Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

“Cần xây dựng bộ máy chuyên trách xóa đói giảm nghèo”

06/06/2014 09:11:19 Xem cỡ chữ

Xóa đói giảm nghèo (XĐGN) hiện nay vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên công tác XĐGN hiện còn một số bất cập

Phóng viên Gia đình và Trẻ em đã trao đổi với ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐTBXH) về vấn đề này.

- Xin ông điểm qua vài nét khái quát thành tựu XĐGN của Việt Nam?

- Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực thi nhiều chính sách, chương trình dự án XĐGN có hiệu quả như: Chương trình 134, 135 giai đoạn II và Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững (đối với 61 huyện nghèo) hướng mạnh vào các vùng nông thôn, huyện nghèo, xã nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đông dân tộc thiểu số để giảm nghèo nhanh ở những vùng nghèo nhất. Qua đó cải thiện vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, miền, địa bàn dân tộc, các nhóm dân cư. Đồng thời, bảo đảm sự công bằng, dân chủ và  an sinh xã hội.

Theo báo cáo, kết quả thực hiện các chỉ tiêu về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2010 (áp dụng chuẩn nghèo cũ): Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% (năm 2005) xuống còn 18,1% (năm 2006); 14,75% (năm 2007); 12,1% (năm 2008); 11,3% (năm 2009) và 9,45% (năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 62 huyện nghèo giảm xuống còn 37%. Đối với giai đoạn 2010- 2013 (áp dụng chuẩn nghèo mới): Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 11,76% (năm 2011) và 9,6% (năm 2012), năm 2013 còn khoảng 7,6%-7,8%. Cơ cấu kinh tế cũng chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống của người nghèo được cải thiện đáng kể.

- Mặc dù vậy,  kết quả giảm nghèo vẫn chưa thực sự bền vững là do đâu, thưa ông? 

- Thành tựu XĐGN tuy lớn, nhưng nhìn chung kết quả giảm nghèo vẫn chưa thật sự vững chắc, tỷ lệ hộ tái nghèo hằng năm còn cao, đặc biệt là ở những huyện miền núi, vùng cao, biên giới. Việc dạy nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu; việc cho vay tín dụng ưu đãi chưa gắn với hỗ trợ và hướng dẫn về sản xuất, khuyến nông một cách hiệu quả. Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và chống tái mù chữ còn thấp, dẫn đến mặt bằng học vấn của người dân chưa được nâng lên như mong muốn; tỷ lệ tái mù chữ ở những nhóm dân tộc rất ít người còn cao. Trong khi đó, vùng đặc biệt khó khăn ở nước ta hiện nay chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Có thể nói, đây vẫn là “rốn nghèo”, là nơi tập trung nhiều người nghèo nhất. Đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó có trẻ em) ở nhiều nơi vẫn khó tiếp cận với dịch vụ y tế do chi phí cho khám chữa bệnh cao, đi lại khó khăn, chất lượng khám chữa bệnh còn thấp... Trong số hơn 10 triệu người nghèo nhất cả nước hiện nay, hầu hết là cư dân nông thôn miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, XĐGN vẫn phải được tiếp tục thực hiện đồng thời cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.  

- Ông có cho rằng chính sách giảm nghèo hiện nay quá nhiều, đôi khi có sự trùng lắp, chồng chéo nên sẽ dẫn tới một số khó khăn khi thực thi?

- Hiện nay có khoảng 70 văn bản chính sách trực tiếp về XĐGN, ngoài ra số chính sách liên quan còn rất nhiều. Qua đánh giá, về cơ bản các chính sách đầy đủ, và ở mức độ nào đó đã tác động hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, còn lại một số chính sách hiện đang có vấn đề, không mang lại hiệu quả rõ nét mà tạo ra sự ỷ lại. Ví dụ, chính sách hỗ trợ tiền điện, giống cây trồng vật nuôi, vì mức hỗ trợ quá thấp mục tiêu của chính sách bị “bẻ quặt” khi về các gia đình họ không dùng vào mục đích được hỗ trợ.

Đã có nhiều chính sách dẫn đến sự chồng chéo như: chính sách dạy nghề có dạy nghề cho nông thôn, phụ nữ, dân tộc thiểu số, thanh niên, nông dân… nếu triển khai trên cùng địa bàn, thì một đối tượng có thể được hưởng mấy chính sách. Tình trạng nhiều chính sách, chương trình dẫn đến quản lý cồng kềnh, gây lãng phí, trùng lắp, nguồn lực phân tán, không đáp ứng được nhu cầu thực sự của các hộ. Chính sách XĐGN hiện còn ở tình trạng chắp vá, thiếu tính định hướng, chiến lược, thấy thiếu cái gì thì lại bổ sung, hoặc có chính sách tồn tại đã lâu nên cần cập nhật, thay đổi.

- Những bất cập trong công tác XĐGN, sẽ được Bộ LĐTBXH tập trung giải quyết như thế nào?

- Đầu tiên, Bộ LĐTBXH sẽ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ để sắp xếp lại chính sách cho phù hợp, theo hướng có phân loại đối tượng tác động. Có chính sách hỗ trợ khuyến khích với hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo. Hộ thoát nghèo cũng phải hỗ trợ để họ không tái nghèo nữa.

Đối với các địa phương cần thay đổi cơ chế, chuyển từ xây dựng giao kế hoạch hàng năm sang giao kế hoạch trung hạn (từ 3-5 năm), để địa phương chủ động triển khai các hoạt động XĐGN. Trong việc xác định đối tượng, sẽ không đánh giá XĐGN hàng năm như hiện nay mà chuyển sang đánh giá 5 năm.  Như vậy để đối tượng có sự ổn định hưởng chính sách 2-3 năm, thoát nghèo thực sự, thay vì hàng năm “bắt” người ta thoát, rồi năm sau lại tái nghèo. Ngoài ra, chuyển từ hướng đo lường nghèo dựa trên chuẩn nghèo như hiện nay chuyển sang đo lường nghèo đa chiều, dựa trên các nhu cầu tối thiểu khi đó nhìn nhận nghèo sẽ tổng thể hơn.

Trong công tác XĐGN, cần phải xây dựng bộ máy chuyên trách cho XĐGN, bộ máy XĐGN hiện nay đều là kiêm nhiệm từ Trung ương đến địa phương. Việc không có bộ máy chuyên trách làm nảy sinh vấn đề là không có người đứng ra tổ chức thực hiện chính sách, cũng như tham mưu cho các cấp, tính trách nhiệm không cao, mặt khác nhiều hoạt động như điều tra, rà soát hộ nghèo hàng năm không được bố trí kinh phí thực hiện, dẫn đến chất lượng và hiệu quả chưa cao. Giai đoạn tới, cần phải coi công tác XĐGN như một nghề, nếu coi đó chỉ là phong trào thì không thể xóa nghèo bền vững.

Tóm lại, chúng ta cần thực hiện tốt hai nhóm vấn đề là chính sách giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Chính sách giảm nghèo được các Bộ, ngành tham gia. Ngành LĐTBXH là cơ quan thường trực, điều phối, kiểm tra, đánh giá… Các địa phương cũng phải tăng cường vai trò của cơ quan thường trực để gắn kết với các sở, ngành và làm công tác tham mưu tốt hơn nữa trong XĐGN.

Xin cảm ơn ông về những thông tin đã chia sẻ.

Theo Bộ LĐTB&XH