Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Chú trọng thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo cho ngư dân

06/05/2014 09:04:41 Xem cỡ chữ

Ngày 15/4, tại Đà Nẵng, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cùng các Bộ, ngành liên quan và các địa phương ven biển tổ chức Hội nghị về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, đến năm 2013, cả nước có 117.998 tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, tàu có công suất trên 90CV có 28.285 chiếc (chiếm 23,1% tổng số tàu cá), sản lượng khai thác đạt 2,7 triệu tấn/năm.

Đến nay đã có 3.750 tổ, đội sản xuất trên biển với khoảng 22 nghìn tàu cá tham gia/145 nghìn lao động và 50 nghiệp đoàn nghề cá được thành lập, đi vào hoạt động với mục đích  hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt và tìm kiếm ngư trường, cứu hộ, cứu nạn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nghề khai thác thủy sản ở nước ta đang còn nhiều hạn chế. Hiện nay, có đến 99% tàu cá đóng từ vật liệu gỗ, 85-90% tàu cá sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ hoặc thiết bị giao thông đường bộ, trang thiết bị bảo quản thô sơ (dưới 10% tàu có thiết bị bảo quản bằng hộp xốp thổi)…Với gần 1 triệu lao động đánh cá nhưng chủ yếu là lao động phổ thông và hầu hết chưa được đào tạo nghề. Số thuyền trưởng, máy trưởng được tập huấn chỉ mới 30%; số tàu công suất thấp (dưới 90CV) khai thác ven bờ còn lớn (chiếm 76,9%), nguồn lợi hải sản ven bờ có dấu hiệu suy giảm trong khi sản lượng khai thác xa bờ cũng đã xấp xỉ ngưỡng khai thác bền vững theo dự báo. Do thiếu các chính sách hỗ trợ nên mặc dù số tổ, đội sản xuất trên biển có tăng hơn trước nhưng mức độ liên kết của ngư dân chưa thực sự chặt chẽ, vẫn còn tình trạng ngư dân sản xuất đơn lẻ, thiếu vốn, không được hỗ trợ khi gặp sự cố trên biển. Ngoài ra, hạ tầng phục vụ khai thác còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức, xuống cấp dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất.

Trong khi đó, ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng gặp nhiều tồn tại cần được khắc phục như cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, công tác xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế, sử dụng vốn đầu tư của một số nhà máy chế biến chưa hiệu quả…

Từ những hạn chế, tồn tại nêu trên, đại diện Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách như: Hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác trên các vùng biển xa; hỗ trợ khắc phục rủi ro, thiên tai trên biển; hỗ trợ việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt trong thủy sản; tiếp tục ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các địa phương vay không có lãi suất để đầu tư hạ tầng sản xuất; Chính phủ cần nghiên cứu, sửa đổi để tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả của một số chính sách ưu đãi về tín dụng để ngư dân đóng mới, hiện đại hóa tàu cá; ưu tiên vốn tín dụng ưu đãi để nuôi trồng, chế biến, bảo quản, xuất khẩu thủy sản; hỗ trợ trang thiết bị thông tin và giám sát hoạt động của tàu cá trên biển…

 

Cùng với các đề nghị trên, đại diện Bộ NN&PTNT cũng đề xuất một số chính sách mới về cho vay ngắn ngắn hạn phục vụ sản xuất đối với ngư dân thực hiện đối với 28 ngàn tàu cá khai thác xa bờ với mức vay trung bình 200 triệu đồng thực hiện trong 10 năm (trong gói tín dụng 3.000 tỷ đồng); thực hiện hỗ trợ 50% bảo hiểm thân tàu, 100% bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên đánh bắt thủy sản trên biển; hỗ trợ đào tạo nhân lực nghề cá; xem xét bổ sung đối tượng được miễn, giảm học phí là học sinh, sinh viên ngành khai thác để khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực cho khai thác và quản lý khai thác thủy sản…

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cũng đã phân tích thực trạng và những yêu cầu đặt ra đối với nghề cá cả nước.Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thì hiện nay, về cơ bản vốn tín dụng đã đáp ứng kịp thời cho nhu cầu phát triển của ngành thủy sản, bao gồm khai thác, chế biến, xuất khẩu. Bên cạnh đó, các chính sách tín dụng đặc thù của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với người nuôi, chế biến và xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những rủi ro trên biển, một trong những khó khăn lớn mà ngư dân đang đối mặt là thiếu vốn để nâng cấp, đóng mới tàu có công suất lớn. Vì vậy, để khuyến khích ngư dân đóng tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thì phải sử dụng từ nguồn vốn của Chính phủ hoặc tín dụng chính sách với các điều kiện đặc thù cho lĩnh vực này. Đó cũng là lý do mà dư nợ cho vay để đóng mới các tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ trong thời gian qua còn hạn chế.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là luôn sát cánh cùng ngư dân bám biển vươn khơi. Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan sẽ hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong điều kiện có thể của đất nước để phát triển nhanh và bền vững ngành thủy sản, nâng cao đời sống nhân dân, gắn liền với bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo quốc gia.

 Thủ tướng khẳng định, nhìn lại hơn 10 năm qua, cái được lớn nhất là cơ chế chính sách về ngư dân đã hoàn thiện để đánh bắt, nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản tăng mạnh. Theo đó, đánh bắt của chúng ta đứng thứ 9, xuất khẩu đứng thứ 4 và nuôi trồng đứng thứ 3 trên thế giới. Từ đó, thủy sản đóng góp 27-28% trong GDP. Năm 2013 thủy sản chiếm gần 50% GDP. Đây là cơ sở để đời sống ngư dân ngày càng được cải thiện, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tuy nhiên, ngành thủy sản Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, các hạn chế đó là năng lực sản xuất và hiệu quả còn thấp, trong đó 99% tàu gỗ, nhỏ; 90% động cơ cũ, tỉ lệ thất thoát 25-30%. Ngoài ra, thu nhập tăng nhưng nhìn chung cuộc sống của ngư dân còn nhiều khó khăn, 16% dân sống ở các bãi ngang là hộ nghèo (gấp đôi bình quân), vốn để phát triển nghề cá còn thiếu, khoa học kỹ thuật chưa đạt được trình độ thế giới…

 Về các chính sách hỗ trợ ngư dân, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình Chính phủ Nghị định về các ưu đãi, hỗ trợ ngư dân; các Bộ ngành rà soát lại các chính sách về tín dụng, đóng tàu mới bằng vỏ sắt, cải hoán nâng cấp tàu cũ, đóng tàu hậu cần, hỗ trợ tín dụng cho người đánh bắt và nuôi trồng, thời gian cho vay 10 năm.

Với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu phải đặc biệt chú trọng thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo cho ngư dân; tăng cường hơn nữa các lực lượng nòng cốt trên biển như Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư… để hỗ trợ ngư dân trong khai thác, đánh bắt và cứu hộ, cứu nạn trên biển, qua đó góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa Chiến lược Biển của Đảng, Nhà nước bởi đây là tiềm năng, lợi thế của đất nước; là không gian sinh tồn để chúng ta tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giữ vững chủ quyền quốc gia và hội nhập quốc tế.

 

Nguồn: Dangcongsan