Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Trăn trở Tân Phượng

25/08/2014 10:59:30 Xem cỡ chữ

Là xã vùng sâu, vùng xa thuộc diện khó khăn của huyện Lục Yên, những năm qua, Tân Phượng đã có nhiều nỗ lực để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Thế nhưng "cái khó bó cái khôn", Tân Phượng vẫn là một xã nghèo với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 53%. Điều này cho thấy bài toán giảm nghèo ở Tân Phượng vẫn cần rất nhiều những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động.

Cách trung tâm huyện chừng 32km nhưng phải mất 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được Tân Phượng. So với trước, Tân Phượng giờ đây đã có nhiều khởi sắc. Điện lưới quốc gia đã được kéo về 9/9 thôn, bản. Dọc con đường từ thôn Lũng Cọ đi vào, nhiều ngôi nhà sàn khang trang, đẹp đẽ đã dựng lên. Sau cái bắt tay, Chủ tịch UBND xã Triệu Tiến Tiên thông tin nhanh: vụ mùa vừa qua, toàn xã gieo cấy 50ha lúa, đến thời điểm này đang bước vào giai đoạn đứng cái làm đòng.

Bên cạnh đó, xã cũng đã vận động nhân dân gieo trồng được 88,4ha ngô trên đất đồi, vườn; 33,5ha cây trồng các loại; 43,2ha sắn... Với những kết quả trên, đời sống của người dân đã có nhiều chuyển biến, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 1.000 tấn, thu nhập bình quân nâng lên 9 triệu đồng/người/năm.

Có thể nói, những kết quả trên thật đáng mừng với một xã vùng cao còn nhiều khó khăn như Tân Phượng. Tuy nhiên, với tỷ lệ hộ nghèo 43,80% (159 hộ) và cận nghèo 10,19% (37 hộ) cho thấy để xóa nghèo, phát triển kinh tế thì Tân Phượng vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là trong điều kiện hệ thống đường giao thông nông thôn vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, giao lưu buôn bán như hiện nay.

Ông Tiên cho biết: "Trong tổng số gần 10km đường liên thôn, bản thì hiện nay mới có 1km vừa được bê tông hóa trong năm 2013, còn các tuyến khác vẫn là đường đất, khó đi lại. Đặc biệt là tuyến đường liên xã nối Tân Phượng với thị trấn huyện và các xã lân cận vẫn chưa được đầu tư nâng cấp nên mọi hoạt động thông thương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và phát triển kinh tế của bà con nhân dân".

Theo ông Bàn Tiến Quốc - Bí thư Đảng ủy xã: "Từ năm 2014, xã được xếp trở lại vùng 135 (giai đoạn đến 2015), tuy nhiên, đến thời điểm này mọi nguồn kinh phí, từ hỗ trợ cán bộ công chức cho đến các chương trình xây dựng xã vẫn chưa được hưởng. Điều này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế và chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn nên việc huy động đóng góp vào các hoạt động làm đường, xây dựng các công trình nhà văn hóa còn hạn chế. Cùng với đó, một số nơi bà con vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự quan tâm đầu tư của Nhà nước...".

Những khó khăn này có thể nói đang là những rào cản trong quá trình xóa nghèo ở Tân Phượng nhưng nhìn vào những chuyển biến trong thời gian qua cho thấy địa phương đã và đang có những bước đi đúng hướng. Điều quan trọng là phải có những "cú hích" mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động.

Trao đổi về vấn này, theo ông Tiên, Tân Phượng xác định trước mắt sẽ tập trung phát triển mạnh cây ngô, trồng rừng và chăn nuôi. Nếu thực hiện tốt các mục tiêu trên sẽ có nhiều cơ hội để xóa nghèo, phát triển kinh tế. Cụ thể, hàng năm xã tăng cường phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi; đồng thời, căn cứ vào hiện trạng quỹ đất, xã sẽ phân bổ chỉ tiêu cho từng thôn, bản và tiến hành vận động, tuyên truyền người dân chuẩn bị giống, cây trồng để tiến hành gieo trồng theo đúng thời vụ; tập trung xây dựng các mô hình điểm về chăn nuôi nhằm nhân rộng... Bên cạnh đó, Tân Phượng cũng cần tận dụng các nguồn lực đầu tư và huy động nhân dân tham gia xây dựng hệ thống các tuyến đường giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, tạo động lực cho phát triển kinh tế.

 

(Theo Báo Yên Bái)