Đắk Lắk hoàn thành xóa nhà tạm cho hộ nghèo
Đến thời điểm này, Đắk Lắk đã hoàn thành kế hoạch trước 2 năm về thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.
Cụ thể, chỉ trong vòng hơn hai năm (từ 2009- 2010) tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ kinh phí cho 12.853 hộ gia đình nghèo xây dựng mới 12.853 ngôi nhà, trong đó có trên 8.056 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.
Như vậy, tỉnh Đắk Lắk đã có trên 23.591 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được Nhà nước hỗ trợ kinh phí làm nhà ở mới, cơ bản xoá được nhà tạm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 15.535 hộ được hỗ trợ kinh phí theo Chương trình 134.
Tỉnh đã tổ chức họp bình xét công khai các đối tượng được thụ hưởng các Chương trình, Quyết định tại các thôn, buôn; chủ động ứng trước nguồn vốn ngân sách cho các hộ gia đình để đồng bào chủ động huy động thêm kinh phí, tổ chức thi công, giám sát.
Tỉnh cũng đã thực hiện tốt phương châm”Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, nhân dân tự làm” và đã huy động được hàng trăm tỷ đồng từ các tổ chức, dòng họ, cộng đồng giúp đồng bào nghèo có thêm nguồn vốn đầu tư làm nhà ở.
Nhiều địa phương như Lắk, Krông Bông, Ea Kar tuy nguồn ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng vẫn hỗ trợ thêm cho mỗi hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo từ 4 đến 10 triệu đồng để làm nhà ở.
Yên Bái hoàn thành cấp gạo cứu đói
Đến 8/6, việc cấp phát 1.500 tấn gạo cứu đói giáp hạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái do Chính phủ phân bổ đã cơ bản hoàn thành.
Theo đó, toàn tỉnh có trên 25.700 hộ dân với trên 97.300 nhân khẩu nhận được số gạo cứu trợ. Việc cấp phát gạo cứu đói cho dân được tiến hành từ các cuộc họp thôn bản đẻ bình chọn đối tượng và được chính quyền xã chứng nhận, do đó gạo được cấp phát đúng đối tượng.
Các huyện có số hộ đói nhiều nhất là Văn Chấn gần 5.000 hộ, Lục Yên trên 4.600 hộ, Văn Yên trên 4.000 hộ, Mù Cang Chải trên 3.500 hộ, Trấn Yên trên 3.000 hộ...
Ngoài số gạo được Chính phủ phân bổ, trước tình hình đói giáp hạt diễn ra gay gắt, ngày 6/5/2011, UBND tỉnh Yên Bái còn quyết định xuất 200 tấn gạo dự trữ phòng chống bão lũ và trích ngân sách địa phương mua bổ sung 274,98 tấn gạo để cứu đói cho dân, mỗi khẩu được hỗ trợ 5 kg.
Hơn 8.000 HS-SV Kon Tum được vay vốn đi học
Đến nay, đã có hơn 8.000 học sinh, sinh viên của tỉnh Kon Tum được vay vốn học tập, với tổng dư nợ trên 105 tỷ đồng, theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
Như vậy, con em của hơn 2.100 hộ nghèo, 450 hộ cận nghèo và gần 4.700 hộ có khó khăn về tài chính của địa phương đã được vay vốn để trang trải các khoản chi phí tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp và học nghề.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Kon Tum đã duy trì tốt hoạt động của 97 điểm giao dịch đặt tại 97 xã, phường, thị trấn trong tỉnh cùng trên 1.600 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn làng.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc xác nhận đối tượng vay vốn. Vì vậy hầu hết các đối tượng vay đã được nhận tiền tại địa phương, giảm bớt chi phí tốn kém đi lại cho bà con.
Kon Tum cũng đề ra mục tiêu đến cuối năm 2013, sẽ cho học sinh – sinh viên nghèo vay 255 tỷ đồng.
Quảng Bình hỗ trợ ngư dân 89 tỷ đồng
Sau ba năm triển khai thực hiện Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân, đến nay Quảng Bình đã hỗ trợ được hơn 89 tỷ đồng cho ngư dân.
Đây là kinh phí để ngư dân mua máy đóng mới tàu đánh bắt hải sản có công suất từ 90CV trở lên; hỗ trợ cho ngư dân chuyển sang loại máy ít tiêu hao nhiên liệu; hỗ trợ kinh phí bảo hiểm thân tàu; bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên đối với tàu có công suất máy từ 40CV trở lên và hỗ trợ dầu cho ngư dân là chủ sở hữu tàu khai thác ở các ngư trường xa bờ.
Quảng Bình đã có 81 tàu cá đóng mới với công suất chủ yếu từ 150 CV trở lên và 231 tàu cá cải hoán. Đa số tàu cá đều được trang bị máy móc, thiết bị thông tin liên lạc, cứu sinh, cứu hỏa, chống đắm, thỏa mãn yêu cầu tối thiểu để tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển.
Ông Lê Minh Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình cho biết, việc hỗ trợ được tiến hành đúng đối tượng và mức hưởng hỗ trợ đúng quy định, không có trường hợp sai sót, ngư dân được nhận hỗ trợ đã khắc phục được những khó khăn, tái sản xuất và dần ổn định cuộc sống.