Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thoát nghèo từ mô hình kinh tế tổng hợp

11/08/2014 08:01:05 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Với đặc thù là một xã thuần nông, trong vài năm gần đây, nhiều bà con nông dân của xã Văn Tiến - thành phố Yên Bái đã biết tận dụng lợi thế đất đai, tiềm năng sẵn có của gia đình để lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp đạt hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình kinh tế tổng hợp đem lại thu nhập cao của gia đình anh Nguyễn Văn Đài - thôn Văn Quỳ, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái

Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Đài - thôn Văn Quỳ, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện của gia đình, đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cuộc sống nhà nông quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao. Có ít vốn dành dụm được, anh chị bàn nhau đầu tư nuôi vài con lợn thịt. Mới đầu do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, anh chị lại chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người xung quanh để áp dụng vào sản xuất. Dần dần, từ những kinh nghiệm đã tích lũy được cộng với vốn kiến thức anh học được qua các lớp tập huấn của cán bộ khuyến nông nên anh mạnh dạn dùng số lãi tích lũy được qua các lứa nuôi lợn để mở rộng chăn nuôi. Có những thời điểm cao nhất gia đình anh có gần 50 con lợn thịt và và 3 lợn nái.

Với bản tính chịu thương, chịu khó, không cam chịu sống chung với cái đói cái nghèo, tuy chăn nuôi lợn có lãi nhưng nhận thấy diện tích vườn đồi của gia đình còn bỏ trống, lại thấy quanh xã nhiều hộ trồng Chanh tứ thời cho thu nhập cao, anh bàn với vợ quyết định dùng số tiền tiết kiệm của gia đình mua 50 cành ghép giống Chanh tứ thời về trồng. Nhờ tập trung chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, lại được một số hộ dân trong xã truyền đạt lại những kinh nghiệm đã có nên vườn Chanh nhà anh sinh trưởng phát triển tốt, ít gặp sâu bệnh. Dần dần, trong quá trình chăm sóc anh tiếp tục nhân giống Chanh tứ thời từ những cành ghép ban đầu, đến nay trong vườn quanh nhà anh có hơn 200 cây chanh tứ thời, cộng với 60 cây chanh không hạt đã đem lại cho gia đình anh nguồn thu đáng kể mỗi năm. Chỉ tính riêng năm 2013, với hơn 200 gốc chanh tứ thời đang cho thu hoạch, trung bình cho khoảng 15 kg quả/cây, với giá bán tại vườn 20.000 đ/kg cũng cho gia đình anh nguồn thu hơn 60 triệu đồng. Không chỉ có thế, việc bán cành chiết chanh tứ thời cũng cho nguồn thu nhập khoảng 30 triệu đồng.

Nhận thấy diện tích lúa nước gần nhà đem lại hiệu quả kinh tế thấp, vợ chồng anh bàn tính đầu tư chuyển đổi sang đào ao thả cá. Với diện tích của 2 ao là hơn 4 sào, gia đình anh thả chủ yếu các loại cá như: Trắm cỏ, chép, rô phi đơn tính,….Do làm tốt công tác cải tạo ao trước khi thả cá, nên đàn cá của gia đình anh sinh trưởng phát triển tốt. Mỗi năm anh tiến hành đánh tỉa một lần, sau khi trừ mọi chi phí cũng cho gia đình anh thu lãi gần 10 triệu đồng mỗi năm.

Ngoài ra, tận dụng diện tích đất vườn trồng chanh tứ thời, anh chị tiếp tục đầu tư nuôi 400 gà thả vườn giống gà ri lai, vừa giảm được công làm cỏ, tăng được nguồn phân bón hữu cơ, lại hạn chế được sâu cho chanh. Chỉ tính riêng năm 2013, gia đình anh chị xuất bán được gần 400 gà thịt, với trọng lượng trung bình mỗi con đạt 2kg, sau khi trừ mọi chi phí cũng cho thu lãi gần 10 triệu đồng. Không chỉ có vậy, với hơn 5 sào chè đang trong thời kỳ kinh doanh, mỗi năm gia đình anh hái được 8 lứa, trung bình năng suất đạt 1 tấn/lứa cũng cho gia đình anh một nguồn thu đáng kể.

Là một người nhanh nhạy, chịu khó, luôn biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Anh luôn tìm tòi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tìm hiểu các loại máy móc nông nghiệp phục vụ thiết thực vào sản xuất của gia đình, hạn chế tối đa sức người vào sản xuất. Từ nhu cầu sản xuất của gia đình, anh bàn với vợ mua sắm một số loại máy móc, công cụ nông nghiệp vừa giảm được thời gian lao động lại tăng hiệu quả kinh tế như: Máy hái chè, máy đốn chè, máy cắt cỏ, máy làm đất đa năng,… đã góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế các mô hình sản xuất kinh tế của gia đình anh.

Với ý chí quyết tâm làm giàu, chịu khó áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết tận dụng lợi thế sẵn có của gia đình để tập trung đầu tư phát triển kinh tế, anh Nguyễn Văn Đài - thôn Văn Quỳ, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái là một điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Từ những thành công đã đạt được, đây là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cần được nhân rộng.

Theo CTTĐT