Cùng với ưu tiên nguồn lực để thực hiện những chương trình, dự án và chính sách hiện có, nhiều chính sách mới đã được thực hiện nhằm hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp, các đối tượng chính sách giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát.
Năm 2013, Chương trình giảm nghèo đã huy động trên 2.618 tỷ đồng, đạt 107,9% kế hoạch. Nguồn kinh phí này tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, đào tạo nghề cho lao động, hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cựu chiến binh khó khăn về nhà ở, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí cho các đối tượng, hỗ trợ học sinh được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập...
Điểm nhấn trong đảm bảo an sinh xã hội của Yên Bái những năm qua là công tác xóa đói giảm nghèo. Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã thể hiện quyết tâm cao trong chỉ đạo triển khai công tác này. Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cuộc vận động toàn dân tham gia ủng hộ “Ngày vì người nghèo”, nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.
Đặc biệt, để công tác giảm nghèo đi vào nền nếp, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ hộ nghèo như: phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015, nghị quyết về chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm; nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo, thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn; nghị quyết về bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, huấn luyện nghề ngắn hạn cho nông dân… Các nghị quyết đã nhanh chóng được các cấp, các ngành, đoàn thể cụ thể hóa thành những chính sách hỗ trợ gián tiếp, trực tiếp cho người nghèo, hộ nghèo.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đến những vấn đề thiết thực với người nghèo như đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà cho người có công... Do có chủ trương, chính sách cụ thể và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh đã thu được những kết quả quan trọng. Trong năm 2013, toàn tỉnh đã có 6.301 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đến thời điểm này còn 25,38%, vượt 0,35% kế hoạch.
Giảng viên Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái hướng dẫn sinh viên thực hành cuốn động cơ điện. (Ảnh: Linh Chi)
Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án dạy nghề, đào tạo việc làm cho những đối tượng và khu vực đặc thù như: việc làm nông thôn, việc làm cho thanh niên, dạy nghề cho nông dân, đưa lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Năm qua, hỗ trợ bền vững theo Đề án 30a cho hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải với tổng kinh phí 87,3 tỷ đồng, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn 98,23 tỷ đồng...
Từ đó, giúp đồng bào thay đổi cách nghĩ, cách làm để có phương án sản xuất phù hợp, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn. Mặt khác, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Yên Bái triển khai Dự án nhân rộng mô hình xóa đói giảm nghèo cho các hộ nghèo thuộc các huyện: Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tỉnh đã huy động tổng hợp các nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng,chăm sóc người có công...
Thực hiện Đề án Hỗ trợ gia đình người có công khó khăn về nhà ở tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2012 – 2015, năm 2013, kế hoạch giao làm 184 nhà với kinh phí 5.152 triệu đồng, đến thời điểm này toàn tỉnh đã hoàn thành 175 nhà, còn 9 hộ đang chờ tiếp tục xây dựng.
Hàng năm, tỉnh đều tổ chức thăm hỏi và tặng quà đối tượng chính sách, người có công, 100% xã, phường, thị trấn được công nhận là xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công. Các dịch vụ xã hội trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục và đào tạo, văn hoá, thông tin, cung cấp điện, nước sinh hoạt, bảo đảm điều kiện đi lại… đã được quan tâm phát triển, nhất là ưu tiên đầu tư cho vùng sâu, vùng xa.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã cấp phát thẻ BHYT miễn phí cho 472.956 đối tượng, gần 92.000 học sinh được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền điện cho 55.831 hộ nghèo, hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng cho trên 13 nghìn hộ..., tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt cao; bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn đạt trên 12 triệu đồng/năm.