/2013 09:00:38 Xem cỡ chữ

Gia đình anh Hoàng Văn Khuyến, thôn Năn II, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn (Yên Bái) vốn là một hộ nghèo. Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện và vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư phát triển chăn nuôi, nay gia đình anh đã trở thành một hộ khá giả. Không chỉ vậy, anh còn thường xuyên giúp đỡ các hộ khác cùng phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình nuôi ba ba ở Cát Thịnh được đông đảo khách thập phương đến tham quan, học hỏi.

Trước đó, cũng như nhiều gia đình nông thôn khác, gia đình anh Khuyến gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế gia đình. Cuộc sống chỉ trông vào mấy sào ruộng, đất đai nhiều nhưng thiếu kiến thức chăn nuôi, trồng trọt và vốn nên cái đói cái nghèo cứ bám lấy. Năm 2007, xã phối hợp cùng Trạm Khuyến nông huyện tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa nước, kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm, anh Khuyến cũng đến tham gia học tập.

Sau khóa học, anh bàn với vợ con vay mượn anh em, bạn bè và vay Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 20 triệu đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Do ít vốn, chưa có kinh nghiệm nên anh chỉ nuôi 4 con lợn nái sinh sản. Lợn đẻ được con nào, anh đem nuôi lợn thịt bấy nhiêu. Tuy là năm đầu chăn nuôi nhưng đàn lợn 70 con cứ ăn, cứ lớn, không bệnh tật, cuối năm bán được 4,5 tấn lợn hơi, thu 112 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 70 triệu đồng.

Có vốn, anh tiếp tục đầu tư mua máy xát nghiền thức ăn gia súc, mở rộng chuồng trại chăn nuôi, đầu tư trồng 1ha ngô đồi và chăn nuôi gia cầm. Tất cả kiến thức sau khóa học tập huấn áp dụng vào thực tế đồng thời nghiên cứu thêm sách vở, áp dụng đúng quy trình chăn nuôi nên năm 2008, hai lứa lợn của anh mỗi lứa 45 con phát triển tốt, bán được trên 7 tấn lợn hơi. Cùng với lợn, hơn một tấn gia cầm đã được bán ra thị trường và dịch vụ xay xát đã cho gia đình thu nhập trên 320 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 190 triệu đồng. Toàn bộ diện tích hơn 1ha ngô đồi trồng quanh năm, thu hoạch là anh nghiền làm thức ăn phục vụ cho chăn nuôi.

Lý giải về chăn nuôi lợn cho lãi cao, anh Khuyến nói: “Nếu chăn nuôi mà cho ăn toàn cám công nghiệp thì lãi thấp lắm, giá lợn hơi xuống thấp có khi còn lỗ. Gia đình tôi cho lợn ăn kết hợp vừa cám công nghiệp vừa cám ngô, cám gạo, giá thành thức ăn giảm 1/3, chất lượng thịt lại ngon hơn. Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải chọn giống chuẩn, công tác tiêm phòng dịch nghiêm ngặt, hạn chế tối đa người vào khu chăn nuôi. Nhờ vậy, những năm vừa qua, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhiều nhưng gia đình vẫn phát triển chăn nuôi ổn định”.

Từ những thành công ban đầu, có đồng lãi nào là anh lại tiếp tục đầu tư chăn nuôi. Từ năm 2009 đến nay, anh ổn định quy mô nuôi 100 đầu lợn, từ 500 - 700 con gia cầm. Năm 2012, gia đình anh đạt doanh thu trên 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi 250 triệu đồng mỗi năm. Từ một hộ nghèo trải qua 5 năm đầu tư phát triển chăn nuôi, đến nay trở thành một hộ khá giả, anh đã xây được nhà 2 tầng rộng 200m2, mua sắm đầy đủ các tiện nghi, quan trọng hơn là có điều kiện chăm sóc con cái học hành đầy đủ.

Không chỉ làm giàu cho mình, anh Khuyến còn thường xuyên vận động, giúp đỡ và hướng dẫn bà con trong thôn cùng phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững. Bằng sự giúp đỡ của anh, đã có 3 hộ thoát được nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Trong nhiều năm, anh Khuyến được công nhận là hội viên nông dân sản xuất giỏi và nhận nhiều giấy khen, bằng khen từ tỉnh đến cơ sở.

(Theo Báo Yên Bái)